Thứ năm, 21/11/2024 19:29 (GMT+7)
Thứ năm, 05/10/2023 15:07 (GMT+7)

Triển vọng khởi nghiệp công nghệ số tại Việt Nam

Theo dõi KTMT trên

Với dân số lớn và trẻ, lượng người dùng điện thoại thông minh lớn, cộng thêm kinh tế xã đang có những phát triển vượt bậc, nhiều chính sách ưu đãi, Việt Nam là một thị trường rất tiềm năng đối với các starup công nghệ số.

Tiềm năng tăng trưởng của startup công nghệ Việt Nam

Sức hút mạnh mẽ từ startup công nghệ Việt Nam là không thể chối bỏ khi dòng vốn đầu tư chảy vào lĩnh vực này vẫn không ngừng tăng trưởng một cách đáng kinh ngạc. Theo báo cáo “Đổi mới sáng tạo và đầu tư công nghệ Việt Nam”, năm 2021 đã đánh dấu một cột mốc kỷ lục mới của lĩnh vực công nghệ tại Việt Nam trên cả hai phương diện tổng số vốn đầu tư và số thương vụ được rót vốn với hàng loạt thương vụ gây tiếng vang như Sky Mavis gọi vốn thành công 152 triệu USD, VNLife gọi vốn thành công 250 triệu USD, Tiki gọi vốn thành công 258 triệu USD và MoMo gọi vốn thành công 300 triệu USD.

Triển vọng khởi nghiệp công nghệ số tại Việt Nam - Ảnh 1
Bên trong một văn phòng startup về blockchain ở quận 1, TP.HCM. Ảnh: Vnexpress

Năm 2021, số thương vụ đầu tư vào các startup Việt Nam đạt 165 thương vụ với tổng giá trị vốn đầu tư là 1,44 tỷ USD, tăng lần lượt 57,1% và 219,7% so với năm 2020. Điều này đã đưa Việt Nam vươn lên vị trí thứ ba, xếp sau Indonesia và Singapore về các quốc gia thu hút nhiều vốn đầu tư mạo hiểm nhất Đông Nam Á.

Báo cáo của nền tảng theo dõi dữ liệu Tracxn công bố ngày 18/7 cho biết, tổng vốn đầu tư vào các công ty khởi nghiệp (startup) công nghệ tại Việt Nam trong nửa đầu năm 2023 đã giảm 82% so với cùng kỳ năm trước, từ 372 triệu USD xuống còn 66 triệu USD.

Nếu so với thời điểm cuối năm 2022, tổng vốn đầu tư cho các startup công nghệ Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2023 cũng giảm 41%, từ 113 triệu USD xuống còn 66 triệu USD.

Với những kết quả trên cho thấy, giới chuyên gia cho rằng, các công ty khởi nghiệp công nghệ tại Việt Nam đang trải qua giai đoạn "mùa đông gọi vốn".

Bất chấp xu hướng giảm, Tracxn nhận định, hệ sinh thái khởi nghiệp công nghệ tại Việt Nam có tiềm năng tăng trưởng đáng kể nhờ các biện pháp hỗ trợ của Chính phủ.

Thời gian qua, Chính phủ đã thành lập Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC), hợp tác với các tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới như Google, Amazon, Meta để cung cấp các khoá đào tạo và hỗ trợ cho các doanh nhân trẻ.

Cùng với đó là cam kết của Chính phủ trong việc thiết lập một nền kinh tế không dùng tiền mặt sẽ góp phần vào sự phát triển của hệ sinh thái Fintech tại Việt Nam.

Về mặt vị trí địa lý, Tracxn cho biết phần lớn nguồn vốn huy động thành công trong 6 tháng đầu năm đến từ các startup công nghệ có trụ sở tại Hà Nội và TP.HCM, cho thấy sự nổi bật của hai thành phố này trong việc thu hút vốn đầu tư khởi nghiệp.

"Mặc dù đang phải đối mặt với mùa đông gọi vốn, hệ sinh thái khởi nghiệp công nghệ ở Việt Nam vẫn sẵn sàng cho sự phát triển trong tương lai", báo cáo nêu rõ.

Để kích thích hoạt động trong hệ sinh thái khởi nghiệp công nghệ, báo cáo của Tracxn chỉ ra rằng, Chính phủ Việt Nam cần thực hiện một số sáng kiến nhằm thúc đẩy thị trường. Các sáng kiến bao gồm việc thiết lập các chính sách hỗ trợ cho hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia, cung cấp vốn và tạo ra một cổng thông tin hệ sinh thái khởi nghiệp quốc gia.

Ngoài ra, các chuyên gia của Tracxn cho biết, các cơ quan chức năng tại Việt Nam cần nỗ lực hơn nữa để hỗ trợ các doanh nhân nữ và thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp của sinh viên.

Tứ bề thách thức

Starup công nghệ Việt Nam đang đứng trước nhiều cơ hội và tiềm năng để phát triển, nhưng bên cạnh đó cũng phải đối mặt với nhiều thách thức lớn.

Thách thức đầu tiên là về tài chính. Các startup công nghệ lúc đầu đều rơi vào tình trạng “đói” vốn, chi phí để dành cho 1 startup rất nhiều trong khi doanh thu thì chưa tạo ra ngay được. Vì thế, thời gian đầu, các công ty startup công nghệ thường đi kêu gọi tài trợ góp vốn từ một doanh nghiệp, một nhà đầu tư mạo hiểm, hoặc vay một khoản tiền để giúp công ty có số vốn để phát triển kinh doanh. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, số doanh nghiệp startup có nhu cầu gọi vốn đầu tư lại nhiều hơn các nhà đầu tư. Điều này đã tạo nên sự cạnh tranh lớn và khắc nghiệt cho các công ty startup trong nhiều lĩnh vực.

Triển vọng khởi nghiệp công nghệ số tại Việt Nam - Ảnh 2
Chuyên gia chia sẻ thông tin cho các thành viên khởi nghiệp trẻ tại buổi hội thảo “Kết nối mạng lưới truyền thông cho khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam”. Ảnh: Hà Nội Mới.

Tại Việt Nam, các nhà đầu tư thường chỉ đầu tư vào các startup đã có chỗ đứng nhất định. Các startup này đã được một số khách hàng biết đến, thương hiệu đã xây dựng thành công gần như 50% và có nhiều tiềm năng khai thác hơn là các doanh nghiệp chỉ mới bắt đầu từ con số 0.

Vì vậy, để thu hút được các nhà đầu tư, các công ty, doanh nghiệp mới luôn phải nỗ lực đầu tư cho các hoạt động tiếp thị, dịch vụ, sản phẩm của mình để đạt chất lượng tốt nhất.

Một thách thức khác mà 1 startup công nghệ phải đối mặt là nguồn nhân sự chất lượng. Các ứng cử viên giỏi khi tìm kiếm công việc thường đặt ra các tiêu chí khắt khe về chính sách đãi ngộ, nội dung công việc cũng như mức lương bổng hợp lý. Trong khi đó, với các công ty khởi nghiệp thường khó đáp ứng được yêu cầu từ ứng viên vì thế mà khó có sự đồng hành của những nhân sự chất lượng. Hoặc nếu có thì công ty cũng phải chi trả một chi phí, mức lương khá lớn để giữ chân đội ngũ này.

Nhiều doanh nghiệp hiện nay thay vì tìm kiếm nguồn nhân sự chất lượng chỉ tuyển chọn các bạn sinh viên thực tập, sinh viên mới ra trường. Mặc dù tiết kiệm chi phí, song về chất lượng thì không mấy đảm bảo. Chưa kể, đội ngũ nhân viên này thường không có sự ổn định, lâu dài. Sinh viên sẽ ngưng cộng tác sau khi thực tập, những bạn mới ra trường sẽ nghỉ việc sau vài tháng cho đến một năm học hỏi kinh nghiệm.

Ngoài ra, các doanh nghiệp startup công nghệ cũng đang phải đấu tranh để giành được sự chú ý của khách hàng và tạo ra sản phẩm hoặc dịch vụ độc đáo để cạnh tranh với các đối thủ khác. Đa số các doanh nghiệp startup mới thành lập thường đối diện với thiếu hụt tài nguyên, bao gồm tài chính, nhân lực và kinh nghiệm.

Bên cạnh đó, các công ty startup thường phải phát triển sản phẩm hoặc dịch vụ của mình nhanh chóng trong một thị trường đầy cạnh tranh, điều này có thể dẫn đến những sai lầm trong quá trình phát triển sản phẩm hoặc dịch vụ.

Song, thị trường cũng đòi hỏi các doanh nghiệp startup công nghệ phải luôn cải tiến và đổi mới sản phẩm để không bị lạc hậu trong thời đại công nghệ luôn thay đổi và phát triển một cách nhanh chóng như hiện nay.

Trong bối cảnh công nghệ phát triển với tốc độ chóng mặt, các startup công nghệ đang phải đối mặt với rất nhiều cơ hội và thách thức. Tuy nhiên, với sự sáng tạo và nỗ lực của các nhà sáng lập, cộng đồng và các chuyên gia nói chung, việc tìm ra giải pháp để phát triển các startup công nghệ vẫn là điều hoàn toàn khả thi.

H.A

Bạn đang đọc bài viết Triển vọng khởi nghiệp công nghệ số tại Việt Nam. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: toasoanktmt@gmail.com

Cùng chuyên mục

Phụ nữ Hà Nam khởi nghiệp sáng tạo và chuyển đổi xanh
Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Hà Nam vừa tổ chức hội thi “Phụ nữ Hà Nam khởi nghiệp sáng tạo và chuyển đổi xanh” năm 2024. Hội thi chính thức phát động từ trung tuần tháng 8 và đã nhận được 17 ý tưởng/dự án tham gia.

Tin mới

Thanh Hóa: Đẩy nhanh tiến độ tham mưu, xây dựng các văn bản quy định tại Luật Đất đai, Luật Nhà ở
UBND tỉnh Thanh Hóa vừa ban hành văn bản về việc đẩy nhanh tiến độ tham mưu, xây dựng các văn bản theo thẩm quyền quy định chi tiết việc thực hiện Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản và các Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật.