Thứ năm, 02/01/2025 18:05 (GMT+7)
Thứ hai, 30/12/2024 16:05 (GMT+7)

Thách thức trong việc huy động tài chính để giảm ô nhiễm nhựa

Theo dõi KTMT trên

Ô nhiễm rác thải nhựa đang trở thành một trong những vấn đề môi trường nghiêm trọng nhất hiện nay, đặc biệt là nhựa dùng một lần như túi ni lông, chai lọ, và ống hút, gây ô nhiễm trên đất liền, đại dương và nguồn nước ngọt.

Ô nhiễm nhựa đã trở thành một vấn đề toàn cầu nghiêm trọng, môi trường và sức khỏe con người bị ảnh hưởng tiêu cực. Hàng triệu tấn rác thải nhựa đổ ra biển mỗi năm, tạo thành các "đảo rác" khổng lồ và gây hại cho các loài sinh vật biển như rùa, cá và chim biển. Những hạt vi nhựa xâm nhập vào chuỗi thức ăn của con người, gây ra các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng. Đáng chú ý, rác thải nhựa không phân hủy sinh học tồn tại hàng trăm năm trong môi trường, gây ô nhiễm đất và nước, ảnh hưởng đến sự phát triển của thực vật và động vật.

Thách thức trong việc huy động tài chính để giảm ô nhiễm nhựa - Ảnh 1
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Việt Nam cũng đối mặt với những thách thức nghiêm trọng trong việc kiểm soát và giảm thiểu ô nhiễm từ rác thải nhựa. Với tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh, sự gia tăng tiêu dùng và các hoạt động công nghiệp, lượng rác thải nhựa ở Việt Nam không ngừng gia tăng.

Trong bối cảnh này, việc huy động các giải pháp tài chính để giải quyết ô nhiễm nhựa trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.

Tại hội thảo “Huy động tài chính cho giải pháp ô nhiễm nhựa tại Việt Nam: Từ lý thuyết đến thực thi", ông Lê Ngọc Tuấn, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết, các cơ quan Chính phủ và các địa phương trong những năm qua đã phối hợp chặt chẽ với các đối tác quốc tế, các tổ chức phi chính phủ và các doanh nghiệp triển khai các chương trình, dự án trong nỗ lực nhằm giải quyết ô nhiễm nhựa. Việt Nam cũng đã đạt được nhiều thành tựu đáng ghi nhận trong quá trình giảm thiểu ô nhiễm nhựa và từng bước cải thiện hình ảnh quốc gia, đưa tên ra khỏi danh sách các quốc gia gây ô nhiễm nhựa hàng đầu trên thế giới.

Tuy vậy, Việt Nam vẫn cần tìm kiếm các công cụ tài chính để giải quyết ô nhiễm nhựa, tạo động lực cho các sáng kiến sáng tạo, hướng đến mô hình kinh tế tuần hoàn nhựa, phát triển kinh tế xanh, phát triển bền vững.

Theo báo cáo của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), trong giai đoạn từ năm 2020 - 2040 nhu cầu đầu tư toàn cầu để quản lý chất thải nhựa ước tính cần khoảng 2,1 nghìn tỷ USD. Tại Việt Nam, khoảng cách tài chính cần để thu gom và tái chế nhựa ước tính vào khoảng 28 - 40 USD/tấn và 24 - 40 USD/tấn tương ứng. Đây là một con số đáng kể, đòi hỏi các giải pháp huy động vốn hiệu quả và sáng tạo.

Theo TS. Muthukumara S. Mani, Chuyên gia trưởng về Kinh tế môi trường và Biến đổi khí hậu vùng Đông Nam Á (Ngân hàng Thế giới - WB), WB đang tích cực hỗ trợ vào quá trình này thông qua các sáng kiến như Chương trình khu vực Đông Nam Á về chống rác thải nhựa trên biển (SEA-MaP) và các công cụ tài chính sáng tạo như trái phiếu xanh, trái phiếu xanh lá cây và trái phiếu liên kết giảm thiểu nhựa. Những sáng kiến này chứng minh cách tài trợ có mục tiêu có thể mang lại lợi ích kinh tế và môi trường hữu hình.

Ông Patrick Haverman, Phó đại diện Thường trú của UNDP tại Việt Nam nhấn mạnh rằng nền kinh tế tuần hoàn chính là chìa khóa để vượt qua những thách thức không bền vững mà Việt Nam đang đối mặt. Việc chuyển đổi sang mô hình này giúp cải thiện năng suất, nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Tuy vậy, để thực hiện các sáng kiến này thì vẫn cần sự hỗ trợ tài chính đáng kể.

Giai đoạn 2017 - 2023, dư nợ tín dụng được đánh giá rủi ro môi trường và xã hội của hệ thống tổ chức tín dụng tại Việt Nam tăng trưởng đều qua các năm, chiếm hơn 21% tổng dư nợ. Tuy vậy, tín dụng xanh hiện chỉ chiếm khoảng 4,5% tổng dư nợ toàn nền kinh tế. Điều này cho thấy tiềm năng phát triển trong việc tăng cường nguồn tài chính xanh và các công cụ tài chính khác nhằm hỗ trợ các sáng kiến liên quan đến nhựa.

Theo khuyến nghị của các chuyên gia, cần thiết lập khung pháp lý rõ ràng, đưa ra các ưu đãi và tăng cường hợp tác quốc tế để mở ra nhiều cơ hội tài trợ hơn. Bên cạnh đó, Việt Nam cần tiếp tục chuẩn bị và nâng cao năng lực trong việc thực hiện Thỏa thuận Toàn cầu về ô nhiễm nhựa. Thỏa thuận này sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc hướng dẫn và thúc đẩy các quốc gia, bao gồm cả Việt Nam, trong hành trình giảm thiểu ô nhiễm nhựa.

Bích Ngọc

Bạn đang đọc bài viết Thách thức trong việc huy động tài chính để giảm ô nhiễm nhựa. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 036 882 6789 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Việt Nam xảy ra 482 trận động đất trong năm 2024
Năm 2024 đã xảy ra 482 trận động đất, trong đó có hơn 440 trận xảy ra tại huyện Kon Plong, tỉnh Kon Tum. Các trận động đất còn lại xảy ra ở các tỉnh, thành phố như Quảng Nam, Phú Thọ, Hà Nội...

Tin mới