Thứ năm, 28/03/2024 22:54 (GMT+7)
Thứ sáu, 31/12/2021 18:00 (GMT+7)

Từ ngày 1/1/2022, Luật Bảo vệ môi trường 2020 có những điểm gì mới?

Theo dõi KTMT trên

Từ ngày 1/1/2022, Luật BVMT năm 2020 bắt đầu có hiệu lực. Luật được thông qua tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV với nhiều nội dung mang tính đột phá.

Từ ngày 1/1/2022, Luật BVMT năm 2020 gồm 16 chương, 171 điều có hiệu lực. Theo đó, Luật được thông qua tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, lần đầu tiên xác định cộng đồng dân cư là một chủ thể trong công tác bảo vệ môi trường. Mục tiêu xuyên suốt, trọng tâm của Luật là bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khỏe người dân và thay đổi phương thức quản lý, cắt giảm thủ tục hành chính...

Đặc biệt, Luật BVMT năm 2020 bổ sung nhiều giải pháp bảo vệ các thành phần môi trường, nhất là môi trường không khí, môi trường nước; thúc đẩy phân loại rác thải tại nguồn; định hướng cách thức quản lý, ứng xử với chất thải, góp phần thúc đẩy kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam.

Luật BVMT 2020 có nhiều nội dung mang tính đột phá, với nhiều điểm mới so với luật cũ.

Từ 1/1/2022, xả nhiều rác phải trả nhiều tiền

Đây là điểm mới trong Luật Bảo vệ môi trường 2020, sẽ có hiệu lực từ 1/1/2022. Luật này quy định chặt chẽ hơn về nghĩa vụ phân loại rác thải sinh hoạt của mỗi gia đình, cá nhân.

Cụ thể, hộ gia đình, cá nhân không phân loại rác sẽ bị từ chối thu gom, vận chuyển, thậm chí còn bị thông báo cho cơ quan có thẩm quyền để kiểm tra và xử lý theo quy định. Hiện nay, theo Nghị định 155 năm 2016, không phân loại rác có thể sẽ bị phạt từ 15 đến 20 triệu đồng.

Từ ngày 1/1/2022, Luật Bảo vệ môi trường 2020 có những điểm gì mới? - Ảnh 1
Từ 1/1/2022, hộ gia đình, cá nhân không phân loại rác sẽ bị từ chối thu gom, vận chuyển. (Ảnh: petrotimes.vn)

Ngoài ra, Luật mới cũng quy định giá của dịch vụ thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt sẽ được tính dựa trên khối lượng hoặc thể tích chất thải đã được phân loại. Kể từ ngày 1/1/2022, gia đình, cá nhân nào xả nhiều rác thì phải trả nhiều tiền.

Trước khi có luật mới này, phí thu gom rác thải được tính theo cơ chế cào bằng, người xả nhiều hay xả ít cùng đều đóng phí như nhau. Điều này được cho là không công bằng và không tạo động lực để người dân hạn chế xả rác, góp phần bảo vệ môi trường.

Ban hành Tiêu chí môi trường để phân loại dự án đầu tư, đánh giá sơ bộ tác động môi trường

Luật đã ban hành một mục riêng (Mục 2, chương IV), bao gồm Điều 28 và Điều 29 quy định tiêu chí về môi trường để phân loại dự án đầu tư, theo đó dự án đầu tư được phân thành 04 nhóm (nhóm I, II, III và IV) để thực hiện các thủ tục pháp lý về bảo vệ môi trường theo quy định. Ngoài ra, Luật cũng quy định nhóm đối tượng dự án phải thực hiện đánh giá sơ bộ tác động môi trường, là dự án đầu tư thuộc nhóm I quy định tại Khoản 3 Điều 28 của Luật này, cụ thể như sau:

Dự án đầu tư nhóm I là dự án có nguy cơ tác động xấu đến môi trường mức độ cao, bao gồm:

a) Dự án thuộc loại hình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường với quy mô, công suất lớn; dự án thực hiện dịch vụ xử lý chất thải nguy hại; dự án có nhập khẩu phế liệu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất;

b) Dự án thuộc loại hình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường với quy mô, công suất trung bình nhưng có yếu tố nhạy cảm về môi trường; dự án không thuộc loại hình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường với quy mô, công suất lớn nhưng có yếu tố nhạy cảm về môi trường;

c) Dự án sử dụng đất, đất có mặt nước, khu vực biển với quy mô lớn hoặc với quy mô trung bình nhưng có yếu tố nhạy cảm về môi trường;

d) Dự án khai thác khoáng sản, tài nguyên nước với quy mô, công suất lớn hoặc với quy mô, công suất trung bình nhưng có yếu tố nhạy cảm về môi trường;

đ) Dự án có yêu cầu chuyển mục đích sử dụng đất quy mô trung bình trở lên nhưng có yếu tố nhạy cảm về môi trường;

e) Dự án có yêu cầu di dân, tái định cư với quy mô lớn.

Điểm mới trong Giấy phép Môi trường

Luật BVMT năm 2020 ban hành một mục riêng (Mục 4, chương IV) để quy định về Giấy phép môi trường (từ Điều 39 đến Điều 49). Theo đó, có 03 nhóm (nhóm I, II và III) quy định thuộc đối tượng phải có Giấy phép môi trường; ngoài ra, quy định các vấn đề về: nội dung giấy phép môi trường; thẩm quyền cấp giấy phép; căn cứ và thời điểm cấp giấy phép; hồ sơ, trình tự, thủ tục cấp giấy phép; cấp đổi, điều chỉnh, cấp lại, tước quyền sử dụng, thu hồi giấy phép môi trường; quyền, nghĩa vụ của chủ dự án được cấp giấy phép môi trường; trách nhiệm của các cơ quan cấp giấy phép môi trường…

Đặc biệt, Luật cũng quy định kể từ ngày Giấy phép môi trường có hiệu lực, quyết định phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường, giấy phép môi trường thành phần hết hiệu lực tại khoản 6, Điều 42 của Luật.

Quản lý chất thải rắn sinh hoạt thông qua hoạt động phân loại rác thải

Luật BVMT năm 2020 đẩy mạnh phân loại rác thải tại nguồn nhằm khắc phục tình trạng chôn lấp rác thải ở Việt Nam hiện nay còn cao, chủ yếu do rác thải chưa được phân loại dẫn đến khó khăn trong xử lý.

Luật BVMT 2020 đã quy định việc thu phí rác thải dựa trên khối lượng hoặc thể tích thay cho việc tính bình quân theo hộ gia đình hoặc đầu người. Cơ chế thu phí này sẽ góp phần thúc đẩy người dân phân loại, giảm thiểu rác thải phát sinh tại nguồn do nếu không thực hiện việc này thì chi phí xử lý rác thải phải nộp sẽ cao, thông qua quy định rác thải sinh hoạt phải được phân làm 3 loại: chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế; chất thải thực phẩm; chất thải rắn sinh hoạt khác.

Từ ngày 1/1/2022, Luật Bảo vệ môi trường 2020 có những điểm gì mới? - Ảnh 2
Luật BVMT năm 2020 đẩy mạnh phân loại rác thải tại nguồn nhằm khắc phục tình trạng chôn lấp rác thải ở Việt Nam. (Ảnh: moitruong24h)

Theo đó, giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt từ hộ gia đình, cá nhân được tính toán theo căn cứ sau đây:

- Phù hợp với quy định của pháp luật về giá;

- Dựa trên khối lượng hoặc thể tích chất thải đã được phân loại;

- Chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế, chất thải nguy hại phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân đã được phân loại riêng thì không phải chi trả giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý.

Bổ sung các quy định về thích ứng với biến đổi khí hậu

Luật BVMT 2020 đã bổ sung các quy định về thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH). Mục đích nhằm tạo sự thống nhất trong quản lý nhà nước về BĐKH được quy định trong các luật như: Luật Khí tượng thủy văn, Luật Phòng chống thiên tai, Luật Đê điều.

Luật BVMT 2020 cũng làm rõ nội dung về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính phù hợp với quy định của quốc tế cũng như để thực hiện đóng góp của Việt Nam trong Thỏa thuận Paris về BĐKH. Đồng thời làm rõ trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương trong công tác quản lý, trách nhiệm của các cơ sở sản xuất, kinh doanh trong kiểm kê và thực hiện các hoạt động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính.

Vấn đề trên cũng là tiền đề để quy định về định giá carbon và phát triển thị trường trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính tại Việt Nam. Chế định về tổ chức và phát triển thị trường carbon lần đầu tiên được quy định trong Luật BVMT 2020. Theo đó, Luật BVMT 2020 quy định rõ đối tượng được phân bổ hạn ngạch phát thải khí nhà kính và có quyền trao đổi, mua bán trên thị trường carbon trong nước; căn cứ xác định hạn ngạch phát thải khí nhà kính; trách nhiệm của các cơ quan quản lý, tổ chức liên quan trong việc phân bổ hạn ngạch phát thải khí nhà kính…

Bổ sung quy định về thẩm quyền quản lý nhà nước

Lần đầu tiên Luật BVMT năm 2020 có chế định về thẩm quyền quản lý nhà nước dựa trên nguyên tắc quản lý tổng hợp, thống nhất, một việc chỉ giao cho một cơ quan chủ trì thực hiện; phân cấp triệt để cho địa phương.

Theo đó, Luật BVMT năm 2020 đã bãi bỏ thủ tục cấp giấy phép xả nước thải vào nguồn nước, xả nước thải vào công trình thủy lợi mà lồng ghép nội dung này trong GPMT nhằm thống nhất trách nhiệm, thẩm quyền và nguyên tắc quản lý tổng hợp tài nguyên nước; đồng thời giảm thủ tục hành chính mạnh mẽ cho doanh nghiệp.

Luật đã phân cấp mạnh mẽ cho địa phương thông qua chế định giao UBND cấp tỉnh chủ trì, phối hợp với các bộ có liên quan thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường (báo cáo ĐTM) đối với các dự án thuộc thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư của các Bộ quản lý công trình xây dựng chuyên ngành (quy định hiện hành phân cấp các Bộ, ngành đều có thể thẩm định báo cáo ĐTM) đồng thời quy định các bộ có liên quan có trách nhiệm phối hợp với UBND cấp tỉnh trong quá trình thực hiện nhằm bảo đảm hiệu quả. Quy định này sẽ bảo đảm quản lý thống nhất tại địa phương, thuận lợi cho công tác kiểm tra, giám sát, cấp phép sau này và phù hợp với xu hướng phân cấp cho địa phương như hệ thống pháp luật hiện hành.

Lan Anh (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Từ ngày 1/1/2022, Luật Bảo vệ môi trường 2020 có những điểm gì mới?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Còn ai dám... ‘úp mặt’ vào sông quê!
Xin mượn lời bài hát “khúc hát sông quê” của nhạc sỹ Nguyễn Trọng Tạo để mở đầu cho bài viết này: “Con cá dưới sông, cây trồng trên bãi… Bầy trẻ thơ tắm mát phía thượng nguồn, một dòng xanh trong chảy mãi tới vô cùng”…

Tin mới

ĐHĐCĐ 2024 Tập đoàn GELEX diễn ra thành công
Sáng 28/3/2024, Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2024 của Công ty cổ phần Tập đoàn GELEX đã diễn ra tại Hà Nội. Với sự đồng thuận và nhất trí cao, Đại hội đã thông qua toàn bộ các báo cáo, tờ trình và nhiều nội dung quan trọng khác.