Triển khai tín dụng xanh mạnh mẽ tại các ngân hàng thương mại
Hướng đến nền kinh tế xanh là giải pháp của nhiều tổ chức, doanh nghiệp. Vì thế việc triển khai tín dụng xanh càng phát triển mạnh mẽ tại các NHTM.
Tín dụng xanh là xu thế tất yếu khách quan của các Ngân hàng Thương mại, dư nợ tín dụng xanh tăng đều qua các năm. Đặc biệt các tổ chức tín dụng được xem là yếu tố quan trọng để hướng dòng vốn đầu tư vào hoạt động sản xuất thân thiện môi trường, giảm các rủi to vì mục tiêu phát triển bền vững quốc gia.
Theo số liệu thống kê của Ngân hàng Nhà nước, tính đến quý I/2021, có 67 tổ chức tín dụng triển khai tín dụng xanh, dư nợ cấp tín dụng đối với các dự án xanh chiếm 3,6% tổng dư nợ toàn nền kinh tế, cao gấp 2 lần so với năm 2015, tăng 0,46% so với năm 2020.
Phát triển kinh tế xanh cần có nguồn vốn xanh để điều hòa các lĩnh vực, ngành nghề của đời sống xã hội. Nguồn vốn xanh hiện nay vẫn chưa được thúc đẩy để trở thành thành phần cốt lõi, chủ đạo trong việc hỗ trợ, nâng cao chất lượng của các hoạt động kinh doanh, sản xuất sản phẩm xanh thân thiện với môi trường. Dòng vốn cung cấp cho các dự án xanh vẫn gặp phải rào cản, khó khăn khi chưa được thông suốt, vận hành có nguyên tắc hợp lý. Các chính sách, hành lang pháp lý cho việc vay vốn tín dụng xanh vẫn đang được hoàn thiện, chưa có sự đồng bộ cho hệ thống các ngân hàng thương mại và các tổ chức tín dụng.
Con người vẫn đang đối mặt với rất nhiều vấn đề của môi trường, biến đổi khí hậu ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng đời sống, sản xuất và kinh doanh. Tín dụng xanh sẽ giúp các dự án xanh phát triển, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn để triển khai các giải pháp tăng gia sản xuất nhưng vẫn đảm bảo giữ gìn và bảo vệ môi trường. Những giải pháp để cải thiện môi trường thông qua phát triển kinh tế xanh cần được đẩy mạnh và quan tâm đặc biệt hơn nữa. Tuy nhiên cần đảm bảo cân bằng nguồn vốn cấp tín dụng cho các lĩnh vực xanh, không nên có sự nghiêng hẳn về yếu tố nào để đảm bảo sự phát triển lâu dài, bền vững và hiệu quả của dòng vốn xanh.
Khó khăn khi tiếp cận nguồn vốn đầu tư cho các lĩnh vực như du lịch xanh, năng lượng tái tạo, xử lý chất thải…là thực trạng của nền kinh tế Việt Nam. Đa số các doanh nghiệp vẫn đầu tư vào máy móc, trang thiết bị hiện đại để đạt được lợi ích, thu được lợi nhuận khủng về kinh tế mà quên mất việc bảo vệ, cải thiện môi trường. Điều này khiến cho các nguồn vốn đầu tư vào các dự án xanh, công trình xanh còn hạn chế, chưa phổ biến trên phạm vi toàn quốc. Một số địa phương hưởng ứng phong trào nông nghiệp xanh, nguồn nước sạch, sử dụng năng lượng tái tạo thay thế năng lượng điện truyền thống… nhưng vẫn ở phạm vi nhỏ, lẻ và chưa áp dụng đúng giải pháp dẫn đến sai sót trong việc triển khai các dự án có yếu tố “xanh”.
Một số ngân hàng thương mại ở Việt Nam cũng đã biết đến tín dụng xanh từ nhiều năm trước nhưng để đưa vào thực hiện, triển khai tín dụng xanh thành danh mục và quản lý tốt thì vẫn chưa có nhiều khởi sắc. Các doanh nghiệp cũng rất e dè khi muốn vay vốn tín dụng vì họ sợ các yếu tố rủi ro, chưa có nhiều chính sách hỗ trợ, củng cố niềm tin cho doanh nghiệp tự tin vay vốn tín dụng. Một vấn đề thu hút nhiều sự chú ý nữa chính là các ngân hàng chỉ triển khai tín dụng xanh cho một số lĩnh vực, chưa có sự nghiên cứu, mở rộng phổ biến tín dụng xanh đối với các ngành, lĩnh vực của nền kinh tế.
Tất cả những nguyên nhân dẫn đến sự chậm phát triển của tín dụng xanh tại các ngân hàng thương mại có thể khắc phục được. Một số ngân hàng cũng đã áp dụng, xây dựng hoàn thiện chính sách vay vốn tín dụng xanh, dẫn đầu tiên phong trong việc triển khai các dự án vì môi trường, bảo vệ môi trường nhằm phát triển kinh tế - xã hội bền vững.
Bích Ngọc