Thứ sáu, 22/11/2024 12:14 (GMT+7)
Thứ bảy, 15/08/2020 07:08 (GMT+7)

Trẻ em và nỗi lo biến đổi khí hậu

Theo dõi KTMT trên

Trên toàn thế giới, biến đổi khí hậu đang biến những mùa hè rực rỡ thành ác mộng về nhiệt độ, cùng với thiên tai, bão lũ, hạn hán... gây hậu quả tàn khốc cho nền kinh tế và đời sống người dân. Theo báo cáo đếm ngược Lancet 2019 (Lancet Countdown), trẻ em là đối tượng rất dễ bị tổn thương bởi biến đổi khí hậu.

Biến đổi khí hậu đang khiến cuộc sống con người trên Trái Đất ngày càng bị đe doạ. Đặc biệt, trẻ em luôn là nhóm bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi những thảm hoạ, thiên tai do tính dễ tổn thương về thể chất và tâm lý xã hội.

Khủng hoảng khí hậu với lượng CO2 ngày càng tăng đang “thử thách” hệ sinh thái của chúng ta. Các vấn đề như không khí bị ô nhiễm, thiếu nước ngọt, nhiên liệu bị khan hiếm… không chỉ ảnh hưởng đến đời sống mà còn liên quan đến vấn đề sinh tồn.

Trẻ em và nỗi lo biến đổi khí hậu - Ảnh 1
Một cậu bé đang phải uống nước bẩn, hậu quả của thiếu nước trong khu vực do nạn phá rừng gây ra. (Ảnh: Dharshie Wissah)

Tỉ lệ trẻ em mắc bệnh ngày càng gia tăng

Tình trạng phát thải carbon toàn cầu hiện nay đang khiến Trái Đất nóng lên hơn so với những dự tính ban đầu, tăng 2,8-4,6°C trong khoảng từ 2080 đến 2100. Các tác động sức khỏe của biến đổi khí hậu là quá rõ ràng nếu khí thải không được kiểm soát chặt chẽ.

Môi trường ấm lên khiến trẻ em mắc nhiều bệnh truyền nhiễm, suy dinh dưỡng và tăng trưởng chậm, thậm chí không khí ô nhiễm sẽ làm cản trở sự phát triển của phổi.

Việc sản lượng các loại lương thực chính như ngô, lúa mỳ và gạo giảm sút do thời tiết cực đoan khiến nhiều trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ đối mặt nguy cơ suy dinh dưỡng nghiêm trọng, kéo theo ảnh hưởng đến mọi giai đoạn phát triển sau này của trẻ như chậm phát triển, suy yếu hệ miễn dịch....

Ở nhiều nơi, nhiệt độ tăng còn gây ra tình trạng ô nhiễm không khí nhiều hơn tại các thành phố, theo Bác sĩ y khoa Nicholas Watts tại Đại học College London, Anh. Điều này sẽ có tác động tiêu cực đến sức khỏe của trẻ em, đặc biệt là vấn đề về phổi.

Trẻ em và nỗi lo biến đổi khí hậu - Ảnh 2
Trẻ em đeo khẩu trang vì ô nhiễm không khí kỷ lục ở Delhi, Ấn Độ. (Ảnh: Hindustan Times)

Một ví dụ khác về tác động của biến đổi khí hậu đối với sức khỏe con người là các bệnh do muỗi lây truyền như sốt xuất huyết và sốt rét ngày càng phổ biến, trong đó cũng có rất nhiều bệnh nhân là trẻ em.

Trẻ em sẽ phải chịu đựng nhiều nhất từ sự gia tăng các bệnh truyền nhiễm - năm 2018 được ghi nhận là năm thứ hai có điều kiện khí hậu thích hợp nhất cho sự lây lan của vi khuẩn gây ra phần lớn các ca bệnh tiêu chảy và nhiễm trùng vết thương trên toàn cầu.

Trẻ em - nạn nhân suốt đời của biến đổi khí hậu

Năm 2019, nghiên cứu từ 35 tổ chức toàn cầu được công bố trên tạp chí y khoa The Lancet cho thấy trẻ em là nạn nhân suốt đời của biến đổi khí hậu, trong đó có hiện tượng nóng lên toàn cầu.

Theo đó, nếu lượng phát thải nhà kính tiếp tục với tốc độ như hiện nay thì trẻ sơ sinh sẽ phải đối mặt với một thế giới ấm hơn 4 độ C vào năm 71 tuổi, làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh truyền nhiễm như tiêu chảy, sốt xuất huyết và bệnh liên quan đến tim, phổi.

Trẻ em ngày nay sẽ phải hít thở bầu không khí ô nhiễm do nhiên liệu hóa thạch, gây giảm chức năng phổi, làm trầm trọng bệnh hen suyễn và gia tăng nguy cơ bệnh tim, đột quỵ.

Trẻ em và nỗi lo biến đổi khí hậu - Ảnh 3
Thời tiết cực đoan, lũ lụt, hạn hán... ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống và sức khoẻ của trẻ em. (Ảnh minh họa)

Theo số liệu thống kê của Liên Hợp Quốc, do tác động trực tiếp của tình trạng biến đổi khí hậu, mực nước biển trên đại dương toàn cầu đã tăng từ 15-20cm kể từ năm 1900.

Những thiên tai, thảm họa hình thành do biến đổi khí hậu khiến mùa màng thất bát, dịch bệnh hoành hành. Các quốc gia phải chi hàng tỉ đô la để cứu tế. Vì vậy, khí hậu càng khắc nghiệt, kinh tế càng thâm hụt. Nhiều gia đình rơi vào cảnh khốn cùng, mất nhà cửa, đói kém,... khiến những đứa trẻ phải nghỉ học, không được ăn no, thậm chí phải trở thành lao động "bất đắc dĩ" trong gia đình.

Trẻ em đặc biệt bị ảnh hưởng bởi những thảm họa thiên nhiên. Tiếp cận với thực phẩm, nước sạch, giáo dục và chăm sóc sức khỏe đang bị đe dọa và áp lực lên cộng đồng - do mất nguồn thu nhập và tài sản - điều này làm tăng sự tiếp xúc của trẻ với bạo lực, bóc lột và lạm dụng.

Giảm thiểu BĐKH để bảo vệ tương lai của trẻ

Biến đổi khí hậu đã gây tổn hại cho sức khỏe của trẻ em thế giới và có thể sẽ định hình tình trạng sức khoẻ của cả một thế hệ trừ khi thế giới đáp ứng các mục tiêu của Thỏa thuận Paris để hạn chế sự nóng lên ở mức dưới 2˚C, theo một báo cáo mới được công bố trên tạp chí y khoa The Lancet.

Theo đó, nhiều tổ chức đã kêu gọi khẩn thiết hành động để bảo vệ sức khỏe cho thế hệ tiếp theo bằng cách loại bỏ nhiệt điện than, sử dụng năng lượng tái tạo; hạn chế nóng lên toàn cầu ở mức dưới 2 độ C.

Trẻ em và nỗi lo biến đổi khí hậu - Ảnh 4
Cần bảo vệ trẻ em trước những ảnh hưởng nặng nề bởi biến đổi khí hậu. (Ảnh minh họa)

Ứng phó với biến đổi khí hậu cần lấy trẻ em làm trọng tâm để đưa ra các chính sách phù hợp với mục tiêu phát triển lâu dài. Giảm thiểu rủi ro thiên tai cho trẻ em là một chiến lược quan trọng để phát triển bền vững cho các thế hệ hôm nay và tương lai nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu.

Theo tổ chức UNICEF, Việt Nam là quốc gia xếp thứ 6 chịu ảnh hưởng nặng nề do biến đổi khí hậu. Mỗi năm, các diễn biết thời tiết ngày càng phức tạp và không thể dự báo trước được gây ra tỉ lệ tử vong và thiệt hại cho cơ sở hạ tầng rất cao, chẳng hạn như trường học và trung tâm y tế.

Trẻ em Việt Nam là đối tượng chịu tác động trực tiếp từ biến đổi khí hậu. Lũ lụt, hạn hán, nắng nóng, rét đậm rét hại... khiến những đứa trẻ có sức khỏe kém, nhiều dịch bệnh nguy hiểm lây lan, bụi bẩn ô nhiễm gây các bệnh về đường hô hấp,...

Nguyễn Luận

Bạn đang đọc bài viết Trẻ em và nỗi lo biến đổi khí hậu. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: toasoanktmt@gmail.com

Cùng chuyên mục

Dù đã đón nhiều đợt không khí lạnh nhưng miền Bắc vẫn nóng
Dù đã đón nhiều đợt không khí lạnh nhưng miền Bắc vẫn nóng, người dân chưa cảm nhận được cái lạnh. Do đợt không khí lạnh này về rất khô, trời ít mây và có nắng nên nhiệt độ thấp nhất thường rơi vào đêm và sáng sớm, ban ngày ít cảm nhận được lạnh.

Tin mới