Nới room tín dụng, có dễ vay mua bất động sản?
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) nới room cho 15 ngân hàng, nhưng mức nới không nhiều. Vì vậy, các ngân hàng chỉ ưu tiên giải ngân vốn vào lĩnh vực thiết yếu, thay vì bất động sản.
Các chuyên gia đều đánh giá việc nới room tín dụng sẽ có ý nghĩa tích cực tới thị trường bất động sản, đặc biệt là các dự án nhà ở, sắp bàn giao đến khách hàng.
Nửa đầu năm nay, dòng vốn cho thị trường bất động sản bị thu hẹp từ nhiều phía như kiểm soát chặt nguồn vốn tín dụng, vốn huy động từ trái phiếu doanh nghiệp… Việc mới đây một số ngân hàng thương mại được nới room cho vay, với mức dao động từ 0,7% đến khoảng 4% sẽ có những tác động ra sao tới thị trường bất động sản? Câu hỏi này đã được nhiều nhà đầu tư quan tâm trong Chương trình Landshow - Lăng kính Nhà đất trên các nền tảng số của VTVMoney.
Các khách mời của Landshow chia sẻ, với đặc thù 70% người mua nhà đất đều vay vốn ngân hàng, việc mở room tín dụng để các ngân hàng bơm vốn cho nền kinh tế là tín hiệu tối với bất động sản. Tuy nhiên việc nới room trong hạn mức và được phân bổ ra nhiều lĩnh vực khác nhau nên chưa thể giúp thị trường sôi động như giai đoạn trước đây.
Ông Nguyễn Quốc Khánh, Phó Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, đánh giá: "Thị trường thực chất hơn và ngân hàng sẽ giải ngân cho các dự án mang lại giá trị cho nhu cầu sử dụng thực tế, nhờ đó tạo sự khởi động và lưu thông cho thị trường. Tuy nhiên để có nguồn tiền dồi dào cho thị trường sôi động như những thời gian trước, tôi e là cũng chưa thể được".
Mặc dù mở room tín dụng, nhưng việc cho vay ra không dễ dàng như trước. Đặc biệt, các chuyên gia đánh giá, với vay mua bất động sản sẽ có sự sàng lọc kỹ.
Ông Hoàng Đình Tuyển, Tổng giám đốc Sàn giao dịch ABC Land cho biết: "Ngày trước, một số chủ đầu tư bảo lãnh, thì hồ sơ của khách hàng giản lược. Tuy nhiên bây giờ các ngân hàng làm rất chặt để chứng minh nguồn tài chính, việc chi trả hàng tháng nên bạn xác định vay thương mại và phải là thu nhập tốt, nguồn tiền vào tốt vì nguồn tiền của ngân hàng đang có những hạn chế, khó khăn với khách hàng và chủ đầu tư cũng vậy".
Chị Lan Phương, nhà đầu tư chia sẻ: "Nguồn tiền hạn chế nên chúng ta phải chắc. Giờ có vay ngân hàng cũng phải có kế hoạch rất tốt, rất chắc. Ví dụ như phải đảm bảo địa điểm đó mình mua sẽ có người thuê, thì lúc đấy mình mới dám đi mượn tiền ngân hàng để mình đầu tư".
Cũng theo các khách mời của Landshow, mặc dù mở room, nhưng lãi suất hiện cũng đã tăng. Nếu trừ đi khoảng thời gian ưu đãi ban đầu trong thời gian ngắn, lãi suất vay bất động sản từ 11-12%, cộng với phí bảo hiểm khoảng 1%, nên các nhà đầu tư phải cân nhắc kỹ khả năng trả nợ và tính thanh khoản của sản phẩm nhà đất.
Tính đến cuối tháng 6/2022, tín dụng đối với bất động sản kinh doanh tăng 8,19%, chiếm 33% dư nợ tín dụng lĩnh vực này; tín dụng bất động sản phục vụ mục đích tự sử dụng tăng 17,2%, chiếm 67% dư nợ tín dụng lĩnh vực này. Nợ xấu lĩnh vực bất động sản khoảng 36.400 tỷ đồng, tăng 5% so với cuối năm 2021, tỷ lệ nợ xấu là 1,54% (năm 2021 là 1,67%).
Huyền Diệu