Trông chờ giải pháp nguồn vốn cho thị trường bất động sản 2023
Những khó khăn, thách thức đối với thị trường bất động sản trong năm 2022 có thể kéo dài sang năm 2023, cho đến khi các vướng mắc về hành lang pháp lý, “điểm nghẽn” vốn và nguồn cung các dự án được khơi thông.
Bất động sản nhiều khó khăn, nhưng không ít thuận lợi
Trước khó khăn thị trường, nhiều doanh nghiệp bất động sản đang tìm nhiều cách để giải quyết bài toán nguồn vốn. Những giải pháp mà giới chuyên gia kiến nghị nhằm tháo gỡ điểm nghẽn của thị trường địa ốc như: Bơm thêm room tín dụng hoặc hoãn nợ, cho phép trái phiếu đến hạn năm nay và năm sau hoãn lại việc trả nợ…
Vốn đang được cho là điểm nghẽn khiến thị trường bất động sản rơi vào thế khó chồng khó.
Một trong nguồn vốn quan trọng đối với thị trường địa ốc là dòng tiền từ phía ngân hàng. Nhưng nhiều tháng trôi qua, các doanh nghiệp địa ốc cho biết, họ rất khó để tiếp cận với nguồn vốn vay.
Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, doanh nghiệp bất động sản gõ cửa nhà băng nhưng room tín dụng không còn. Mặt khác, lãi suất cho vay tăng lên. Theo TS. Hiếu, lãi suất huy động tăng có nguyên nhân từ Ngân hàng dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã 6 lần tăng lãi suất trong năm nay và 4 lần tăng lãi suất gần đây nhất tại Mỹ với cường độ rất lớn tới 0,75% cho mỗi lần tăng. Điều này tạo nên sức ép lên tiền đồng Việt Nam.
Bởi nếu Việt Nam không tăng lãi suất tiền đồng theo nhịp độ của FED hoặc với tỷ lệ thấp thì giá trị tiền đồng sẽ giảm, đẩy tỷ giá lên và khi đó tạo ra sự bất ổn trên thị trường ngoại hối, đồng thời cũng tăng nguy cơ lạm phát. Khi tỷ giá tăng, nhập khẩu nhiều khiến số tiền chúng ta phải bỏ ra cho hàng nhập khẩu tăng lên.
Các yếu tố này khiến Ngân hàng Nhà nước bắt buộc phải tăng lãi suất. Trong 2 tháng qua, Ngân hàng Nhà nước đã tăng lãi suất 2 lần. Đó là tăng lãi suất điều hành và sau đó là tăng trần lãi suất huy động đến 6 tháng. Hai lần tăng lãi suất này đã đẩy lãi suất cho vay lên, hạn chế khả năng vay nợ của người dân và doanh nghiệp.
Trong khi đó, giá cổ phiếu giảm mạnh trong thời gian vừa qua khiến doanh nghiệp gặp khó. Tiếp đến, thị trường trái phiếu cũng gần như mất thanh khoản tiếp tục đẩy doanh nghiệp vào thế khó. “Thị trường trái phiếu, cổ phiếu, vốn từ ngân hàng,… đang dần đóng lại với thị trường bất động sản”. Thế nên theo TS. Hiếu, cần có giải pháp về vốn cho thị trường bất động sản.
Trong văn bản mới đây, Hiệp hội bất động sản TP.HCM (HoREA) cũng nhận định, thị trường bất động sản, các doanh nghiệp, người mua nhà và nhà đầu tư bất động sản đang rất khó khăn, khó tiếp cận nguồn vốn tín dụng.
Các giải pháp về vốn cho thị trường bất động sản
Vấn đề tháo gỡ vướng mắc về vốn để "bơm máu" cho thị trường bất động sản là giải pháp cần thiết hiện tại, tránh vết xe đổ lặp lại giai đoạn khủng hoảng hơn 10 năm trước.
Để thị trường vượt qua giai đoạn khó khăn, HoREA đã đề nghị Ngân hàng Nhà nước trình Chính phủ xem xét nới trần (room) tín dụng thêm 1% (nâng tăng trưởng tín dụng cả năm 2022 lên 15%) để có thêm nguồn vốn tín dụng khoảng hơn 100.000 tỷ đồng để hỗ trợ cho nền kinh tế và sản xuất kinh doanh trong giai đoạn cao điểm tháng 12/2022 đến trước Tết Quý Mão 2023.
Giải pháp có tác động lan tỏa nhanh nhất, hiệu quả nhất chính là giải pháp tăng nguồn cung tín dụng cho nền kinh tế, cho sản xuất kinh doanh, trong đó có doanh nghiệp bất động sản, người mua nhà từ nay đến Tết Quý Mão. Bởi hầu như mọi hoạt động đầu tư kinh doanh trên thị trường bất động sản chỉ còn tập trung trong tháng 12/2022 đến ngày 6/1/2023 với tổng cộng 36 ngày tới đây, HoREA cho hay.
TS. Nguyễn Trí Hiếu nói về vấn đề liên quan đến nguồn vốn từ phía hệ thống nhà băng cho rằng, Ngân hàng Nhà nước có thể tháo gỡ thị trường bằng cách tăng trần tín dụng (credit ceiling) từ 14% lên 16%. Dưới trần lãi suất đó sẽ phân bổ nhiều hơn room tín dụng, không gian tăng trưởng tín dụng cho mỗi ngân hàng để mỗi ngân hàng có không gian cho vay nhiều hơn. Việc các ngân hàng được cho vay nhiều hơn sẽ giúp thúc đẩy thị trường bất động sản.
Đồng thời vị chuyên gia này đề xuất một giải pháp khác đó là Chính phủ nên đưa ra chương trình hoãn nợ. Theo đó, nhà phát hành trái phiếu năm trước, đến hạn năm nay và năm sau được phép hoãn nợ. Tuy nhiên, theo TS. Hiếu, chỉ những nhà phát hành đúng quy định, sử dụng vốn huy động trái phiếu đúng mục đích.
Trường hợp, việc vỡ nợ trái phiếu diễn ra hàng loạt với yêu cầu bồi thường từ các trái chủ có thể gây bất lợi cho nền kinh tế, TS. Hiếu chia sẻ.
TS. Hiếu nhấn mạnh, thị trường trái phiếu từng tăng trưởng nóng, xảy ra bong bóng nên giải pháp lâu dài là sự cải tổ toàn diện, sắp xếp lại trật tự của thị trường này.
Chuyên gia kinh tế, Tiến sĩ Ngô Trí Long đánh giá, bất cứ giai đoạn nào để một doanh nghiệp vững mạnh cần phải đảm bảo nguồn vốn cơ bản và huy động vốn một cách hiệu quả. Không phải doanh nghiệp nào sinh ra cũng có một nguồn vốn lớn, không cần huy động từ các kênh khác. Doanh nghiệp bất động sản không ngừng lớn, tham gia vào nhiều dự án, vai trò của dòng vốn rất quan trọng. Sự sống của doanh nghiệp bất động sản phụ thuộc vào nguồn vốn. “Nếu nguồn vốn mới được tràn vào, thị trường sẽ không đóng băng và dần tự giải quyết được các tồn tại của nó. Nếu nguồn vốn ngừng chảy, thị trường bất động sản sẽ tê liệt, dù vốn đọng trong hàng hoá bất động sản rất lớn”.
Huyền Diệu