Nam Định: Ứng dụng khoa học công nghệ để phát triển nông nghiệp bền vững
Nông nghiệp là ngành kinh tế trọng điểm của tỉnh Nam Định. Nhằm thúc đẩy phát triển bền vững ngành nông nghiệp, tỉnh này đã đẩy mạnh các hoạt động kết nối, chuyển giao thành tựu khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo vào sản xuất nông nghiệp.
Ứng dụng khoa học công nghệ góp phần thúc đẩy sản xuất, chế biến, kinh doanh theo hướng liên kết chuỗi giá trị, hình thành vùng sản xuất khép kín quy mô hàng hóa, hiện đại, đáp ứng yêu cầu thị trường. Theo Vụ Khoa học công nghệ và Môi trường (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), khoa học công nghệ đang có đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có ngành nông nghiệp. Ứng dụng khoa học công nghệ bao trùm từ trồng trọt, bảo vệ thực vật, chăn nuôi, thú y, thủy sản, lâm nghiệp, thủy lợi, công nghệ sau thu hoạch và đóng góp hơn 30% giá trị gia tăng trong sản xuất nông nghiệp.
Xác định tầm quan trọng của khoa học công nghệ, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Nam Định đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc triển khai đẩy mạnh hoạt động kết nối, chuyển giao ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo vào sản xuất nông nghiệp. Thông qua các buổi hội thảo, tập huấn, đào tạo đổi mới công nghệ, sáng tạo khởi nghiệp; trưng bày các thiết bị, công nghệ mới, các mô hình ứng dụng để các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tham gia vào hoạt động chuyển giao, tiếp thu ứng dụng thành tựu khoa học công nghệ.
Điển hình là Trung tâm Ứng dụng, Dịch vụ khoa học và công nghệ (Sở Khoa học và Công nghệ) đã tổ chức hoạt động tư vấn, kết nối cung cầu công nghệ lĩnh vực nông sản, thủy sản cho 150 đại biểu là các doanh nghiệp, hợp tác xã của địa phương gặp gỡ, trao đổi, tiếp cận với các công nghệ mới ngành nông sản - thủy sản, từ đó mở rộng thị trường, tăng giá trị sản xuất và hiệu quả kinh tế.
Các công nghệ giải pháp ứng dụng trong nông nghiệp - thủy sản được giới thiệu kết nối cung - cầu gồm: Công nghệ nuôi cấy hoa cây cảnh của Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển hoa, cây cảnh (Viện Nghiên cứu Rau quả); ứng dụng công nghệ ánh sáng và điều khiển loT trong sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, ngư nghiệp và nông thôn mới của Công ty Cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông; giải pháp chuyển đổi số trang trại chăn nuôi FarmGo của Công ty TNHH Công nghệ Hipotech; giải pháp truy xuất nguồn gốc hàng hóa cho các sản phẩm nông sản, thủy sản của Công ty STI Việt Nam; công nghệ nuôi trồng và chế biến thủy hải sản của Viện Nghiên cứu Hải sản; thức ăn chăn nuôi phát triển theo hướng bền vững của Công ty Stella Graden…
Kết quả đã kết nối thành công cung - cầu công nghệ như: Công ty Harumidori Việt Nam kết nối tìm nguồn nguyên liệu nông sản tại địa phương; Công ty Chế biến thủy sản Hạ Long kết nối tìm mua nguồn nguyên liệu hải sản như tôm, cua, cá, ốc; Công ty TNHH Thủy sản Lenger Việt Nam tìm nhà xưởng, trang trại và đầm nuôi hải sản.
Nằm trong chuỗi các hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp năm 2024 thuộc Đề án hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025, Trung tâm Ứng dụng, Dịch vụ khoa học và công nghệ đã phối hợp tổ chức thành công hoạt động kết nối đề xuất giải pháp giải quyết các vấn đề của doanh nghiệp địa phương trong lĩnh vực chế biến - bảo quản.
Với hoạt động này, các doanh nghiệp đã đưa ra các giải pháp như: Công ty TNHH Công nghệ LC Việt Nam với sản phẩm “Máy đọc chỉ số thông minh - giải pháp IoT phát hiện lãng phí sử dụng điện nước”; Công ty Cổ phần Giải pháp Phần mềm BMDSOFT với giải pháp “Quản trị doanh nghiệp toàn diện - BMD ERP”; Công ty Cổ phần Công nghệ vi sinh nông nghiệp Nami với giải pháp “Xử lý môi trường cho các doanh nghiệp chế biến thủy hải sản, chế biến thực phẩm”; Công ty Cổ phần Galaxy Biotech với giải pháp “Bao bì phân hủy sinh học và bảo quản thực phẩm - giải pháp thân thiện với môi trường”.
Những giải pháp trên đã tạo cơ hội cho các doanh nghiệp khởi nghiệp được tiếp xúc, tìm kiếm cơ hội kinh doanh, hợp tác, phát triển thị trường với các doanh nghiệp lớn như: Công ty TNHH Thủy sản Lenger Việt Nam; Công ty TNHH một thành viên Minh Dương, Hiệp hội Nông nghiệp sạch tỉnh Nam Định, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam… tiếp tục nuôi dưỡng các ý tưởng, dự án khởi nghiệp tiềm năng.
Chương trình kết nối cung - cầu công nghệ thiết bị giữa Việt Nam và Nhật Bản được tổ chức tại Nam Định có sự tham gia đại diện 7 doanh nghiệp Nhật Bản có 100% vốn FDI của Nhật Bản đang hoạt động sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam. Đã có hơn 50 doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh được phổ biến chính sách và các chương trình quốc gia hỗ trợ doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong hoạt động ứng dụng, chuyển giao và đổi mới công nghệ; khảo sát, xác định nhu cầu đổi mới công nghệ của các doanh nghiệp, từ đó hướng dẫn, hỗ trợ, xúc tiến giúp các doanh nghiệp kết nối cung - cầu công nghệ, thiết bị để lựa chọn công nghệ, đối tác hợp tác phù hợp.
Tại sự kiện, doanh nghiệp Nhật Bản đã giới thiệu với doanh nghiệp Việt Nam về các giải pháp công nghệ, thiết bị, cập nhật thông tin công nghệ mới trong các lĩnh vực nông nghiệp, thủy sản, chế biến, cơ khí chế tạo, tự động hóa. Kết quả đã có 32 phiên kết nối làm việc giữa doanh nghiệp 2 bên nhằm trao đổi, học hỏi kinh nghiệm và tìm kiếm cơ hội hợp tác, đầu tư; từ đó góp phần thúc đẩy và phát triển thị trường khoa học công nghệ của tỉnh, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận, xúc tiến hợp tác để đổi mới công nghệ, thiết bị tiên tiến, tăng khả năng cạnh tranh và nâng cao năng suất, chất lượng cho sản phẩm.
Thời gian tới, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Nam Định tiếp tục xây dựng, hình thành, phát triển mạng lưới kết nối công nghệ và đổi mới sáng tạo; kết nối doanh nghiệp với thị trường, đối tác trong nước và quốc tế để giải quyết các vấn đề về kỹ thuật, công nghệ trong các lĩnh vực, đặc biệt là nông nghiệp tại địa phương. Tạo điều kiện kết nối các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân giới thiệu công nghệ, sản phẩm góp phần đẩy mạnh hoạt động ứng dụng, chuyển giao công nghệ và đổi mới sáng tạo trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn.
Sông Hồng