Thứ năm, 02/05/2024 16:51 (GMT+7)
Thứ hai, 18/09/2023 09:02 (GMT+7)

Cận cảnh Nhà máy xử lý rác của Công ty môi trường Tây Ninh khiến người dân lo lắng (Bài 2)

Theo dõi KTMT trên

Từ khi đi vào hoạt động, Nhà máy xử lý rác của Công ty CP Công nghệ môi trường Tây Ninh trở thành nỗi ám ảnh của người dân trong khu vực vì thường xuyên xảy ra sự cố về môi trường, làm ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt và thiệt hại cho sản xuất.

Cận cảnh Nhà máy xử lý rác của Công ty môi trường Tây Ninh khiến người dân lo lắng (Bài 2) - Ảnh 1
Nhà máy xử lý rác của Công ty CP Công nghệ môi trường Tây Ninh (tại ấp Tân Lợi, xã Tân Hưng, huyện Tân Châu) được UBND tỉnh Tây Ninh cấp giấy chứng nhận đầu tư vào năm 2010 với mục tiêu xử lý rác thải và công suất hoạt động là 150 tấn/ngày trên diện tích hơn 10 ha. Sau một năm đi vào hoạt động, Công ty này đã lập dự án và được UBND chấp thuận nâng công suất từ 150 tấn/ngày lên 300 tấn/ngày và bổ sung loại hình xử lý rác thải nguy hại có công suất 36,6 tấn/ngày. Đến năm 2019, Công ty tiếp tục mở rộng diện tích dự án nhà máy từ 10ha thành hơn 14ha.
Cận cảnh Nhà máy xử lý rác của Công ty môi trường Tây Ninh khiến người dân lo lắng (Bài 2) - Ảnh 2

Tuy nhiên, kể từ khi bắt đầu tiếp nhận và xử lý rác thải sinh hoạt (năm 2016) cho đến nay, Nhà máy xử lý rác của Công ty CP Công nghệ môi trường Tây Ninh nhiều lần bị người dân phản ánh xả thải và gặp các sự cố về rò rỉ nước thải, sập tường bao,… gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống sinh hoạt và thiệt hại cho việc sản xuất nông nghiệp của bà con.

Cận cảnh Nhà máy xử lý rác của Công ty môi trường Tây Ninh khiến người dân lo lắng (Bài 2) - Ảnh 3
Đỉnh điểm, tháng 11/2022, hàng rào khu vực tập kết rác thải tồn đọng bị đổ sập khiến hàng chục tấn rác thải và nước rỉ rác tràn sang hàng chục ngàn m2 đất sản xuất của người dân. Sự việc làm cho cây trồng của người dân bị chết khô. Người dân cho biết thêm, trong tháng 4 và 8/2023, một hồ chứa nước thải trong nhà máy này cũng bị quá tải, làm cho hàng ngàn m3 nước thải chảy tràn ra môi trường và khiến cho nhiều diện tích hoa màu sắp đến thời kì thu hoạch bị hư hỏng, gây thiệt hại kinh tế nặng nề với người dân. Đây chỉ là 2 trong rất nhiều sự cố đã xảy ra tại nhà máy xử lý rác của Công ty CP Công nghệ môi trường Tây Ninh gây ra trong suốt quá trình vận hành mà người dân chia sẻ.
Cận cảnh Nhà máy xử lý rác của Công ty môi trường Tây Ninh khiến người dân lo lắng (Bài 2) - Ảnh 4

Không chỉ liên tục xảy ra các sự cố môi trường, người dân cho rằng hiện nay công suất xử lý của nhà máy không còn đảm bảo dẫn đến tình trạng rác thải bị tồn đọng dẫn đến quá tải nghiêm trọng. Việc rác thải tồn đọng, không được che chắn kỹ lưỡng làm phát sinh nhiều ruồi nhặng, tiềm ẩn nguy cơ lân lan các bệnh truyền nhiễm, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người dân.

Cận cảnh Nhà máy xử lý rác của Công ty môi trường Tây Ninh khiến người dân lo lắng (Bài 2) - Ảnh 5
Đáng chú ý, một lượng lớn nước rỉ rác, nước thải từ nhà máy tràn ra bên ngoài đã khiến cho chất lượng đất và nguồn nước ngầm ngày càng suy giảm và có dấu hiệu ô nhiễm. Một số thời điểm, người dân còn bỏ hoang nhiều diện tích đất vì cho ràng bị ô nhiễm, không thể canh tác sản xuất. Thậm chí, để đảm bảo sức khỏe, người dân phải mua nước bình để sử dụng, một số ít không đủ điều kiện phải “cắn răng” sử dụng nước giếng khoan và trang bị nhiều thiết bị máy lọc để sử dụng tạm thời.
Cận cảnh Nhà máy xử lý rác của Công ty môi trường Tây Ninh khiến người dân lo lắng (Bài 2) - Ảnh 6
“Khổ thì ở đại, lo thì lo chứ không làm gì được. Tới đâu tính tới đó, do khổ không có chỗ ở mới phải ở đây. Bệnh đau chừng nào lo tới đó chứ giờ mình không lo trước được. Mỗi lẫn gió hắt mé nào là khoảng 1 cây mấy hai cây số là chịu không nổi, bệnh thì lâu ngày nó mới thấm dần, đâu phải thuốc độc đẩy cái chết liền đâu. Tôi cũng thấy có cơ quan chức năng có xuống mà đi vô, đi ra rồi cũng vậy. Bao năm rồi cũng không có làm gì. Người ta thưa tới ngoài tỉnh, ở ngoài vô nói rồi, cũng lấy mẫu đem đi đâu xong có ai biết gì đâu. Ớn dữ lắm rồi!" – một hộ dân bất lực nói.
Cận cảnh Nhà máy xử lý rác của Công ty môi trường Tây Ninh khiến người dân lo lắng (Bài 2) - Ảnh 7
Sử dụng thiết bị chuyên dụng, PV quan sát được phía trong Nhà máy xử lý rác của Công ty CP Công nghệ môi trường Tây Ninh có hàng ngàn tấn rác thải tồn đọng và được chất thành núi cao chừng 15-20 mét. Mặc dù, những núi rác cao ngất được tập kết ngoài ngoài nhưng phần lớn rác không hề được che chắn theo quy định.
Cận cảnh Nhà máy xử lý rác của Công ty môi trường Tây Ninh khiến người dân lo lắng (Bài 2) - Ảnh 8

Do tính chất nhà máy xử lý rác hoạt động 24/24 nên khu vực đốt rác thường xuyên xuất hiện những cột khói đen, cùng mồi hôi nồng nặc thải vào môi trường. Theo chiều gió, mùi hôi của những đợt khói làn tỏa khắp khu vực, một số gia đình ở xã nhà máy hàng 1000 mét nhưng vẫn bị ảnh hưởng bởi mùi hôi.

Cận cảnh Nhà máy xử lý rác của Công ty môi trường Tây Ninh khiến người dân lo lắng (Bài 2) - Ảnh 9

Bên cạnh đó, do hệ thống thu gom, xử lý nước thải chưa đồng bộ và xuống cấp đã khiến khắp nơi trong khu vực nhà máy xử lý rác đều xuất hiện nước thải, nước rỉ rác màu đen, nâu đặc quánh. Vào những thời điểm mưa lớn, các phương tiện vận chuyển và công nhân làm việc ở nhà máy luôn trong tình trạng bì bõm bởi nước thải bủa vây và không có lối thoát.

Cận cảnh Nhà máy xử lý rác của Công ty môi trường Tây Ninh khiến người dân lo lắng (Bài 2) - Ảnh 10
Sau rất nhiều lần xảy ra sự cố, thế nhưng đến nay Nhà máy xử lý rác của Công ty CP Công nghệ môi trường Tây Ninh vẫn không hoàn thành việc khắc phục cũng như đền bù thiệt hại cho người dân theo chỉ đạo của các đơn vị có chức năng. "Việc nước rỉ rác tràn ra đất của các hộ dân cũng nhiều, UBND huyện và Sở Tài nguyên và Môi trường đã kiểm tra, cũng yêu cầu khắc phục nhưng chưa triệt để vì khối lượng rác nhiều, xử lý chưa triệt để bởi công nghệ chủ yếu là đốt cái đó không hiệu quả"- ông Thái Minh Điệp Phó Chủ tịch UBND xã Tân Hưng chia sẻ.

Cần một giải pháp đồng bộ giữa nhà đầu tư và các cấp quản lý

Trên thực tế, không riêng gì Tây Ninh mà ở nhiều địa phương trên cả nước, tình trạng các nhà máy rác ùn ứ hay kém hiệu quả về vấn đề xử lý còn diễn ra nhiều. 

Theo một công bố mới đây, hiện nay, mỗi ngày cả nước phát sinh khoảng 60.000 tấn chất thải sinh hoạt (thường gọi là rác thải), trong đó chất thải đô thị chiếm khoảng 60%. Theo dự báo, đến năm 2025 tỷ lệ phát sinh chất thải rắn sinh hoạt tăng thêm 10 - 16%.

Trong điều kiện hệ thống công trình hạ tầng đô thị chưa đồng bộ; trình độ, năng lực quản lý chưa đáp ứng nhu cầu phát triển của đô thị hóa, áp lực về xử lý rác thải sinh hoạt ngày càng lớn. 

Tại một số địa phương đã xảy ra tình trạng người dân tập trung phản đối, ngăn không cho xe chở rác vào các bãi chôn lấp do ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng.

Việc mở rộng các bãi chôn lấp gặp nhiều khó khăn do không nhận được sự ủng hộ của người dân. Vì vậy, triển khai các biện pháp xử lý chất thải rắn sinh hoạt bằng công nghệ hiện đại, đáp ứng tiêu chuẩn môi trường để thay thế dần biện pháp chôn lấp là hết sức cấp bách và mang tính căn cơ, lâu dài.

Tuy nhiên, đang có một thực tế là tình trạng “loạn công nghệ" xử lý chất thải rắn sinh hoạt, dẫn đến nhiều doanh nghiệp, công ty môi trường có vốn nhà nước đã đầu tư nhiều kinh phí để xây dựng nhà máy nhưng hiệu quả lại rất hạn chế và gây lãng phí nguồn lực.

Cận cảnh Nhà máy xử lý rác của Công ty môi trường Tây Ninh khiến người dân lo lắng (Bài 2) - Ảnh 11
Ảnh minh họa.

Bên cạnh đó, Thông tư 07/2017 của Bộ Xây dựng hướng dẫn phương pháp định giá dịch vụ xử lý chất thải rắn sinh hoạt chưa cụ thể nên các địa phương áp dụng theo cách khác nhau, công nghệ khác nhau giá cũng khác nhau và rất khó tính toán để có hành lang giá cho việc đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư.

Do vậy, các bộ, ngành cần có hướng dẫn về các giải pháp công nghệ xử lý rác thải sinh hoạt để địa phương lựa chọn phù hợp với điều kiện của mình; đồng thời hướng dẫn cụ thể về đơn giá cho từng hình thức xử lý (chôn lấp, đốt rác thông thường không phát điện, đốt rác phát điện…).

Với hình thức đốt rác phát điện hiện đại, có suất đầu tư lớn, xử lý triệt để các vấn đề gây ô nhiễm môi trường, thân thiện với môi trường, các tiêu chí chất thải đạt tiêu chuẩn châu Âu, cần phải có một đơn giá xử lý cụ thể để bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước và nhà đầu tư.

Công nghệ xử lý rác thải sinh hoạt phát điện đang được nhiều tỉnh, thành và nhà đầu tư quan tâm, song quy trình, thủ tục đầu tư rất phức tạp, kéo dài, và còn nhiều chồng chéo trong các quy định pháp luật về đấu thầu, đất đai, xây dựng, đầu tư…

Đặc biệt, quy trình đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư chưa cụ thể, còn nhiều vướng mắc. Chính phủ cần chỉ đạo các bộ, ngành rà soát, tháo gỡ những khó khăn này để thu hút được các nhà đầu tư tham gia, góp phần cùng cơ quan quản lý nhà nước xử lý rác thải, bảo vệ môi trường bền vững, phấn đấu đạt mục tiêu Quốc hội đề ra.

Theo đó, tỷ lệ thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị đảm bảo tiêu chuẩn, quy chuẩn năm 2022 đạt 89%, giai đoạn 2021 - 2025 đạt  90%. 

Thực trên trên của Công ty CP Công nghệ môi trường Tây Ninh đã được xử lý như thế nào? Công ty đã có giải pháp ra sao? Tạp chí điện tử Kinh tế Môi trường sẽ tiếp tục thông tin vụ việc đến bạn đọc trong những bài viết sau!

Thanh Tùng

Bạn đang đọc bài viết Cận cảnh Nhà máy xử lý rác của Công ty môi trường Tây Ninh khiến người dân lo lắng (Bài 2). Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Giá xăng tăng nhẹ trở lại
Tại kỳ điều hành giá xăng, dầu chiều ngày 2/5, liên Bộ Công Thương - Tài chính quyết định tăng thêm 40 đồng/lít đối với xăng RON95-III và tăng 08 đồng/lít với xăng E5RON92.