Từ năm 2021, người dùng bếp than tổ ong ở Hà Nội sẽ bị xử phạt
Theo thống kê của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, thực hiện Chỉ thị 15 về loại bỏ bếp than tổ ong trên địa bàn Thành phố, đến nay Hà Nội đã giảm chỉ còn hơn 15.000 bếp.
Hà Nội hướng đến mục tiêu xoá bỏ hoàn toàn bếp than tổ ong cuối năm 2020. (Ảnh minh họa) |
Hà Nội còn hơn 15.000 bếp than tổ ong
Bà Lê Thanh Thuỷ - Trưởng phòng Quản lý dự án và Truyền thông, Chi cục Bảo vệ Môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội) cho biết, tính đến tháng 6/2020, Hà Nội giảm 72,8% số lượng bếp than tổ ong so với năm 2017, và hiện vẫn còn 15.418 bếp than tổ ong.
Cụ thể, vào tháng 1 năm 2017 Hà Nội có 56.670 bếp than tổ ong, đến nay còn 15.418 bếp. Theo đánh giá của Sở TN&MT Hà Nội, việc giảm bếp than tổ ong giúp giảm tiếp xúc với các chất ô nhiễm không khí từ nấu ăn cho 160.000 gia đình ở Hà Nội. Thành phố đang hướng tới mục tiêu xóa bỏ hoàn toàn bếp than tổ ong vào cuối năm 2020.
Bếp than tổ ong - Nguyên nhân của ô nhiễm không khí |
Trong số các quận, huyện trên địa bàn thành phố Hà Nội, Hoàn Kiếm là quận duy nhất loại bỏ hoàn toàn việc sử dụng bếp than tổ ong, huyện Sóc Sơn giảm 99%, huyện Ứng Hòa giảm 98% và quận Long Biên giảm 91%. Bốn quận huyện trên đã giảm từ gần 15.000 bếp than tổ ong vào năm 2017 xuống còn 420 bếp vào tháng 6/2020.
Trong khi đó, các quận Đống Đa, Ba Đình, Hai Bà Trưng và Hoàng Mai còn tồn tại lượng bếp than tổ ong lớn nhất (hơn 1500 bếp), chiếm 46% lượng khí thải PM2.5 do bếp than tổ ong của toàn thành phố.
Việc giảm bếp than tổ ong giúp chỉ số bụi mịn PM 2.5 giảm từ hơn 2.300 tấn năm 2017 xuống còn khoảng 1.600 tấn năm 2020, lượng khí thải CO2 từ việc sử dụng bếp than tổ ong giảm hơn 382.000 tấn/năm.
Bếp than tổ ong là một trong những nguyên nhân gây ra ô nhiễm không khí và tác động không nhỏ đến sức khỏe và môi trường của người dân Thủ đô. |
Loại bỏ hoàn toàn bếp than tổ ong vào cuối năm 2020
Về lộ trình cắt giảm, tiến tới loại bỏ hoàn toàn bếp than tổ ong ở Hà Nội, Chi cục Bảo vệ Môi trường cho biết, từ nay cho đến ngày 31/12, Thành phố sẽ yêu cầu người dân chuyển sang sử dụng các loại bếp khác an toàn, thân thiện với môi trường và sức khỏe cộng đồng.
Giảm ô nhiễm không khí: Đâu là giải pháp cấp bách? |
Chỉ thị số 15/CT-UBND về việc thay thế và loại bỏ toàn bộ việc sử dụng than tổ ong làm nhiên liệu trong sinh hoạt, kinh doanh dịch vụ nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường trên địa bàn thành phố được UBND TP.Hà Nội ban hành cuối năm 2019 nêu rõ, từ ngày 30/10/2019 đến ngày 31/12/2019, các đơn vị tổ chức thông báo đến mọi tầng lớp dân cư, các tổ dân phố, thôn, xóm, bản làng về chủ trương của thành phố loại bỏ toàn bộ việc sử dụng than tổ ong, làm nhiên liệu trong sinh hoạt, kinh doanh dịch vụ trên địa bàn.
Thành phố cũng thực hiện các biện pháp hỗ trợ để thực hiện chuyển đổi từ sử dụng than và bếp than tổ ong trong sinh hoạt, kinh doanh dịch vụ sang các loại bếp khác an toàn, thân thiện với môi trường và sức khỏe cộng đồng; tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả các giải pháp quản lý và kiểm soát, chấm dứt hoàn toàn việc sử dụng bếp than tổ ong trên địa bàn thành phố.
Từ ngày 1/1/2021, Sở Tài nguyên và Môi trường, Công an thành phố, UBND các quận, huyện, thị xã áp dụng Nghị định 155/2016/NĐ-CP ngày 18/11/2016 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường trong việc xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi gây ô nhiễm môi trường có sử dụng than tổ ong làm nhiên liệu.
Theo số liệu khảo sát của Chi cục Bảo vệ Môi trường Hà Nội (Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội), cuối năm 2017, loại than tổ ong người dân sử dụng chủ yếu là loại than cấp thấp, giá rẻ, được trộn với bùn và có hàm lượng lưu huỳnh nhất định để bắt cháy nhanh hơn. Khi đốt loại than này sẽ phát thải ra môi trường một lượng lớn khí SO2. Tính toán của các chuyên gia cho thấy, nếu mỗi ngày Hà Nội dùng 528 tấn than, tương đương 1.872 tấn khí CO2 phát thải ra môi trường, sẽ tác động không nhỏ tới sức khỏe người dân. Đề cập đến tác hại của việc đốt than tổ ong, các chuyên gia y tế đã nhiều lần khuyến cáo, than tổ ong gây ra không ít trường hợp cấp cứu, tử vong thương tâm do để bếp trong nhà kín gây ngạt khí CO, SO2... Đáng chú ý, tiếp xúc thường xuyên với khí thải từ than tổ ong còn gây ra các bệnh hô hấp mãn tĩnh như lao, hen suyễn, bệnh phối tắc nghẽn mạn tính hoặc những tổn thương về cơ tim và hệ thần kinh. Nghiên cứu năm 2018 của Viện Khoa học và Công nghệ Môi trường trực thuộc trường Đại học Bách khoa Hà Nội (INEST) và Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cũng chỉ rõ lượng bụi mịn PM2.5 mà người trực tiếp sử dụng bếp than tổ ong đun nấu cao hơn 7-8 lần so với người đứng cách xa vài mét, dẫn đến nguy cơ phơi nhiễm cao hơn. |
Mai Anh