Trình Chính phủ Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) trước ngày 10/1/2022
Thời hạn trình Chính phủ của Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) do Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì soạn thảo là trước ngày 10/1/2022.
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh vừa ban hành Quyết định số 1427/QĐ-TTg về việc phân công cơ quan chủ trì soạn thảo, thời hạn trình Luật Đất đai và một số Luật khác được điều chỉnh trong Chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh năm 2021 và Chương trình năm 2022.
Theo đó, Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) do Bộ TN&MT chủ trì soạn thảo, thời hạn trình Chính phủ trước ngày 10/1/2022; Luật Thanh tra (sửa đổi) do Thanh tra Chính phủ chủ trì soạn thảo, thời hạn trình trước ngày 10/12/2021; Dự án Luật Dầu khí (sửa đổi) do Bộ Công Thương chủ trì soạn thảo, thời hạn trình trước ngày 10/1/2022; Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch soạn thảo, trình trước 10/2/2022…
Thực hiện Quyết định trên, Chính phủ giao Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ có trách nhiệm soạn thảo phải trực tiếp chỉ đạo việc xây dựng các dự án Luật được điều chỉnh trên, bảo đảm tiến độ, chất lượng, khả thi, coi việc hoàn thành Chương trình là một trong những căn cứ để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ.
Trong đó, tập trung vào một số nhiệm vụ cụ thể như: Khẩn trương thành lập Ban soạn thảo; Chuẩn bị hồ sơ đầy đủ, đúng nội dung, hình thức, bảo đảm chất lượng, tiến độ khi gửi Bộ Tư pháp thẩm định, trình Chính phủ hoặc trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, gửi đến các cơ quan của Quốc hội; Chủ động phối hợp chặt chẽ ngay từ đầu với Bộ Tư pháp và các cơ quan liên quan trong quá trình soạn thảo, chỉnh lý dự án luật.
Đặc biệt, định kỳ hàng tháng, cơ quan chủ trì soạn thảo cập nhật thông tin điện tử về tình hình, tiến độ soạn thảo và hàng quý gửi báo cáo thông tin về tình hình nghiên cứu, soạn thảo các dự án…
Đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Kiên Giang khẳng định Luật Đất đai là một Luật có tác động rất lớn đến quyền sử dụng tài sản, đất đai của nhân dân và khó khăn là phức tạp trong quản lý nhà nước khi có nhiều quy định của luật chưa được rõ ràng. Đặc biệt, đây là vấn đề “nóng bỏng” khi có đến gần 70% khiếu nại của nhân dân liên quan đến đất đai.
“Tôi cho rằng nguyên nhân khiếu kiện một phần là do pháp luật. Cử tri đã phản ánh rất nhiều nhưng đến nay dự án luật này vẫn chưa được sửa đổi do tình trạng xin lùi, xin rút. Tôi kiến nghị Quốc hội, Chính phủ khóa tới cần quan tâm có những biện pháp cụ thể, hiệu quả để thực hiện các giải pháp mà được nêu trong báo cáo, để khắc phục được hạn chế này, nhất là đối với Luật Đất đai, tôi hy vọng rằng sẽ không có tên trong danh sách xin lùi thời gian trình sửa luật,” đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé nói.
Xuân Hòa (t/h)