Thứ sáu, 19/04/2024 04:25 (GMT+7)
Thứ năm, 22/10/2020 06:40 (GMT+7)

Ô nhiễm không khí là nguyên nhân gây tử vong cao thứ 4 thế giới

Theo dõi KTMT trên

Việc tiếp xúc lâu dài với ô nhiễm không khí trong nhà và ngoài trời đã khiến 6,7 triệu ca tử vong hàng năm, đây cũng đã trở thành nguyên nhân gây tử vong cao thứ 4 trên thế giới.

Theo Báo cáo Tình trạng không khí toàn cầu năm 2020 do Viện Ảnh hưởng sức khoẻ (HEI) và Viện Đo lường và đánh giá sức khoẻ (IHME) tại Đại học Washington và Đại học British Columbia cho biết, việc tiếp xúc lâu dài với ô nhiễm không khí trong nhà và ngoài trời đã gây ra 6,7 triệu ca tử vong hàng năm do đột quỵ, đau tim, tiểu đường, ung thư phổi, bệnh phổi mãn tính và bệnh sơ sinh, trên toàn thế giới vào năm 2019. Ô nhiễm không khí cũng đã trở thành nguyên nhân gây tử vong cao thứ 4 trên thế giới, sau tăng huyết áp, sử dụng thuốc lá và chế độ ăn uống không lành mạnh.

Ô nhiễm không khí là nguyên nhân gây tử vong cao thứ 4 thế giới - Ảnh 1
Ô nhiễm không khí tại Bắc Kinh, Trung Quốc.

Mặc dù chưa có nghiên cứu nào về mối liên hệ giữa ô nhiễm không khí và COVID-19, nhưng đã có bằng chứng rõ ràng về việc ô nhiễm không khí và sự gia tăng bệnh tim và phổi. Nhiều chuyên gia lo ngại việc phơi nhiễm ô nhiễm không khí ở mức cao, đặc biệt là ở các nước phía Nam và Đông Á, có thể làm trầm trọng thêm ảnh hưởng của COVID-19.

Để cải thiện chất lượng không khí, một số quốc gia đã thi hành các chính sách lâu dài phần nào giúp cải thiện chất lượng không khí, tuy nhiên báo cáo lại cho thấy có rất ít thậm chí là không có dấu hiệu cải thiện ổn định ở các quốc gia ô nhiễm nhất tại Nam Á và châu Phi. Phân tích cũng cho thấy, số ca tử vong ở Trung Quốc và Ấn Độ chiếm hơn một nửa tổng số ca tử vong do ô nhiễm không khí trên toàn cầu, tức khoảng 2,3 triệu ca trong năm 2019. Đặc biệt, ô nhiễm không khí các quốc gia ở Nam Á bao gồm Nepal, Pakistan, Bangladesh và Ấn Độ đang ở mức rất cao.

Bên cạnh đó, báo cáo cũng nêu rõ thách thức về không khí ô nhiễm trong nhà do đốt nhiên liệu rắn. Số liệu năm 2019 cho thấy, 49% dân số thế giới – tương đương 3,8 tỉ người hít thở không khí ô nhiễm trong nhà do nấu nướng, tập trung phần lớn ở 17 quốc gia. 

Nhiều quốc gia đã đưa ra bằng chứng khoa học về việc tiếp xúc với không khí ô nhiễm trong thai kỳ ảnh hưởng đến đến việc sinh con nhẹ cân và sinh non. Phân tích mới được công bố tại Báo cáo Tình trạng Không khí năm nay ước tính rằng 20% ​​số ca tử vong ở trẻ sơ sinh là do ô nhiễm không khí môi trường xung quanh và trong nhà, chủ yếu gây ra do tác động của ô nhiễm với trẻ sơ sinh nhẹ cân và sinh non.

Tiến sĩ Susan Niermeyer, một chuyên gia về trẻ sơ sinh tại Đại học Colorado, người không tham gia vào nghiên cứu, cho biết: “Tôi nghĩ rằng điều quan trọng là dự án Gánh nặng bệnh tật toàn cầu phải giải quyết được vấn đề ô nhiễm không khí và trẻ sơ sinh nhẹ cân/sinh non. Vấn đề này đã không được các chuyên gia y tế và các nhà hoạch định chính sách thực sự chú trọng”.

Để phòng ngừa các bệnh lý cũng như tác hại do ô nhiễm không khí gây ra nhất là ô nhiễm môi trường trong nhà, các chuyên gia y tế khuyến cáo, người dân cần đẩy khí bẩn ra ngoài bằng cách lắp đặt đường ống thông gió chuyên dụng và thường xuyên mở cửa thúc đẩy trao đổi không khí. Lắp đặt quạt thông gió, quạt hút mùi ở những khu vực hay tạo mùi trong nhà như bếp, vệ sinh để môi trường sống trong nhà được thông thoáng hơn. Trồng thêm các loại cây xanh trong nhà để giảm lượng khí CO2.

Người dân cần phải nắm được thông tin về mức an toàn trong không khí để có kế hoạch phòng vệ cho bản thân. 

Trong những ngày ô nhiễm không khí nguy hại, người dân đặc biệt trẻ em và phụ nữ có thai, người lớn tuổi, hạn chế ra đường hay tham gia các hoạt động ngoài trời.

Minh Phương

Bạn đang đọc bài viết Ô nhiễm không khí là nguyên nhân gây tử vong cao thứ 4 thế giới. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Hà Nội sắp đón mưa lớn
Theo Dự báo của Trung tâm khí tượng thuỷ văn quốc gia, đêm nay (17/4) Hà Nội sẽ đón mưa rào rải rác và có nơi có dông.

Tin mới