Trung Quốc đưa ra kế hoạch đạt đỉnh phát thải carbon trước năm 2030
Trung Quốc sẽ hành động để giảm chất thải, thúc đẩy năng lượng tái tạo, nhiên liệu và cải cách mạng lưới điện như một phần trong kế hoạch đưa lượng khí thải carbon lên mức cao nhất trước năm 2030, nội các Trung Quốc cho biết hôm 26/10.
Theo Reuters, kế hoạch hành động mới lặp lại các mục tiêu của Trung Quốc là đưa công suất gió và năng lượng mặt trời lên 1.200 GW vào cuối thập kỉ này, xây dựng thêm các nhà máy thủy điện và hạt nhân cũng như phát triển hơn nữa các nguồn khí đốt tự nhiên.
Tài liệu được xuất bản chỉ năm ngày trước khi các cuộc đàm phán được tiến hành tại Glasgow nhằm tăng cường cuộc chiến chống biến đổi khí hậu trên toàn cầu. Trung Quốc sẽ công bố cập nhật "những đóng góp do quốc gia xác định" trước khi cuộc họp bắt đầu.
Các nhà quan sát khí hậu đang theo dõi kỹ các dấu hiệu cho thấy Trung Quốc - nguồn khí nhà kính làm nóng lên khí hậu lớn nhất thế giới, có thể đưa ra những cam kết đầy tham vọng hơn trước các cuộc đàm phán ở Glasgow.
Khi đất nước phải vật lộn với tình trạng thiếu điện và tăng cường sản xuất than để đảm bảo nguồn cung cho mùa đông, Hội đồng Nhà nước cho biết, Trung Quốc sẽ đẩy nhanh nỗ lực xây dựng một hệ thống điện mới và linh hoạt hơn cho phép các nguồn năng lượng mới được tăng cường đều đặn.
Cũng như các trang trại năng lượng mặt trời và gió mới, các đập thủy điện mới cũng sẽ được xây dựng trên thượng nguồn sông Dương Tử, sông Mekong và sông Hoàng Hà. Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng sẽ sử dụng nhiều hơn công nghệ hạt nhân thế hệ mới, bao gồm các lò phản ứng ngoài khơi quy mô nhỏ.
Trung Quốc cũng sẽ hành động để đảm bảo rằng các ngành công nghiệp sử dụng nhiều năng lượng như thép, kim loại màu và vật liệu xây dựng cải thiện hiệu quả năng lượng và tỉ lệ tái chế, đồng thời tận dụng tối đa các công nghệ mới để đưa lượng khí thải của chính họ lên mức đỉnh điểm.
Cũng theo Reuters, tuần trước, nhà lập kế hoạch nhà nước của Trung Quốc cho biết ít nhất 30% công suất sản xuất trong các lĩnh vực sử dụng nhiều năng lượng này sẽ đáp ứng các tiêu chuẩn chặt chẽ hơn về hiệu quả năng lượng vào năm 2025.
Ngoài ra, công suất lọc dầu sơ cấp ở Trung Quốc sẽ được giới hạn ở mức 1 tỉ tấn mỗi năm vào năm 2025, tài liệu nêu rõ, trong khi các công ty xăng dầu và hóa chất sẽ được khuyến khích điều chỉnh cơ cấu nguyên liệu bằng cách thay thế than bằng điện và khí đốt tự nhiên.
Trong khi đó, Trung Quốc có kế hoạch quản lý "hợp lý" việc tiêu thụ dầu và khí đốt bằng cách "điều chỉnh dần việc sử dụng xăng" và chủ trương sử dụng nhiên liệu sinh học và nhiên liệu máy bay bền vững để thay thế các sản phẩm nhiên liệu thông thường.
Một số nhà phân tích và lọc dầu Trung Quốc cho rằng tiêu thụ dầu diesel ở nước này đã đạt đỉnh và dự kiến nhu cầu xăng sẽ đạt đỉnh vào năm 2025-2028.
Trung Quốc hiện đang đầu tư 131 tỉ USD vào cơ sở hạ tầng khí đốt mới, tổ chức nghiên cứu Global Energy Monitor cho biết hôm 26/10, nói thêm rằng việc phụ thuộc vào khí đốt sẽ giúp giảm bớt sự gia tăng nhiệt độ.
Nguyễn Luận