Thứ năm, 25/04/2024 21:30 (GMT+7)
Thứ bảy, 17/04/2021 07:17 (GMT+7)

Ứng dụng công nghệ viễn thám và GIS trong quản lý, bảo vệ và sử dụng hợp lý hành lang bờ biển

Theo dõi KTMT trên

Lần đầu tiên tại Việt Nam, các nhà khoa học của Cục Viễn thám quốc gia đã nghiên cứu, ứng dụng công nghệ viễn thám và GIS trong quản lý, bảo vệ và sử dụng hợp lý hành lang bờ biển.

Đây là nghiên cứu khoa học quan trọng góp phần cung cấp cơ sở khoa học, thực tiễn của việc ứng dụng công nghệ viễn thám và GIS trong thiết lập, quản lý, bảo vệ và sử dụng hợp lý hành lang bờ biển. Đồng thời, đề xuất mô hình giám sát hành lang bảo vệ bờ biển bằng công nghệ viễn thám và GIS.

Theo quy định, để thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển, một khối lượng khổng lồ thông tin, dữ liệu liên quan đến vùng bờ cần được thu thập, xây dựng như: hải văn biển, điều kiện tự nhiên vùng bờ, kinh tế - xã hội, hệ sinh thái vùng bờ, quy hoạch phát triển kinh tế… Tuy nhiên, thông tin, dữ liệu liên quan đến vùng bờ tại các địa phương còn hạn chế như thiếu đồng bộ, không được cập nhật thường xuyên và không đầy đủ. Điều này gây khó khăn cho việc thiết lập hành lang bảo vệ đường bờ.

Với thuộc tính kỹ thuật chụp ảnh liên tục trên quỹ đạo, công nghệ viễn thám cho phép theo dõi các thay đổi hiện trạng hành lang bảo vệ bờ biển theo thời gian và cung cấp thông tin cho người quản lý giúp hỗ trợ việc ra quyết định kịp thời trong quản lý, bảo vệ và sử dụng hành lang bảo vệ bờ biển một cách hiệu quả.

Ứng dụng công nghệ viễn thám và GIS trong quản lý, bảo vệ và sử dụng hợp lý hành lang bờ biển - Ảnh 1
Ảnh viễn thám Sentinel-2 khu vực dự trữ sinh quyển tại huyện Nghĩa Hưng (Nam Định) sử dụng tổ hợp màu giả hồng ngoại.

Xuất phát từ vai trò và tầm quan trọng của ứng dụng công nghệ viễn thám, nhóm nghiên cứu của Cục Viễn thám quốc gia đã triển khai thực hiện đề tài: “Ứng dụng công nghệ viễn thám và GIS trong quản lý, bảo vệ và sử dụng hợp lý hành lang bờ biển Bắc Bộ, thí điểm tại tỉnh Nam Định”.

Thông qua nghiên cứu này đã góp phần xây dựng cơ sở khoa học, thực tiễn cũng như đánh giá khả năng ứng dụng công nghệ viễn thám phục vụ công tác phải thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển; cung cấp cơ sở khoa học, thực tiễn việc ứng dụng công nghệ viễn thám và GIS thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển; đề xuất mô hình giám sát hành lang bảo vệ bờ biển sử dụng công nghệ viễn thám đa đầu thu, đa độ phân giải; đồng thời, đánh giá được khả năng ứng dụng công nghệ viễn thám và GIS trong quản lý, bảo vệ và sử dụng hợp lý hành lang bờ biển.

Theo nhóm nghiên cứu, thiết lập hành lang vùng bờ là hoạt động với các mục đích tốt đẹp nhằm bảo vệ hệ sinh thái, cảnh quan tự nhiên của bờ biển; bảo vệ người dân, cơ sở hạ tầng khỏi các tác động xấu của thiên tai và đảm bảo quyền tiếp cận của người dân đối với biển.

Ứng dụng công nghệ viễn thám và GIS trong quản lý, bảo vệ và sử dụng hợp lý hành lang bờ biển - Ảnh 2
Bản đồ hành lang bảo vệ bờ biển khu vực ven biển Bắc Bộ.

Thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển không có nghĩa là cấm, hạn chế tối đa các hoạt động kinh tế diễn ra trên không gian hành lang bảo vệ bờ biển. Trái lại, căn cứ trên đặc điểm tự nhiên, kinh tế - xã hội đặc thù của từng đoạn bờ biển mà áp dụng các giải pháp thích hợp nhằm thỏa mãn các mục tiêu của thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển cũng như khai thác một cách bền vững hành lang bảo vệ bờ biển cho mục đích phát triển kinh tế, cải thiện điều kiện sống của người dân ven biển ngày một thịnh vượng.

TS Trần Tuấn Ngọc, Phó Cục trưởng Cục Viễn thám quốc gia, Chủ nhiệm đề tài cho biết, bằng việc sử dụng công nghệ viễn thám với chụp ảnh liên tục trên vệ tinh, cung cấp chuỗi các hình ảnh trực quan, khách quan, bao quát, chi tiết về bề mặt Trái đất trong thời gian dài đã cho thấy bức tranh tổng quát về diễn biến biến động bờ sông, bờ biển trên khu vực các tỉnh ven biển từ quá khứ cho tới hiện tại. Với độ phủ trùm của ảnh viễn thám lớn nên các thông tin về biến động bờ sông, bờ biển thu chụp được là đồng nhất. Thông tin khai thác được từ ảnh viễn thám còn là các đối tượng liên quan như thông tin về kè, đê, đập, lớp phủ mặt đất.

Mặt khác, qua phân tích các thông tin về biến động đường bờ sông, bờ biển trong quá khứ và hiện tại cũng như các thông tin liên quan khác như việc xây các hồ chứa lớn trên các sông chính…, các cơ quan quản lý sẽ đánh giá được xu thế của biến động trong tương lai để kịp thời đưa ra các giải pháp chống xói lở đường bờ.

Đối với nguyên nhân nội sinh, bằng việc cung cấp hình ảnh trên diện rộng nên viễn thám có thể trợ giúp trong phân tích cấp hình ảnh về cấu trúc địa chất.

Với nguyên nhân ngoại sinh, viễn thám có thể cung cấp hầu hết các thông tin về trường sóng như hướng sóng, độ cao sóng, hướng dòng chảy, tốc độ dòng chảy, hàm lượng chất lơ lửng trong bề mặt nước biển.

Đánh giá cao kết quả của Đề tài, TS Nguyễn Quốc Khánh, Cục trưởng Cục Viễn thám quốc gia khẳng định, công nghệ viễn thám và GIS là công cụ hữu hiệu trong quản lý và sử dụng hành lang bảo vệ bờ biển. Với thuộc tính kỹ thuật chụp ảnh liên tục trên quỹ đạo, công nghệ viễn thám cho phép theo dõi các thay đổi hiện trạng hành lang bảo vệ bờ biển theo thời gian và cung cấp thông tin cho người quản lý góp phần đưa ra quyết định kịp thời quản lý, bảo vệ và sử dụng hành lang bảo vệ bờ biển một cách hiệu quả. Vì vậy, Cục Viễn thám quốc gia kiến nghị cần tăng cường đẩy mạnh ứng dụng công nghệ viễn thám và GIS trong công tác thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển nói riêng và vùng bờ nói chung.

Thủy Nguyễn

Bạn đang đọc bài viết Ứng dụng công nghệ viễn thám và GIS trong quản lý, bảo vệ và sử dụng hợp lý hành lang bờ biển. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Hiến giọt máu đào, trao đời sự sống
Đây là chủ đề của chương trình hiến máu tình nguyện, được Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam phối hợp với Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương tổ chức ngày 24/4.