Trẻ em có nguy cơ cao nhất chịu tác động nặng nề của biến đổi khí hậu
Biến đổi khí hậu đang khiến cuộc sống con người trên Trái Đất ngày càng bị đe doạ. Đặc biệt, trẻ em luôn là nhóm bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi những thảm họa, thiên tai do tính dễ tổn thương về thể chất và tâm lý xã hội.
Theo báo cáo mới nhất của Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF), thanh thiếu niên Việt Nam là một trong những nhóm đối tượng có nguy cơ cao nhất trước các tác động của biến đổi khí hậu. Điều này sẽ đe dọa đến sức khỏe, giáo dục và sự an toàn của trẻ em trong tương lai.
Cụ thể, tại báo cáo “Khủng hoảng khí hậu là cuộc khủng hoảng về quyền trẻ em”, các chuyên gia đã phân tích toàn diện về rủi ro khí hậu từ góc độ của trẻ em. Từ đó đưa ra bảng xếp hạng của các quốc gia dựa trên nguy cơ rủi ro của trẻ em trước các cú sốc về khí hậu và môi trường.
Kết quả phân tích nhận thấy, khoảng 1 tỉ trẻ em - gần một nửa trong số 2,2 tỉ trẻ em trên toàn thế giới - sống tại 33 quốc gia được phân loại là có “nguy cơ cực kỳ cao”. Trong đó, trẻ em Việt Nam tiếp xúc nhiều với ô nhiễm không khí và lũ lụt.
Các loại nguy cơ về biến đổi khí hậu mà trẻ em gặp phải rất đa dạng bao gồm từ những ảnh hưởng trực tiếp về mặt thể chất như lốc xoáy, bão tố và nhiệt độ tăng giảm đột ngột cho tới những ảnh hướng về giáo dục, căng thẳng tâm lý và những khó khăn về dinh dưỡng. Như vậy, biến đổi khí hậu có thể ảnh hưởng đến quyền trẻ em từ nhiều góc độ, kể cả sức khỏe, tính mạng, tiếp cận giáo dục, y tế, kinh tế gia đình...
Việt Nam đứng thứ 13 trong tổng số 170 nước được cho là dễ bị ảnh hưởng bởi các tác động của biến đổi khí hậu trong vòng 30 năm tới và là một trong số 16 nước “có nguy cơ cao nhất” do tỉ lệ nghèo đói cao, dân cư đông đúc, dễ bị ảnh hưởng bởi khí hậu, phụ thuộc vào đất nông nghiệp dễ bị ngập lụt và hạn hán.
Theo nhận định của Phó Đại diện UNICEF tại Việt Nam Lesley Miller: Môi trường sống ở Việt Nam ngày càng có nhiều rủi ro hơn đối với trẻ em. Vì vậy, việc đảm bảo tiếp cận mạng lưới an sinh phù hợp và các dịch vụ tăng cường khả năng chống chịu, như nước sạch, chăm sóc sức khỏe và giáo dục, sẽ giúp bảo vệ tương lai của trẻ em.
Trước thực trạng trên, các nhà khoa học cũng cảnh báo rằng, nếu không khẩn trương thực hiện hành động cần thiết để giảm phát thải khí nhà kính, trẻ em sẽ tiếp tục phải chịu thiệt hại nhiều nhất.
Bên cạnh đó, chính phủ, doanh nghiệp, và các đơn vị liên quan cần tăng cường đầu tư về khả năng chống chịu, và thích ứng với biến đổi khí hậu trong các dịch vụ chính cho trẻ em. Để bảo vệ trẻ em, cộng đồng và những đối tượng dễ bị tổn thương nhất trước các tác động tồi tệ nhất của tình trạng biến đổi khí hậu đang diễn ra, các dịch vụ quan trọng phải được tăng cường tính thích ứng, bao gồm hệ thống nước sạch và vệ sinh môi trường, các dịch vụ y tế và giáo dục.
Đồng thời, giảm phát thải khí nhà kính. Để ngăn ngừa các tác động tồi tệ nhất của khủng hoảng khí hậu, cần thực hiện hành động toàn diện và khẩn cấp. Các quốc gia phải cắt giảm lượng phát thải ít nhất là 45% (so với mức năm 2010) vào năm 2030 để giữ nhiệt độ không tăng quá 1,5 độ C.
Đặc biệt, cần giáo dục cho trẻ em về khí hậu và trang bị cho các em kỹ năng xanh. Đây là những kỹ năng rất quan trọng để trẻ em thích ứng và chuẩn bị trước các tác động của biến đổi khí hậu; Thu hút sự tham gia của thanh thiếu niên trong tất cả các cuộc đàm phán và quyết định về khí hậu của quốc gia, trong khu vực và trên toàn cầu, bao gồm cả tại Hội nghị lần thứ 26 các Bên tham gia Công ước Khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu (COP26)….
Lan Anh (T/h)