Vì một Thủ đô không có bếp than tổ ong
“Xóa sổ” bếp than tổ ong là một trong những mục tiêu trọng điểm của Hà Nội trong năm 2020. Thế nhưng, để về đúng đích cần sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa của chính quyền và người dân.
Bếp than tổ ong được coi là một trong những nguyên nhân gây ô nhiễm không khí tại Hà Nội. Tuy nhiên, sử dụng bếp than tổ ong vừa tiện lợi, dễ sử dụng, lại tiết kiệm kinh tế nên từ nhiều năm nay, các hộ gia đình, quán ăn, nhà hàng ở Thủ đô vẫn lựa chọn cách thức này để đun nấu, phục vụ nhu cầu ăn uống, sinh hoạt hằng ngày.
Trước thực tế đó, Hà Nội đã quyết tâm cải thiện chất lượng không khí thông qua lộ trình cụ thể từ xóa bếp than tổ ong.
Tính đến tháng 8/2020, Hà Nội đã cắt giảm thành công trên 75% số lượng bếp than tổ ong. Phấn đấu đến hết năm 2020, TP sẽ hoàn thành mục tiêu chấm dứt việc sử dụng bếp than tổ ong trên địa bàn.
Trong số các quận, huyện trên địa bàn TP.Hà Nội, Hoàn Kiếm là quận duy nhất loại bỏ hoàn toàn việc sử dụng bếp than tổ ong, huyện Sóc Sơn giảm 99%, huyện Ứng Hòa giảm 98% và quận Long Biên giảm 91%. Bốn quận huyện trên đã giảm từ gần 15.000 bếp than tổ ong vào năm 2017 xuống còn 420 bếp vào tháng 6/2020.
Trong khi đó, các quận Đống Đa, Ba Đình, Hai Bà Trưng và Hoàng Mai còn tồn tại lượng bếp than tổ ong lớn nhất (hơn 1500 bếp), chiếm 46% lượng khí thải PM2.5 do bếp than tổ ong của toàn Thành phố. Đây là những thông tin đáng mừng, song thực tế vẫn còn tình trạng tái sử dụng bếp than tổ ong thiếu loại bếp thay thế.
Bên cạnh đó, do thói quen đun nấu của người dân, việc tuyên truyền, vận động ở nhiều quận, huyện chưa đem lại hiệu quả. Vì vậy, nếu không có những giải pháp quyết liệt, sát thực tế, việc cán đích mục tiêu xóa hoàn toàn bếp than tổ ong vào cuối năm nay rất khó đạt được.
Chia sẻ với báo Pháp luật và XH, bà N., kinh doanh quán ăn sáng tại khu vực ngõ chợ Khâm Thiên (Đống Đa) cho biết, từ nhiều năm nay, bà thường xuyên sử dụng bếp than tổ ong để đun nấu, chế biến vì rẻ và khá tiện lợi. Hơn nữa, là hộ kinh doanh nhỏ, sử dụng vỉa hè nên khi dùng bếp than cũng tiện lợi trong việc di chuyển.
“Nếu đổi sang bếp điện thì lại phải kéo nguồn điện, còn bếp gas phải mang vác rất nặng và giá thành thì đắt hơn nhiều”, bà N cho hay. Tuy nhiên, bà cũng thừa nhận khí than bốc lên rất khó thở, bà thường xuyên bị viêm đường hô hấp vì phải hít khói bụi trong thời gian dài.
Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội Nguyễn Trọng Đông cho rằng, để việc xóa bỏ bếp than tổ ong theo đúng yêu cầu của thành phố tại Chỉ thị số 15 (chấm dứt vào ngày 31/12/2020), cần có sự quyết tâm, vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị các cấp.
Đặc biệt, cần có sự chung tay, đồng hành của các tổ chức trong nước, các viện nghiên cứu nhằm huy động nguồn lực về tài chính và kỹ thuật; xây dựng thể chế, chính sách cũng như ứng dụng các giải pháp khoa học, kỹ thuật tiên tiến thay thế bếp than tổ ong. Cùng với đó, thành phố cần có cơ chế hỗ trợ chuyển đổi ngành nghề cho các cơ sở sản xuất than và bếp than tổ ong; cơ chế ưu đãi cho doanh nghiệp kinh doanh, sản xuất, phân phối bếp thân thiện môi trường; có chính sách hỗ trợ người nghèo chuyển đổi sang sử dụng bếp thân thiện môi trường.
Trong khi đó, mới đây, PGS- TS Nguyễn Duy Thịnh (Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm (Đại học Bách khoa Hà Nội) cho biết: Hiện nay, những gia đình còn sử dụng bếp than tổ ong chủ yếu đến từ những gia đình có thu nhập thấp. Vậy, để có thể xóa bỏ hoàn toàn bếp than tổ ong ra khỏi Thủ đô cần phải có các quy hoạch cụ thể những khu vực nào, những gia đình nào còn sử dụng bếp than tổ ong. Sau đó, vận động các hộ dân không sử dụng nữa đồng thời phải có các chính sách hỗ trợ người dân như giảm giá tiền điện, sử dụng bếp từ...
Còn theo PGS.TS Bùi Thị An – Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học & Kỹ thuật Hà Nội, để việc xóa bếp than tổ ong tại Hà Nội đem lại hiệu quả thực chất, cần phải có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, nếu không sẽ có thể dẫn đến những hệ lụy.
“Vì vậy, bên cạnh việc tuyên truyền phải nghiên cứu giải pháp tối ưu nhất, thích hợp nhất. Vừa có sự vận động, hỗ trợ cho người dân. Nhưng với trường hợp cố tình vi phạm phải xử lý nghiêm, công khai để tạo tính răn đe. Đặc biệt, lưu tâm đến những gia đình có hoàn cảnh khó khăn, nâng cao vai trò của các cấp quản lý cơ sở từ xã, phường, tổ dân phố… nắm bắt được từng hộ gia đình, từng hoàn cảnh” - PGS.TS Bùi Thị An chia sẻ với tờ Kinh tế và Đô thị.
Nhật Hạ