Thứ năm, 25/04/2024 09:27 (GMT+7)
Thứ ba, 11/05/2021 13:51 (GMT+7)

Trái phiếu dài hạn từ các dự án bảo vệ môi trường

Theo dõi KTMT trên

Amazon đã phát hành trái phiếu để huy động 1 tỉ USD đầu tư vào năng lượng tái tạo, giao thông sạch và các tòa nhà xanh thân thiện với môi trường.

Trái phiếu dài hạn từ các dự án bảo vệ môi trường - Ảnh 1

Theo Climate Bonds Initiative, việc phát hành trái phiếu xanh trên toàn cầu đã đạt mức cao kỷ lục 270 tỉ USD vào cuối năm 2020 và có thể đạt 450 tỉ USD trong năm nay. Số tiền huy động được thông qua trái phiếu dài hạn chỉ là một phần nhỏ trong tổng số nợ mà Amazon đã phát hành, được ước tính vào khoảng 18,5 tỉ USD. Công ty nói rằng họ có thể sử dụng các quỹ này để đầu tư vào giao thông sạch và các tòa nhà không carbon.

Các dự án của Amazon sẽ bao gồm mua xe điện cho các đội vận tải, cũng như các phương tiện giao hàng chạy bằng điện khác. Ngoài ra, Amazon cho biết họ cũng sẽ sử dụng hệ thống sưởi ấm và làm mát hoàn toàn bằng điện chạy bằng năng lượng tái tạo tại trụ sở mới của công ty ở Arlington, Virginia. Trong một cam kết, Amazon sẽ cắt giảm toàn bộ mức phát thải carbon vào năm 2040 và cung cấp năng lượng cho tất cả các hoạt động bằng năng lượng tái tạo vào năm 2030.

Xu hướng trái phiếu xanh trên thế giới

Theo Tổ chức năng lượng quốc tế (IEA), để giảm một nửa lượng khí thải toàn cầu vào năm 2050, thế giới sẽ cần đến 46 nghìn tỉ USD, tương đương với 1 nghìn tỉ USD/năm. Trong bối cảnh đó, trái phiếu xanh (TPX) được xem như một kênh thu hút vốn mới và là giải pháp hiệu quả, có thể giúp huy động hàng trăm tỉ USD/năm cho phát triển một nền kinh tế xanh và bền vững.

Theo định nghĩa của Tổ chức Sáng kiến Trái phiếu Khí hậu (CBI), TPX là trái phiếu được phát hành nhằm huy động vốn cho những giải pháp biến đổi khí hậu do chính phủ, ngân hàng, địa phương hoặc doanh nghiệp phát hành, dán nhãn TPX dưới dạng chứng khoán nợ bao gồm chứng khoán hóa, phát hành riêng lẻ, trái phiếu có đảm bảo,... cũng như các khoản vay được dán nhãn xanh tuân thủ nguyên tắc trái phiếu xanh (Green Bond Principles - GBP) hoặc nguyên tắc cho vay xanh (Green Loan Principles - GLP). CBI phân loại TPX theo 8 lĩnh vực gồm năng lượng, tòa nhà, giao thông, nước, chất thải, tài sản có nguồn gốc tự nhiên, công nghiệp và công nghệ thông tin (ICT).

Phát triển thị trường trái phiếu xanh tại Việt Nam

Theo nghiên cứu của các tổ chức quốc tế và các cơ quan chức năng của Việt Nam, Việt Nam là quốc gia có thể chịu tổn thất khoảng 15 tỉ USD/năm do biến đổi khi hậu, tương đương khoảng 5% GDP và 20% dân số chịu tác động bởi sự gia tăng của mực nước biến, diện tích canh tác bị thu hẹp do ngập lụt và xâm ngập mặn.

Bên cạnh đó, theo ước tính của Tổ chức Hợp tác quốc tế Đức (GIZ), Việt Nam cần khoảng 30,7 tỉ USD cho đến năm 2020 và cần khoảng 21,2 tỉ USD cho 10 năm tiếp theo để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế theo hướng bền vững. Có thể thấy nhu cầu vốn cho tăng trưởng xanh là rất lớn, trong khi theo dự tính chỉ có khoảng 30% vốn đến từ NSNN (bao gồm ngân sách trung ương, ngân sách tỉnh và viện trợ phát triển không chính thức), còn lại 70% sẽ đến từ khu vực tư nhân. Vì vậy, thị trường vốn, đặc biệt thị trường trái phiếu với điểm nhấn TPX đang được xem là một kênh thu hút vốn mới và hiệu quả nhằm thực hiện các mục tiêu tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.

Trái phiếu dài hạn từ các dự án bảo vệ môi trường - Ảnh 2
Năng lượng tái tạo là một mục tiêu chiến lược trong kế hoạc quốc gia về tăng trưởng xanh tại Việt Nam. 

Thời gian qua, Chính phủ đã ban hành nhiều cơ chế chính sách mang tính định hướng về phát triển thị trường TPX. Trong đó, Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2011 - 2020 và tầm nhìn đến năm 2050. Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh Việt Nam đã có định hướng về tài chính xanh và các sản phẩm tài chính xanh cho thị trường chứng khoán Việt Nam để tạo nguồn lực tài chính cho tăng trưởng xanh, chủ động ứng phó biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên, BVMT và chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh.

Quyết định nêu rõ việc xây dựng, hoàn thiện khung chính sách tài chính, nhằm phát triển thị trường vốn xanh và các sản phẩm tài chính xanh, bao gồm: Thiết lập khung tài chính xanh cho các hoạt động trên thị trường vốn như ban hành các quy định, điều kiện khi niêm yết cổ phiếu (niêm yết xanh), báo cáo (trong báo cáo bền vững) và giám sát (theo các tiêu chí tài chính xanh); huy động vốn đầu tư cho tăng trưởng xanh thông qua thị trường vốn cho các doanh nghiệp, dự án và sản phẩm xanh, niêm yết, phát hành TPX cho các dự án, chương trình và lĩnh vực xanh... các cơ chế, chính sách về phát triển thị trường TPX được xây dựng theo hướng tạo thuận lợi cho các chủ thể huy động vốn.

Trái phiếu xanh thực hiện các dự án xanh

Bên cạnh đó, nhằm thực hiện các cam kết của Việt Nam trong Đóng góp do quốc gia tự quyết định cho Thỏa thuận Paris về Biến đổi khí hậu, tăng công suất năng lượng tái tạo từ mức 12 GW hiện tại lên 30 GW vào năm 2030. Việt Nam cần đầu tư nhiều hơn cho năng lượng tái tạo. Dự kiến, trong giai đoạn 2016-2030, năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời) sẽ đứng thứ hai về danh mục đầu tư (xếp sau nhiệt điện than) và khí thiên nhiên cũng sẽ chiếm tỉ lệ lớn.

Số lượng nguồn vốn đầu tư vào năng lượng tái tạo mới chỉ đáp ứng được một phần nhỏ nhu cầu. Đến năm 2030 dự báo cần có tới 90.000 tỉ USD để đạt được các mục tiêu khí hậu và phát triển bền vững toàn cầu. Riêng đối với khu vực ASEAN, nhu cầu vốn xanh ước tính khoảng 2.650 - 3.000 tỉ USD, bình quân cần tới 200 tỉ USD/năm trong giai đoạn 15 năm. Trong đó, thị trường Việt Nam chiếm khoảng 16% tổng quy mô của toàn thị trường ASEAN, đứng vị trí thứ 2 chỉ sau Indonesia (chiếm 36%). Vì vậy, các sản phẩm tài chính xanh, trong đó có TPX đang được xem là công cụ hiệu quả thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo tại Việt Nam.

Phát hành trái phiếu xanh đang là xu hướng toàn cầu với sự tham gia của các định chế tài chính quốc tế lớn như Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB)... và được xem là một kênh huy động vốn quan trọng nhằm đáp ứng nhu cầu vốn cho tăng trưởng bền vững. Tại Việt Nam, nhu cầu vốn cho phát triển các dự án xanh, đặc biệt là dự án năng lượng tái tạo rất lớn. Để đáp ứng nhu cầu này, việc đẩy mạnh các sản phẩm tài chính xanh, trong đó có trái phiếu xanh là tất yếu.

Thanh Thúy

Bạn đang đọc bài viết Trái phiếu dài hạn từ các dự án bảo vệ môi trường. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

WB: Kinh tế Việt Nam đang hồi phục tăng trưởng
Theo Báo cáo cập nhật kinh tế 6 tháng Điểm lại mới nhất của Ngân hàng Thế giới (WB) được công bố ngày 23/4, Kinh tế Việt Nam đang có những tín hiệu phục hồi khác nhau, với dự báo tăng trưởng sẽ đạt 5,5% vào năm 2024 và tăng dần lên 6,0% vào năm 2025.

Tin mới

WB: Kinh tế Việt Nam đang hồi phục tăng trưởng
Theo Báo cáo cập nhật kinh tế 6 tháng Điểm lại mới nhất của Ngân hàng Thế giới (WB) được công bố ngày 23/4, Kinh tế Việt Nam đang có những tín hiệu phục hồi khác nhau, với dự báo tăng trưởng sẽ đạt 5,5% vào năm 2024 và tăng dần lên 6,0% vào năm 2025.