Phạt 1,6 tỷ đồng đối với hai doanh nghiệp xả thải trái phép ở Tây Ninh
Vừa qua, UBND tỉnh Tây Ninh đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền 1,6 tỷ đồng đối với 2 doanh nghiệp có hành vi lắp đặt đường ống xả thải ngầm trái quy định ra sông Vàm Cỏ.
Trước đó, thông qua công tác kiểm tra, ngành chức năng phát hiện Công ty TNHH Đặng Hùng Duy (có địa chỉ tại ô 4/60B, ấp Trường Lưu, thị xã Hòa Thành do bà Phạm Thị Nhan làm đại diện pháp luật và hoạt động ngành nghề chế biến tinh bột sắn) đã thực hành vi lắp đặt máy bơm công suất 1,5 HP và đường ống 90mm tại bể nước thải tập trung (diện tích 15m x 10m x 2m) dẫn ra suối Đoạn Trần không nằm trong giấy phép xả thải, giấy xác nhận hoàn thành công trình xử lý nước thải do cơ quan chức năng cấp.
Đối với Công ty TNHH Tân Thúy (có địa chỉ tại ô 4/87A, ấp Trường Lưu, thị xã Hòa Thành do ông Nguyễn Thanh Tân làm đại diện pháp luật và hoạt động ngành nghề chế biến tinh bột sẵn) cơ quan chức năng cũng phát hiện có hành vi lắp đặt đường ống đường kính 200mm tại vị trí hố ga từ bể thu gom dẫn ra suối Đoạn Trần không nằm trong giấy phép xả thải, giấy xác nhận hoàn thành công trình xử lý nước thải do cơ quan chức năng cấp.
Do đó, ngành chức năng tỉnh Tây Ninh xác định, hai doanh nghiệp này đã có hành vi lắp đặt ống xả thải ngầm ngoài giấy phép xả thải vi phạm các quy định trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.
Căn cứ theo Điểm H, Khoản 2, Điều 11, Nghị định số 45/2022/NĐ-CP ngày 7/7/2022 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, UBND tỉnh Tây Ninh quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền 1,6 tỷ đồng đối với hai doanh nghiệp nêu trên (mỗi doanh nghiệp bị xử phạt 800 triệu đồng).
Đồng thời, UBND tỉnh Tây Ninh cũng áp dụng hình thức phạt bổ sung đối với hai công ty trên là tước quyền sử dụng giấy phép môi trường 3 tháng, kể từ ngày quyết định xử phạt hành chính có hiệu lực thi hành.
Công ty TNHH Đặng Hùng Duy và Công ty TNHH Tân Thúy cũng đã tiến hành tháo dỡ đường ống lắp đặt không đúng theo quy định. Thời điểm kiểm tra cả hai công ty không xả thải ra môi trường.
Tại Kế hoạch thực hiện Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050, UBND tỉnh Tây Ninh đặt mục tiêu giai đoạn 2023-2025 sẽ chủ động phòng ngừa, kiểm soát được các tác động xấu gây ô nhiễm, suy thoái môi trường, các sự cố môi trường; nâng cao nhận thức của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cộng đồng và người dân trong sản xuất, tiêu thụ, thải bỏ chất thải nhựa, túi ni lông khó phân huỷ và sản phẩm nhựa dùng một lần trong sinh hoạt; hạn chế tối đa việc sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần, ưu tiên lựa chọn các sản phẩm tái chế, thân thiện với môi trường.
Tiếp tục nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cơ sở sản xuất, kinh doanh trong thiết lập hệ thống quản lý và thực hiện biện pháp để giảm khai thác tài nguyên, giảm chất thải, nâng cao mức độ tái sử dụng và tái chế chất thải ngay từ giai đoạn xây dựng dự án, thiết kế sản phẩm, hàng hoá đến giai đoạn sản xuất, phân phối; nâng cao năng lực ứng phó và hình thành ý thức thường trực ứng phó với biến đổi khí hậu của các ngành, cấp và cộng đồng dân cư; nâng cao năng lực và khả năng lồng ghép phòng tránh, giảm nhẹ thiên tai, tích hợp các yếu tố về biến đổi khí hậu vào các chiến lược, quy hoạch và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và đẩy mạnh giảm nhẹ phát thải khí nhà kính.
Giai đoạn 2026 - 2030, tỉnh Tây Ninh tiếp tục chủ động phòng ngừa, kiểm soát các tác động xấu gây ô nhiễm, suy thoái môi trường và các sự cố môi trường; nâng cao năng lực quản lý, ưu tiên biện pháp phòng ngừa ô nhiễm và suy thoái môi trường; kịp thời giải quyết và không để phát sinh các vấn đề bức xúc, điểm nóng về môi trường, bảo đảm hài hoà giữa phát triển kinh tế - xã hội với bảo vệ môi trường góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển nhanh, toàn diện, bền vững.
Đến năm 2030, tỉnh Tây Ninh cũng sẽ đầu tư nâng cấp hạ tầng kỹ thuật, góp phần bảo đảm điều kiện vệ sinh môi trường, cảnh quan đô thị và phát triển nông thôn theo hướng hiện đại hoá; tăng cường bảo vệ các di sản thiên nhiên, phục hồi các hệ sinh thái; ngăn chặn xu hướng suy giảm đa dạng sinh học; khoanh nuôi, bảo vệ diện tích rừng hiện có, từng bước nâng cao chất lượng rừng.
Đến năm 2050, tỉnh Tây Ninh có môi trường đạt chất lượng tốt, bảo đảm quyền được sống trong môi trường trong lành và an toàn của nhân dân; đa dạng sinh học được gìn giữ, bảo tồn, bảo đảm cân bằng sinh thái; chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu; kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, các bon thấp được hình thành và phát triển, hướng tới mục tiêu trung hòa các bon vào năm 2050.
Thanh Tùng - Tuyết Mai