Thứ hai, 07/10/2024 05:27 (GMT+7)
Thứ tư, 20/09/2023 07:30 (GMT+7)

Vì sao Công ty CP Công nghệ môi trường Tây Ninh "thờ ơ" xử lý sự cố về môi trường? (Bài 3)

Theo dõi KTMT trên

Dù rất nhiều lần xảy ra sự cố, thế nhưng nhà máy xử lý rác của Công ty CP Công nghệ môi trường Tây Ninh không báo cáo chính quyền, khắc phục không triệt để và thực trạng ô nhiễm môi trường ngày càng nghiêm trọng.

Sự cố từ thủa sơ khai?

Theo tìm hiểu của Phóng viên Tạp chí điện tử Kinh tế Môi trường, nhà máy xử lý rác của Công ty CP Công nghệ môi trường Tây Ninh (tại ấp Tân Lợi, xã Tân Hưng, huyện Tân Châu) được UBND tỉnh Tây Ninh cấp giấy chứng nhận đầu tư vào năm 2010 với mục tiêu xử lý rác thải và công suất hoạt động là 150 tấn/ngày trên diện tích hơn 10 ha. Đến ngày 01/01/2016, nhà máy này bắt đầu tiếp nhận và xử lý rác thải sinh hoạt, cũng kể từ thời điểm này những hệ lụy môi trường liên quan đến nhà máy xử lý rác này liên tiếp bộc lộ.

Vì sao Công ty CP Công nghệ môi trường Tây Ninh "thờ ơ" xử lý sự cố về môi trường? (Bài 3) - Ảnh 1
Toàn cảnh nhà máy xử lý rác thải của Công ty CP Công nghệ môi trường Tây Ninh.

Cụ thể, từ đầu năm 2016, người dân xung quanh khu vực nhà máy này liên tiếp phản ánh tình trạng ruồi xuất hiện ở khắp mọi nơi, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống sinh hoạt. Sau đó, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Tây Ninh phối hợp Sở Xây dựng, Sở Y tế và UBND huyện Tân Châu tổ chức Đoàn kiểm tra và tiến hành kiểm tra thực tế. Thời điểm kiểm tra, Đoàn ghi nhận nhà máy xử lý rác của Công ty CP Công nghệ môi trường Tây Ninh có khoảng hơn 500 tấn rác được tập kết ngoài trời, không đảm bảo yêu cầu kỹ thuật lưu giữ theo quy trình xử lý.

Thừa nhận với ngành chức năng, thời điểm đó đại diện Công ty CP Công nghệ môi trường Tây Ninh cho biết: “Vào những ngày cuối năm, lượng rác tăng đột biến từ 30 – 40 tấn rác/ngày lên đến 110 – 120 tấn rác/ngày, tại nhà máy có phát sinh ruồi, gây ảnh hưởng đến cuộc sống của các hộ dân trong khu vực. Trước hiện trạng nêu trên, Công ty đã nhanh chóng khắc phục và xử lý bằng biện pháp phun thuốc diệt côn trùng”.

Đoàn kiểm tra đã yêu cầu công ty thường xuyên phun thuốc diệt khuẩn đúng tần suất, liều lượng, chủng loại để hạn chế phát sinh côn trùng không gây ảnh hưởng đến sinh hoạt và sức khỏe của dân cư khu vực. Đồng thời, Công ty cần phải phối hợp với địa phương tổ chức phun thuốc diệt côn trùng khu vực xung quanh nhà máy và các hộ dân gần nhà máy để chống phát sinh côn trùng.

Tiếp đó, đến tháng 10/2017, một số hộ dân có đất canh tác cạnh nhà máy tiếp tục phản ánh tình trạng nước thải từ nhà máy xử lý rác tràn ra môi trường, làm ngập cục bộ nhiều diện tích cây trồng. Thông tin với báo chí, phía nhà máy xử lý rác thừa nhận có tình trạng nước từ nhà máy chảy ra ngoài làm ngập cục bộ và cho rằng nguyên nhân là do lượng rác nhập về công ty quá lớn, trung bình từ 230 – 300 tấn/ngày nên công ty chưa xử lý kịp.

Vì sao Công ty CP Công nghệ môi trường Tây Ninh "thờ ơ" xử lý sự cố về môi trường? (Bài 3) - Ảnh 2
Hiện nay, trong khu vực nhà máy còn khoảng hơn 100.000 tấn rác thải tồn đọng, chưa kịp xử lý. Đây cũng là một trong những nguyên nhân phát sinh nhiều ruồi nhặng, tiềm ẩn nguy cơ cao về bệnh truyền nhiễm, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người dân.

Đặc biệt, vào tháng 9/2019, hơn 110 hộ dân xung quanh khu vực nhà máy xử lý rác này đã ký tên vào đơn phản ánh về tình trạng ruồi nhặng tái diễn, nước thải, nước rỉ rác từ nhà máy tràn ra môi trường làm chết cây trồng và tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm mạch nước ngầm. Qua đó, người dân kiến nghị nhà máy xử lý rác tạm ngưng tập kết rác, xử lý tình trạng nước thải, nước rỉ rác chảy sang đất canh tác và di dời bãi rác ra xa khu dân cư. Đồng thời, các hộ dân cũng đề nghị cơ quan chức năng kêu gọi nhà đầu tư có năng lực xử lý khép kín không gây ô nhiễm môi trường.

Tiếp nhận đơn phản ánh, UBND huyện Tân Châu phối hợp cùng Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Tây Ninh đã tiến hành kiểm tra thực tế tại nhà máy. Quá trình kiểm tra, Đoàn kiểm tra phát hiện có tình trạng nước rỉ rác từ bãi chứa rác thải ngoài trời có hiện tượng chảy tràn qua các khu đât xung quanh. Đồng thời, nhà máy xử lý còn để rác ngoài trời ở nhiều nơi, chưa có biện pháp thu gom nước rỉ rác, để chảy tràn vào nhà xưởng và các mương thu gom nước mưa. Qua đó, Đoàn kiểm tra yêu cầu công ty thực hiện đầy đủ các biện pháp bảo vệ môi trường theo báo cáo đánh giá tác động môi trường, xử lý chất thải theo quy định.

Vì sao Công ty CP Công nghệ môi trường Tây Ninh "thờ ơ" xử lý sự cố về môi trường? (Bài 3) - Ảnh 3
Nước thải từ khu vực phía trong nhà máy liên tục tràn ra môi trường, ngấm trực tiếp xuống đất gây nguy cơ ô nhiễm đất và nguồn nước ngầm.

Kể từ năm 2019 đến năm 2022, Nhà máy xử lý rác của Công ty CP Công nghệ môi trường Tây Ninh thường xuyên xảy ra các sự cố như cháy nổ, tràn nước thải ra môi trường, phát tán mùi hôi, ruồi nhặng,….. có dấu hiệu “bức tử” môi trường nặng nề. Cũng từ đây, đơn thư phản ánh tình trạng ô nhiễm từ nhà máy này ngày một nhiều hơn

Đặc biệt, tại thời điểm cuối năm 2022 do lượng rác ở khu vực bãi chứa quá tải đã làm cho một đoạn tường bao dài hơn 40 mét, cao hơn 2 mét bị đổ sập. Vụ việc khiến hàng chục tấn rác thải cùng với nước rỉ rác, nước thải tràn ra môi trường. Nhiều diện tích đất canh tác cây trồng của người dân cũng bị nước thải bủa vây, làm chết cây trồng thiệt hại nặng nề về kinh tế của người dân.

Chây ì khắc phục hậu quả?

Có thể nhận thấy, sau mỗi lần sự cố xảy ra, người dân đều phản ánh tới chính quyền địa phương. Đồng thời, ngành chức năng có chuyên môn cũng nhiều lần tiến hành kiểm tra, yêu cầu Công ty CP Công nghệ môi trường Tây Ninh khắc phục sự cố và thực hiện nghiêm các quy định về bảo vệ môi trường.

Tuy nhiên, thông tin với Phóng viên, người dân cho rằng phía Công ty CP Công nghệ môi trường Tây Ninh đang cố tình né tránh trách nhiệm và làm ngơ trước những thiệt hại kinh tế, nguy cơ về sức khỏe của người dân.

Vì sao Công ty CP Công nghệ môi trường Tây Ninh "thờ ơ" xử lý sự cố về môi trường? (Bài 3) - Ảnh 4
Người dân vô cùng bức xúc bởi những hoạt động của nhà máy xử lý rác này đã và đang làm ảnh hưởng tới sức khỏe, đời sống sinh hoạt và sản xuất của bà con.

Theo đó, sau khi một tường bao bị đổ sập làm rác thải, nước thải tràn qua vườn cây trồng, lo sợ thiệt hại nặng hơn, hộ dân này đã chủ động chi hàng chục triệu đồng để thuê máy múc, tiến hành đào mương (rộng 1 mét, sâu 2 mét) dọc theo phần đất giáp với nhà máy xử lý rác để ngăn không cho nước rỉ rác, nước thải, rác thải tiếp tục tràn vào đất sản xuất. Thậm chí, việc thuê người để đào mương, chăm sóc cây trồng ở đây cũng rất khó khăn vì người làm sợ mùi hôi, ô nhiễm từ bãi rác ảnh hưởng đến sức khỏe.

“Trước đó, nước thải tràn ra làm chết cây, họ ra đếm rồi đền bù được bốn mấy cây cao su. Còn đợt rồi mì hư, với cao su 2 năm tuổi bị chết thì tôi cũng có báo với phía nhà máy, họ nói để họ về báo với giám đốc và đến nay chưa thấy họ đền bù gì. Họ cũng hứa đến ngày 30/08/2023 khắc phục phủ bạt hết bãi chứa rác, dọn dẹp phần rác tràn sang vườn nhà dân. Đến nay chỉ thấy gạt rác thành cấp chứ có thấy làm gì khác nữa đâu, làm đâu 3 bữa rút máy đi đâu rồi không biết, bỏ y vậy thôi.

Hồi trước tôi kêu người vô làm ở đây nhưng người ta không chịu làm vì hôi dữ lắm. Nếu gió qua bên kia thì đỡ, gió qua đây thì thôi bỏ chạy chứ không làm. Ảnh hưởng công cán, sản xuất dữ lắm. Làm ngày có trăm mấy mà về đau ốm bệnh họ không chịu làm.” – một người dân chia sẻ.

Cũng theo người dân phản ánh, theo cam kết của nhà máy đối với chính quyền và cơ quan chuyên môn thì đến 31/07/2023 sẽ phải cải tạo, sửa chữa hệ thống xử lý nước thải; Khắc phục hàng rào bị sạt ngã, che chắn khu vực lưu giữ rác lộ thiên; Xây dựng phương án phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường, hồ sự cố nước thải,… Tuy nhiên, những cam kết này đến nay vẫn chỉ nằm trên giấy!

Vì sao Công ty CP Công nghệ môi trường Tây Ninh "thờ ơ" xử lý sự cố về môi trường? (Bài 3) - Ảnh 5
Mặc dù liên tiếp xảy ra các sự cố, nhưng đến nay Công ty CP Công nghệ môi trường Tây Ninh vẫn chưa hoàn thiện việc khắc phục và đền bù thiệt hại cho các hộ dân bị ảnh hưởng.

Khảo sát thực tế của Phóng viên Tạp chí điện tử Kinh tế Môi trường cũng cho thấy những thông tin mà người dân cung cấp là hoàn toàn có cơ sở. Bởi hiện nay, gần như toàn bộ các khu vực tập kết rác ngoài trời của nhà máy đều không được che phủ theo đúng quy định, làm phát sinh ruồi nhặng và phát tán mùi hôi ra môi trường.

Bên cạnh đó, phần tường rào đổ sập, hàng chục tấn rác và nước thải tràn sang vườn nhà dân đến nay đã gần 1 năm trồi qua nhưng vẫn chưa được xây dựng, thu gom trở lại theo đúng yêu cầu của ngành chức năng.

Ngoài ra, nguồn nước thải phát sinh từ nhà máy cũng chưa được thu gom, xử lý theo đúng quy định khiến nước thải tràn làn khắp khuôn viên nhà máy. Một số hồ được xây dựng có chức năng thu gom nước rỉ từ các bãi chứa rác ngoài trời cũng luôn trong tình trạng đầy ắp và có thể chảy tràn ra môi trường, đất canh tác sản xuất của người dân bất cứ lúc nào. Mặt khác, núi rác thải với khối lượng hàng trăm ngàn tấn vẫn tồn đọng trong bãi chứa đến nay vẫn chưa thể xử lý dứt điểm.

Vì sao Công ty CP Công nghệ môi trường Tây Ninh "thờ ơ" xử lý sự cố về môi trường? (Bài 3) - Ảnh 6
Hệ thống thu gom nước thải của nhà máy xử lý rác này chưa hoàn thiện, xuống cấp là nguyên nhân khiến các sự cố tràn nước thải ra môi trường xảy ra thường xuyên hơn.

Trước những sự cố liên tiếp xảy ra trong thời gian ngắn và không được khắc phục kịp thời, phải chăng Nhà máy xử lý rác của Công ty CP Công nghệ môi trường Tây Ninh đang cố tình vi phạm các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường?

Trao đối với Phóng viên Tạp chí điện tử Kinh tế môi trường, Luật sư Phan Văn Tú – Văn phòng Luật sư Nhật Bình (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho biết, các dự án xử lý rác trước khi xây dựng và đi vào hoạt động đều phải có sự chấp thuận, đánh giá của ngành chức năng các cấp. Những quy trình như chủ trương, thẩm định, xây dựng và đến khi hoạt động đều phải tuân thủ nghiêm ngặt theo các quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, thông qua báo chí, được biết, thời gian gần đây xuất hiện một số dự án, nhà máy xử lý rác thải trong quá trình hoạt động đã có những hoạt động gây ảnh hưởng đến môi trường và người dân. Tùy vào vụ việc cụ thể, phía chủ dự án, chủ đầu tư cần phải chủ động thông báo với cơ quan chức năng có thẩm quyền, tiến hành khắc phục hậu quả, đền bù thiệt hại cho người dân.

Mặt khác, những cơ quan chức năng có thẩm quyền cần phải nhanh chóng vào cuộc kiểm tra, lấy mẫu,… trường hợp phát hiện vi phạm thì phải xử lý nghiêm. Thậm chí, nếu xác định những vi phạm đó là cố tình hoặc gây ảnh hưởng nghiêm trọng, thiệt hại lớn thì cần phải xem xét đình chỉ hoạt động hoặc tùy từng trường hợp và mức độ vi phạm có thể xử lý hình sự theo quy định của pháp luật.

Liên quan đến những hoạt động xử lý rác thải và dấu hiệu gây ô nhiễm môi trường của nhà máy xử lý rác thải của Công ty CP Công nghệ môi trường Tây Ninh, Tạp chí điện tử Kinh tế môi trường sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc trong những bài viết sau.

Thanh Tùng

Bạn đang đọc bài viết Vì sao Công ty CP Công nghệ môi trường Tây Ninh "thờ ơ" xử lý sự cố về môi trường? (Bài 3). Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: toasoanktmt@gmail.com

Cùng chuyên mục

Quảng Nam: Trồng 10.000 cây lim xanh tại rừng phòng hộ Phú Ninh
Ban Quản lý rừng phòng hộ Phú Ninh và ven biển Quảng Nam phối hợp với Trung tâm Bảo tồn đa dạng sinh học Nước Việt Xanh (Green Việt) vừa tổ chức chương trình trồng 10.000 cây lim xanh với thông điệp “Kết nối triệu yêu thương – Rừng xanh hạnh phúc”.

Tin mới