Thứ sáu, 29/03/2024 21:23 (GMT+7)
Thứ tư, 25/11/2020 10:04 (GMT+7)

Vì sao 'đói lũ' nhưng nhiều đô thị ĐBSCL ngập sâu 1-3 m?

Theo dõi KTMT trên

Những năm gần đây tình trạng ngập lụt đang diễn ra với tần suất, cường độ ngày càng tăng ở ĐBSCL do những nguyên nhân liên quan đến biến đổi khí hậu và phát triển hạ tầng.

Ngày 24/11, tại Cần Thơ, Bộ Xây dựng phối hợp với Tổ chức Hợp tác phát triển Đức (GIZ) tổ chức tổng kết Chương trình thoát nước và chống ngập đô thị ứng phó với biến đổi khí hậu (FPP), được triển khai tại 8 tỉnh duyên hải miền Trung và Đồng bằng sông Cửu Long.

Sự kiện nhằm tổng kết những kết quả đạt được qua 8 năm thực hiện dự án từ năm 2012 - 2020, đồng thời thu thập ý kiến của các đại biểu tham dự để triển khai chương trình mới, dự kiến thực hiện từ năm 2021 - 2025.

Khoảng một nửa ĐBSCL ngập sâu 1-3 m

Theo báo cáo của Cục Hạ tầng kỹ thuật, Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất của biến đổi khí hậu (BĐKH) và Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là khu vực đặc biệt dễ bị tổn thương do tác động của BĐKH và thiên tai liên quan đến nước. Theo đó, mỗi năm khoảng 1/2 diện tích của ĐBSCL bị ngập sâu 1-3 m.

Vì sao 'đói lũ' nhưng nhiều đô thị ĐBSCL ngập sâu 1-3 m? - Ảnh 1
Nhiều tuyến đường ngập nặng vào mỗi đợt triều cường. (Ảnh minh họa)

Hầu hết các địa phương tại ĐBSCL phụ thuộc vào hệ thống thoát nước chung cho cả nước mưa và nước thải. Do vậy, khi nước sông dâng lên kết hợp với mưa lớn, hạ tầng không đủ năng lực để thoát nước kịp. Qua nghiên cứu cho thấy thách thức trong tăng cường khả năng thích ứng với BĐKH và ngập úng ở khu vực đô thị của Việt Nam và đặc biệt ở ĐBSCL là công trình thoát nước chưa hoàn chỉnh, chất lượng thấp, thiếu đồng bộ, chưa được ưu tiên xây dựng cũng như chưa được dựa trên các số liệu tin cậy.

Bên cạnh đó, việc phát triển đô thị nhanh và thiếu kiểm soát, xây dựng nhà ở tại đồng bằng ngập lũ và công trình bịt kín bề mặt đô thị đã ngăn cản nước mưa thấm tự nhiên xuống bề mặt. Do vậy BĐKH, mực nước biển dâng và hình thái mưa với cường độ cao và khó dự báo. Ngoài ra, quản lý lưu vực sông thiếu sự điều phối, khai thác cát trên sông quá mức và sụt lún đất càng làm cho vấn đề trở nên nghiêm trọng hơn, góp phần gia tăng ngập lụt và sạt lở đô thị.

Theo TS Tim McGrath, Giám đốc Chương trình FPP, Tổ chức Hợp tác phát triển Đức, trung bình ĐBSCL sụt lún ở mức 1 cm/năm, làm tăng thêm đáng kể tác động của mực nước biển. Trong đó các khu vực đô thị sụt lún nhanh hơn nông thôn, khu vực đô thị sụt lún 2-4 cm/năm trong khi nông thôn là 0,5-2 cm/năm.

Cần tăng cường khả năng thích ứng BĐKH

Để vượt qua những thách thức này, GIZ đã và đang hợp tác với Bộ Xây dựng trong tăng cường khả năng thích ứng với BĐKH và giảm thiểu rủi ro ngập lụt tại các đô thị Việt Nam.

Cũng theo Tiến sỹ Tim McGrath để đảm bảo tính bền vững, chương trình đã áp dụng phương thức tiếp cận tổng hợp, tập hợp những bài học kinh nghiệm cụ thể, thực tế, đưa những kinh nghiệm từ cấp địa phương lên Trung ương đồng thời vận động và hỗ trợ điều chỉnh khung chính sách.

Nhờ đó, những chính sách được thực hiện hiệu quả, trong số những văn bản quy phạm pháp luật đó có Nghị định số 80/2014/NĐ-CP ngày 6/8/2014 của Chính phủ về thoát nước và xử lý nước thải, Thông tư 04/2015/TT-BXD ngày 3/4/2015 Điều chỉnh Định hướng phát triển thoát nước đô thị và khu công nghiệp Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050.

Chương trình FPP có 6 lĩnh vực hoạt động chính và trọng tâm đều hướng đến lợi ích người dân. Theo thống kê của Tổ chức GIZ về những lợi ích dự án mang lại, có 35,69 triệu người dân đô thị Việt Nam được hưởng lợi từ những quy định về quy hoạch thoát nước; khoảng 17,2 triệu người dân ĐBSCL được hưởng lợi từ việc tăng cường năng lực cảnh báo lũ sớm; khoảng 5,5 triệu người dân ba tỉnh Kiên Giang, An Giang và Cà Mau được hưởng lợi từ việc tăng cường năng lực chuẩn bị ứng phó với thiên tai, kế hoạch di dời khi có thiên tai…

Từ những kết quả đã đạt được, bà Mai Thị Liên Hương, Cục trưởng Cục hạ tầng kỹ thuật của Bộ Xây dựng cho biết, trong thời gian tới, Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục phối hợp với Cơ quan Hợp tác phát triển Đức (GIZ) nhân rộng những kết quả chính của chương trình tại tất cả các địa phương ở ĐBSCL và tại các đô thị của Việt Nam.

Ông Marcel Reymond, Trưởng bộ phận hợp tác và phát triển, Đại sứ quán Thuỵ Sĩ tại Việt Nam cho biết, Chính phủ Thuỵ Sĩ sẽ tiếp tục hỗ trợ cho chương trình trong giai đoạn tiếp theo. “Chúng tôi mong muốn tăng cường khả năng thích ứng với BĐKH cho các đô thị ĐBSCL thông qua tăng cường liên kết phát triển vùng”, ông cho biết.

Trong khi đó, ông Tim McGrath, Giám đốc chương trình thoát nước và chống ngập úng đô thị ứng phó với BĐKH cho biết, chương trình mới sẽ được thực hiện từ năm 2021 đến 2025 với ba hợp phần, trong đó, có các hoạt động thí điểm về mô hình “thành phố bọt biển”, hạ tầng xanh trong phòng chống ngập úng đô thị.

Theo đó, ba hợp phần được đề cập ở trên, gồm quy hoạch thoát nước và đô thị tích hợp; phân tích rủi ro ngập úng và quy hoạch, quản lý rủi ro thiên tai.

Minh Phương

Bạn đang đọc bài viết Vì sao 'đói lũ' nhưng nhiều đô thị ĐBSCL ngập sâu 1-3 m?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Hà Nội “mạnh tay” xử lý ô nhiễm nước sông Cầu Bây
TP. Hà Nội sẽ không cấp phép môi trường, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường với các dự án, cơ sở không có biện pháp, công trình xử lý nước thải đảm bảo xử lý nước thải đạt quy chuẩn Việt Nam trước khi xả ra sông Cầu Bây.

Tin mới

GDP quý I/2024 tăng 5,66%
Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I/2024 ước tính tăng 5,66% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng của quý I các năm 2020-2023.