Thứ bảy, 23/11/2024 08:21 (GMT+7)
Thứ bảy, 07/11/2020 10:33 (GMT+7)

Từ tháng 11 Hà Nội sẽ có nhiều ngày ô nhiễm nặng

Theo dõi KTMT trên

Bắt đầu từ sáng sớm ngày 6/11, không khí nhiều nơi ở Hà Nội và một số tỉnh lân cận như: Hải Dương, Vĩnh Phúc, Bắc Giang, Hòa Bình... bị ô nhiễm nặng, xuất hiện nhiều điểm ở mức rất có hại cho sức khỏe.

Cụ thể, theo các chỉ số đo tại một số trang thông tin điện tử và nền tảng ứng dụng PAM Air, Air Visual cho thấy nhiều điểm quan trắc Bắc Bộ có màu tím - mức rất có hại cho sức khỏe.

Theo AirVisual, ghi nhận lúc 8h cùng ngày (6/11), chỉ số ô nhiễm không khí ở Hà Nội xếp vị trí thứ 3 thế giới, bụi mịn bao phủ nhiều khu vực. 

PAMAir ghi nhận chỉ số AQI ở hầu khắp Hà Nội và các tỉnh, thành phố Thái Nguyên, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Dương, Hưng Yên, Hà Nam, Ninh Bình, Hải Phòng có mức đỏ, tím, thậm chí có 8 điểm quan trắc ở mức nâu (có chỉ số AQI ở mức 301-390), gồm điểm Ngọc Thụy (Hà Nội), Đồng Phúc, Châu Khê (Bắc Ninh), Tam Nông, Giã Cầu (Hưng Yên), An Bài và Trường Tiểu học Thụy An (Thái Bình), Xuân Ninh và Thư viện huyện Hải Hậu (Nam Định).

Từ tháng 11 Hà Nội sẽ có nhiều ngày ô nhiễm nặng - Ảnh 1
Chất lượng không khí Hà Nội trong ngày 6/11 hầu hết ở ngưỡng tím - nguy hại cho sức khỏe. (Nguồn: PAM Air)

Theo Tổng cục Môi trường, miền Bắc đang trong mùa Đông, thời kỳ ghi nhận nồng độ các chất ô nhiễm trong không khí, trong đó có bụi mịn PM2.5 thường cao nhất trong năm. Đêm và sáng sương mù dày khiến các chất ô nhiễm không khuyếch tán lên cao, lở lửng ở tầng thấp.

Trao đổi với Infonet về tình trạng trên, TS. Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới Không khí sạch Việt Nam, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ TN&MT) cho biết, chỉ số chất lượng không khí ở nước ta phụ thuộc nhiều vào thời tiết, chứ thời tiết không phải nguyên nhân. Mùa này không thuận lợi cho việc khuếch tán không khí, trong khi đó các nguồn ô nhiễm vẫn chưa có biện pháp ngăn hạn như nguồn giao thông, sản xuất, xây dựng... Vì thế, có những ngày không khí hơi nặng không khuếch tán lên trên, gió lại lặng nên không khí không bay đi được, cứ “lưu cữu” trong vùng đó.

Cũng theo ông Tùng, từ tháng 11/2020 đến tháng 3-4/2021, sẽ có nhiều ngày không khí ô nhiễm nặng kiểu này, tức là chỉ số chất lượng không khí AQI sẽ có màu đỏ, thậm chí là màu tím. Mùa hè sẽ đỡ hơn vì có nắng to và gió để không khí khuếch tán.

“Vài năm nay, cũng đã có một số giải pháp để giảm nguồn ô nhiễm như kiểm soát sản xuất, giao thông, xây dựng... Thế nhưng dù có chính sách nhưng thực tế chưa triển khai được nhiều. Nhất là ở những đô thị như Hà Nội các phương tiện ô tô, xe máy rất nhiều; trong khi đó xe máy chưa kiểm soát khí thải”, ông Tùng cho biết thêm.

Ông Tùng hy vọng tới đây khi có một số tuyến đường sắt trên cao ở Hà Nội vận hành sẽ giảm tải được phương tiện cá nhân. Thành phố cũng cần tăng cường các tuyến xe buýt chạy bằng nguyên liệu sạch, hiện nay vẫn còn nhiều xe buýt ở Hà Nội chạy bằng dầu diesel khói mù mịt...

Thêm nữa, Hà Nội cần làm sạch đường phố, kiểm tra các công trình xây dựng bởi nhiều công trình xây dựng gây bụi mù trên đường nhưng không có ai quản lý. Đặc biệt là hiện vẫn còn nhiều nơi đốt rác gây khói và mùi.

Đặc điểm của ô nhiễm không khí là không biên giới, do đó cần kết hợp với các địa phương khác để kiểm tra, kiểm soát được các nguồn gây ô nhiễm.

Từ tháng 11 Hà Nội sẽ có nhiều ngày ô nhiễm nặng - Ảnh 2
Cứ vào mùa Đông chất lượng không khí Thủ đô Hà Nội lại xấu đi rõ rệt. (Ảnh minh họa: Internet)

Những năm trở lại đây, vấn đề ô nhiễm không khí ở Thủ đô trở thành mối quan tâm đặc biệt của dư luận khi Hà Nội được nêu tên trong các bảng xếp hạng về những thành phố/thủ đô ô nhiễm nhất thế giới.

Từ những năm 2000, những nhà nghiên cứu tiên phong như GS.TS Phạm Duy Hiển (nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt), GS.TS Nguyễn Thị Kim Oanh (Viện công nghệ Á Châu, Thái Lan) và TS David D Cohen (Tổ chức Công nghệ và Khoa học Hạt nhân Úc) đã đặt nền móng nghiên cứu bước đầu về các chất ô nhiễm trong không khí của Hà Nội.

Theo đó, giai đoạn 2002-2005, nồng độ bụi PM2.5 của Hà Nội cao hơn so với nhiều nước ở châu Á như Thái Lan, Philippines, Indonesia, Sri Lanka; trong khi nồng độ bụi PM10 khi đó đã có xu hướng cao hơn cả Ấn Độ, Hàn Quốc và Trung Quốc.

Một nghiên cứu lấy mẫu trong năm 2007 tại 96 địa điểm ở Hà Nội chỉ ra rằng, nồng độ các chất ô nhiễm dạng khí SO2 và Benzen ở dưới ngưỡng quy chuẩn của Việt Nam (QCVN), riêng NO2 có dấu hiệu tiệm cận hoặc vượt ở nội thành.

Đến giai đoạn 2010 – 2020, vấn đề ô nhiễm không khí ở Hà Nội đã thu hút được thêm nhiều nghiên cứu của các chuyên gia khác. Kết quả chung chỉ ra rằng, chất lượng không khí của Hà Nội “không có dấu hiệu được cải thiện”. Nguyên nhân một phần do tốc độ tăng dân số, đô thị hóa và phát triển kinh tế mạnh mẽ của Thủ đô.

Trên thực tế, phần lớn nồng độ trung bình năm của các chất ô nhiễm dạng bụi (PM2.5, PM10) đều cao hơn QCVN 05. Các khí SO2 và CO nhìn chung ở ngưỡng an toàn. Khí Ozone (O3) đảm bảo trong ngưỡng nồng độ trung bình năm, song mức trung bình giờ lại có dấu hiệu vượt giới hạn. Khí NO2 ở khu vực nội thành thường tiệm cận hoặc vượt ngưỡng trung bình năm.

Bên cạnh các loại bụi mịn quen thuộc, đối tượng nhỏ hơn là bụi nano (1-100 nm), hay còn gọi là bụi siêu mịn PM 0.1 cũng đã được xem xét. Kết quả, loại bụi này ở mức cao hơn nhiều so với các thành phố khác như Thượng Hải, Los Angeles, California hoặc Đài Loan. Tín hiệu khả quan là ô nhiễm không khí ở Hà Nội, mặc dù vượt chuẩn và tăng cao trong giai đoạn 1998 – 2011, nhưng có xu hướng giảm dần vào những năm gần đây.

Các nhà khoa học cũng tìm ra quy luật: Mùa hè (tháng 5-9) ở Hà Nội thường có mức độ ô nhiễm dạng hạt thấp hơn nhiều so với mùa đông (tháng 10-2). Hiện tượng nghịch nhiệt, nhất là vào mùa đông, khiến mức độ ô nhiễm ban đêm có thể cao hơn khoảng 2 lần so với ban ngày.

Theo báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) với 1,7 triệu ca, tức là chiếm đến 1/4 tổng số trường hợp trẻ em dưới 5 tuổi tử vong là do môi trường ô nhiễm như nước và không khí nhiễm bẩn, khói thuốc lá, thiếu vệ sinh gây ra.

Minh Tuệ

Bạn đang đọc bài viết Từ tháng 11 Hà Nội sẽ có nhiều ngày ô nhiễm nặng. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Hải Dương: Xảy ra 2 vụ cháy rừng tại thị xã Kinh Môn chiều 1/11
Khoảng 15h chiều ngày 1/11, người dân phát hiện cháy rừng ở xã Quang Thành, thị xã Kinh Môn (Hải Dương). Khoảng nửa giờ sau đó, tại địa bàn xã Bạch Đằng (cùng thị xã Kinh Môn) cũng phát hiện cháy rừng. Đây là vụ cháy rừng thứ 3 và thứ 4 tại thị xã này.

Tin mới