Trái đất có thể phải đối mặt với gần 4 tỷ tấn rác đô thị vào 2050
Liên Hợp Quốc ngày 28/2 vừa đưa ra cảnh báo khẩn cấp, đến năm 20250 thế giới có thể thải ra hơn 3,8 tỷ tấn vào năm 2050. Nếu “bi kịch” này xảy ra sẽ gây ra hậu quả vô cùng tàn khốc với nền kinh tế, con người và môi trường.
Báo cáo của UNEP với tựa đề “Vượt qua thời đại lãng phí: Biến rác thải thành tài nguyên”, Triển vọng quản lý chất thải toàn cầu 2024 (GWMO 2024), đã đưa ra cái nhìn tổng quan về lượng chất thải rắn đô thị, cách quản lý cùng tác động của việc quản lý rác thải đối với sức khỏe hành tinh và con người.
Theo Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP), tình trạng ô nhiễm sẽ ngày càng gia tăng, dự báo tốc độ tăng rác thải nhanh nhất ở các vùng hiện vẫn xử lý rác thải bằng cách đổ đống và đốt. Nếu không có hành động khẩn cấp, đến năm 2050, khối lượng rác thải toàn cầu có thể lên đến 3,8 tỷ tấn, vượt xa các mức dự báo trước đó.
Nghiên cứu của UNEP cũng cảnh báo “kịch bản” trên có thể kéo theo gánh nặng kinh tế cao gấp đôi, có thể lên đến 640 triệu USD vào năm 2050 (từ mức 361 triệu USD năm 2020).
Con số này cũng đã tính tới những những "chi phí ẩn" liên quan việc xử lý rác kém hiệu quả dẫn tới ô nhiễm, suy giảm sức khỏe và biến đổi Khí hậu.
Giám đốc điều hành UNEP Inger Andersen cho biết: “Việc tạo ra chất thải về bản chất gắn liền với GDP và nhiều nền kinh tế phát triển nhanh đang phải vật lộn với gánh nặng chất thải gia tăng”.
Những biện pháp bao gồm việc ngăn chặn rác thải phát sinh ngay từ đầu, cũng như các phương pháp tiêu hủy và xử lý tốt hơn có thể hạn chế chi phí ròng hằng năm vào năm 2050 xuống còn khoảng 270 tỷ USD.
Vấn đề rác thải có thể được xử lý tốt hơn bằng mô hình kinh tế tuần hoàn hơn, trong đó sự thịnh vượng không gắn liền với tình trạng gia tăng chất thải. Nếu thực hiện được điều này, lợi ích kinh tế ròng đạt hơn 100 tỷ USD mỗi năm.
Theo tác giả chính của báo cáo do UNEP và Hiệp hội rác thải rắn (ISWA) phối hợp thực hiện, được công bố tại Hội đồng Môi trường Liên hợp quốc diễn ra ở Nairobi, chuyên gia Zoe Lenkiewicz nhận định, cần chuyển đổi khẩn cấp sang cách tiếp cận không rác thải, cải thiện quy trình xử lý rác thải để tránh ô nhiễm nghiêm trọng, tránh thải khí gây hiệu ứng nhà kính và những tác động tiêu cực tới sức khỏe con người.
Các bãi chôn lấp rác thải trên thế giới là nguồn phát thải chính khí metan gây hiệu ứng nhà kính mạnh đồng thời việc vận chuyển và xử lý rác thải cũng tạo ra khí carbon dioxide khiến cho trái đất của chúng ta nóng dần lên.
Báo cáo của UNEP cũng chỉ rõ con đường dẫn tới nền kinh tế tuần hoàn và không rác thải là con đường duy nhất đưa ta tới tương lai an toàn, bền vững và giá cả phải chăng.
Tại Hội nghị thường niên Nhóm công tác Chương trình đối tác hành động quốc gia về nhựa (NPAP), ông Lê Ngọc Tuấn - Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cũng nhấn mạnh ô nhiễm nhựa đã trở thành một trong những vấn đề môi trường nghiêm trọng trên phạm vi toàn cầu cũng như ở Việt Nam.
Theo ông Tuấn, thực trạng trên đặt ra yêu cầu cấp bách đối với các quốc gia và Việt Nam, là cần phải tìm kiếm các giải pháp toàn diện và tổng thể để giải quyết thách thức, hướng tới mục tiêu vì một tương lai bền vững.
Trong đó, kinh tế tuần hoàn được coi là một trong những giải pháp để giải quyết vấn đề ô nhiễm nhựa, góp phần bảo tồn tài nguyên tự nhiên được khai thác, sử dụng phục vụ quá trình sản xuất sản phẩm nhựa.
Nhật Hạ