Trận mưa lịch sử ở Trung Quốc có ảnh hưởng đến Việt Nam?
Nguyên nhân gây mưa lớn hơn 600 mm trong 24 giờ trên hệ thống sông Hoàng Hà, thủ phủ Trịnh Châu, tỉnh Hà Nam là một khối không khí biển lấn từ phía đông kết hợp với vùng xoáy thấp.
Hơn 1 năm sau trận mưa lũ lịch sử do ảnh hưởng của dải mây Front Meiyu, Trung Quốc tiếp tục đối mặt với hậu quả từ trận mưa lớn "nghìn năm có một" xảy ra ở tỉnh Hà Nam.
Theo cơ quan khí tượng của nước này, lượng mưa tích lũy ở thủ phủ Trịnh Châu, tỉnh Hà Nam, đạt 622,7 mm chỉ trong 24 giờ. Số liệu này gần bằng lượng mưa trung bình hàng năm của Thành phố là 640,8 mm. Đây là trận mưa lớn chưa từng có suốt 1.000 năm qua.
Trận mưa lịch sử do biến đổi khí hậu
Đánh giá về đợt mưa này, ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết, thời điểm này là mùa mưa ở Trung Quốc nên việc xuất hiện các đợt mưa lớn là bình thường.
Tuy nhiên, chuyên gia nhận định trận mưa hơn 600 mm trong 24 giờ là rất hiếm. Dù chưa có nghiên cứu đánh giá cụ thể nguyên nhân đợt mưa lớn cực đoan này nhưng một trong những nguyên nhân gây ra các hiện tượng thiên tai khốc liệt và hiếm gặp này là tác động của biến đổi khí hậu.
Biến đổi khí hậu dẫn đến sự thay đổi về tần suất, cường độ, quy mô không gian, thời gian và quy luật hoạt động của thời tiết, khí hậu. Nóng lên toàn cầu có thể khiến các nhiễu động của hệ thống khí quyển như dải hội tụ nhiệt đới, xoáy bão, áp thấp nhiệt đới, mưa lớn, tố lốc... trở nên mạnh hơn và xảy ra nhiều hơn.
Năm 2020, Trung Quốc cũng ghi nhận đợt lũ kỷ lục, đe dọa đập Tam Hiệp Dương Tử. Việc này xảy ra do ảnh hưởng của dải mây Front Meiyu hoạt động kéo dài với cường độ mạnh hơn bình thường.
Trong năm nay, mưa lớn xảy ra trên hệ thống sông Hoàng Hà, nằm phía trên của hệ thống sông Dương Tử, sâu vào trong đất liền nằm ở phần phía bắc của Trung Quốc. Nguyên nhân là một khối không khí biển lấn từ phía đông kết hợp với vùng xoáy thấp. Hai hình thái này kết hợp gây mưa lớn trên hệ thống sông Hoàng Hà, thủ phủ Trịnh Châu, tỉnh Hà Nam.
"Tuy nhiên, tỉnh Hà Nam nằm ở miền trung của Trung Quốc, cách khá xa Việt Nam nên trận mưa lũ lịch sử tại đây không ảnh hưởng đến Việt Nam", ông Khiêm khẳng định.
Theo nhận định của cơ quan khí tượng, các tỉnh miền Bắc nước ta đang bước vào mùa mưa lũ, nhiều cơn bão và áp thấp nhiệt đới đã xuất hiện trên Biển Đông, gây mưa lớn cho khu vực. Đến tháng 10 và tháng 11, số lượng bão sẽ gia tăng và tác động trực tiếp đến các tỉnh miền Trung.
Đáng lưu ý, Trung Trung Bộ và Nam Trung Bộ mưa lớn xuất hiện nhiều vào các tháng cuối năm, khả năng kéo dài đến tháng 12. Dù vậy, trạng thái khí quyển đang chuyển pha trung tính nên mùa mưa bão năm nay sẽ không dồn dập như năm 2020.
Trong bản tin dự báo tháng, cơ quan khí tượng cho biết từ ngày 21/7 đến 21/8, Biển Đông có thể xuất hiện 1 - 2 xoáy thuận nhiệt đới. Tổng lượng mưa thời kỳ này ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ ở mức thiếu hụt 15 - 30% so với trung bình nhiều năm.
Trong khi đó, gió mùa Tây Nam vẫn duy trì cường độ trung bình đến mạnh nên các tỉnh phía Nam tiếp tục xuất hiện nhiều ngày có mưa rào và dông, cục bộ mưa lớn.
Vì sao khó dự báo các trận mưa lớn?
Theo Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, những năm qua, với sự phát triển của khoa học và công nghệ, dự báo khí tượng thủy văn trên thế giới đã có những bước tiến bộ nhất định. Tuy nhiên, dự báo mưa lớn vẫn là một thách thức với ngành khí tượng, đặc biệt là mưa cực đoan.
Ngành khí tượng các nước chỉ dự báo tốt về vùng khả năng có mưa lớn, nhưng chưa thể dự báo chính xác lượng mưa tại một vị trí, trong một thời gian cụ thể.
Lấy ví dụ về trận mưa trên 600 mm trong 24 giờ ở tỉnh Hà Nam (Trung Quốc), ông Khiêm cho biết công nghệ trên thế giới chưa có khả năng dự báo được lượng mưa vài trăm mm trong thời gian ngắn như trận mưa này.
Điều này xảy ra do tính dự báo của khí quyển bị chi phối mạnh bởi các nhiễu động có quy mô không gian và thời gian rất nhỏ. Một kích thích đối lưu nhỏ có thể dẫn đến các thay đổi rất nhanh trong khí quyển, tạo nên các phân bố đối lưu khác nhau. Việc này dẫn đến hệ quả mưa khác nhau.
Bên cạnh đó, việc dự báo những cơn bão hoạt động đồng thời và những tổ hợp thời tiết tương tác lẫn nhau rất phức tạp và khó khăn, đòi hỏi phải theo dõi liên tục để phát hiện những sự thay đổi nhỏ của hoàn lưu khí quyển.
"Do hệ thống quan trắc khí tượng thủy văn ở Biển Đông nói riêng và ở vùng biển Thái Bình Dương nói chung còn hạn chế, thưa thớt dữ liệu nên rất khó khăn cho công tác dự báo những cơn bão có hướng di chuyển phức tạp hoặc bị tương tác bởi những cơn bão khác", ông Khiêm cho biết.
Mỹ Hà
Theo Zing News