Thứ bảy, 20/04/2024 15:43 (GMT+7)
Thứ sáu, 20/08/2021 11:01 (GMT+7)

Luật Đất đai (sửa đổi): Tạo chuyển biến căn bản để quản lý và khai thác bền vững

Theo dõi KTMT trên

Luật Đất đai có vị trí trung tâm trong hệ thống pháp luật về đất đai, một trong những hệ thống văn bản pháp luật có tầm quan trọng đặc biệt tác động phạm vi rất lớn, tính phức tạp và độ khó rất cao, chuyên sâu.

Chiều 19/8, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ vừa có buổi làm việc với Bộ TN&MT về tiến độ, các bước chuẩn bị sửa đổi Luật Đất đai 2013.

Theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, sau 35 năm đổi mới, đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn, việc quản lý, sử dụng các nguồn lực, trong đó công tác quản lý, sử dụng đất đai ngày càng hiệu quả, đóng góp tích cực vào công cuộc xây dựng phát triển đất nước. Chính vì vậy, đất đai là “nguồn tài nguyên đặc biệt quan trọng của quốc gia”.

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh: “Đảng và Nhà nước luôn quan tâm đến công tác quản lý, khai thác và sử dụng có hiệu quả nguồn lực đất đai gắn với bảo vệ môi trường, phát triển bền vững”.

Trước đó, tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV đã ban hành Nghị quyết 17 về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021, theo đó, dự án Luật Đất đai (sửa đổi) được Quốc hội cho ý kiến lần 1 tại kỳ họp thứ ba (tháng 5/2022), cho ý kiến lần 2 tại kỳ họp thứ tư (tháng 10-2022).

Luật Đất đai (sửa đổi): Tạo chuyển biến căn bản để quản lý và khai thác bền vững - Ảnh 1
Đất đai là “nguồn tài nguyên đặc biệt quan trọng của quốc gia”. (Ảnh minh họa: CafeLand) 

Theo Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Trần Hồng Hà, song song với quá trình tổng kết Nghị quyết số 19-NQ/TƯ của Trung ương, Chính phủ đã chủ động thành lập Ban Chỉ đạo để tổng kết thi hành Luật Đất đai và xây dựng Luật Đất đai (sửa đổi). Tới nay, cơ bản các bộ, ngành và địa phương đều tổ chức tổng kết thi hành Luật Đất đai và gửi báo cáo để cập nhật và hoàn thiện. 

Bộ TN&MT tiếp tục xây dựng Phiếu xin ý kiến gửi các Ban Cán sự Đảng và 63 địa phương để hoàn thiện tổng kết thi hành Luật và có cơ sở hoàn thiện định hướng chính sách của Luật; tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo khoa học, làm việc với các bộ, ngành, cơ quan Trung ương, một số địa phương, với các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý và các tổ chức quốc tế (World Bank, ADB…) về các nội dung dự thảo báo cáo tổng kết, báo cáo đề xuất đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai; học tập kinh nghiệm quốc tế về quản lý đất đai ở các nước phát triển cũng như các nước có điều kiện tương đồng với Việt Nam.

Kết luận tại cuộc làm việc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh Luật Đất đai có vị trí trung tâm trong hệ thống pháp luật về đất đai, một trong những hệ thống văn bản pháp luật có tầm quan trọng đặc biệt tác động phạm vi rất lớn, tính phức tạp và độ khó rất cao, chuyên sâu.

Do vậy, để tiến hành sửa đổi Luật Đất đai 2013, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu phải cụ thể hóa kịp thời những vấn đề được nêu trong văn kiện Đại hội 13 của Đảng, ý kiến sắp tới của Trung ương sau khi tổng kết Nghị quyết 19 và tổ chức lấy ý kiến của nhân dân, các ngành, các cấp một cách thận trọng, kỹ lưỡng trong quá trình soạn thảo để hoàn thiện hồ sơ trình Quốc hội đảm bảo tiến độ và chất lượng.

Trong quá trình tổng kết thi hành Luật Đất đai năm 2013, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Bộ TN&MT, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các Bộ, ngành chức năng tham mưu cho Chính phủ rà soát để kịp thời sửa đổi, bổ sung những vấn đề bất cập, có liên quan đến chồng chéo trong pháp luật về đất đai và xác định cả những vướng mắc, tồn tại, hạn chế trong tổ chức, thực thi để có phương án xử lý phù hợp.

Đặc biệt, phải có giải pháp hiệu quả để đẩy mạnh vận hành các quan hệ đất đai theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Nâng cao chỉ số tiếp cận đất đai chuyển sang nền hành chính phục vụ hiện đại, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm về thúc đẩy các giao dịch về quyền sử dụng đất, Đồng thời giải quyết hiệu quả tình trạng lãng phí, thất thoát, khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực về đất đai, đảm bảo ngày càng tốt hơn quyền lợi của người sử dụng đất.

Bên cạnh đó, trong quá trình soạn thảo Bộ TN&MT phải khắc phục tình trạng "luật ống", "luật khung" và khắc phục tình trạng chưa đủ rõ đã "chốt cứng" dẫn tới tuổi thọ của luật ngắn.

"Đây là cơ hội rất lớn để sửa đổi Luật Đất đai, nên phải tạo ra những chuyển biến căn bản, căn cơ cho việc quản lý, sử dụng, khai thác tài nguyên đặc biệt quan trọng này", Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

9 định hướng sửa đổi Luật đất đai 2013

Trên cơ sở Nghị quyết 19 của Trung ương, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà đã nêu rõ 9 định hướng trong sửa đổi Luật Đất đai 2013.

Cụ thể: về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; về giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; về thu hồi, bồi thường, giải phóng mặt bằng; giá đất; tài chính đất đai; quy định cụ thể vai trò, trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước trong quản lý, sử dụng đất đai; xây dựng hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu đất đai, đo đạc, lập hồ sơ địa chính, cấp giấy chứng nhận; quyền của người sử dụng đất và chế độ sử dụng đất.

Lan Anh (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Luật Đất đai (sửa đổi): Tạo chuyển biến căn bản để quản lý và khai thác bền vững. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Giá nhà tăng liên tiếp 19 quý, mua nhà rẻ chỉ có trên tivi
Thời gian qua, thị trường bất động sản đang bị đẩy giá lên cao ở hầu hết các phần khúc. Nếu tình trạng này vẫn diễn ra thì nhu cầu mua nhà ở thực của người dân sẽ không được đáp ứng mà chỉ là cơ hội cho hiện tượng đầu cơ.

Tin mới