TP.HCM xử lý nghiêm công trình trái phép trên hành lang bảo vệ an toàn tuyến sông, kênh, rạch
Để công tác quản lý, khai thác các tuyến sông, kênh, rạch phát huy hiệu quả, UBND TP.HCM chỉ đạo các sở ngành và đơn vị liên quan tăng cường tuyên truyền, kiểm tra và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm hành lang bảo vệ an toàn các tuyến sông, kênh, rạch.
Theo đó, về công tác quản lý, UBND TP.HCM giao các sở, ban, ngành, UBND TP Thủ Đức và các quận, huyện tiếp tục tuyên truyền, vận động nhân dân không xây dựng, lấn chiếm, xả rác xuống các tuyến sông, kênh, rạch theo Chỉ thị số 19- CT/TU ngày 19/10/2018 của Thành ủy TPHCM về thực hiện cuộc vận động “Người dân TP.HCM không xả rác ra đường và kênh rạch, vì TP sạch và giảm ngập nước”.
Trong đó, UBND TP Thủ Đức và các quận, huyện tăng cường lực lượng cán bộ chuyên trách có chuyên môn phù hợp trong lĩnh vực quản lý sông, kênh, rạch, công trình hạ tầng kỹ thuật trên địa bàn, đảm bảo công tác thanh tra, xử lý vi phạm được phát hiện kịp thời, xử lý chấm dứt tình trạng sai phạm trong hoạt động xây dựng theo Chỉ thị số 23-CT/TU ngày 25/7/2019 của Thành ủy TP.HCM về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về trật tự xây dựng trên địa bàn TP.
Bên cạnh đó, Sở Xây dựng, Sở Giao thông Vận tải, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm san lấp, lấn chiếm, xây dựng nhà ở, công trình sai phép, không phép trong phạm vi hành lang bảo vệ an toàn các tuyến sông, kênh, rạch theo phân cấp quản lý.
Sở Giao thông Vận tải chủ trì, phối hợp với Sở, ngành, đơn vị và UBND TP Thủ Đức và các quận, huyện lập kế hoạch cải tạo và phát triển mạng lưới giao thông đường thủy nội địa trên địa bàn TP. Đồng thời, chủ trì, phối hợp với Sở, ngành, địa phương và các cơ quan, đơn vị liên khẩn trương tham mưu, trình UBND TP ban hành Quyết định sửa đổi, bổ sung Quyết định số 22/2017/QĐ-UBND ngày 18/4/2017 ban hành Quy định về quản lý, sử dụng hành lang trên bờ sông, suối, kênh rạch, mương và hồ công cộng thuộc địa bàn TP.
Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì phối hợp với Sở Xây dựng, Sở Giao thông Vận tải, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND TP Thủ Đức và các quận, huyện lập hành lang bảo vệ an toàn các tuyến sông, kênh, rạch trình UBND TP phê duyệt. Tổ chức xác định, cập nhật mốc hành lang bảo vệ an toàn các tuyến sông, kênh, rạch trên bản đồ địa chính để làm cơ sở cắm mốc tại thực địa.
Sở Quy hoạch - Kiến trúc chủ trì phối hợp với Sở, ngành, đơn vị liên quan, UBND TP Thủ Đức và các quận, huyện xây dựng, cập nhật kịp thời hành lang bảo vệ bờ sông, kênh, rạch vào trong đồ án quy hoạch, bản đồ quy hoạch xây dựng đô thị và công bố theo quy định.
UBND TP và các quận, huyện tăng cường kiểm tra, xử lý hoặc báo cáo đề nghị cấp có thẩm quyền xử lý kịp thời các hoạt động vi phạm trong phạm vi hành lang bảo vệ sông, kênh, rạch theo phân cấp quản lý.
Về công tác đầu tư, UBND TP.HCM giao Sở Xây dựng, Sở Giao thông Vận tải, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND TP Thủ Đức và các quận, huyện tiếp tục xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai các dự án duy tu, nạo vét khơi thông dòng chảy, xây dựng bờ kè chống sạt lở, kiên cố hóa các tuyến sông kênh rạch trên địa bàn TP theo chức năng, nhiệm vụ được giao.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục chủ trì phối hợp với UBND TP Thủ Đức và các quận, huyện tham mưu đề xuất các giải pháp công trình và phi công trình nhằm chủ động phòng, chống và khắc phục sạt lở bờ sông, kênh rạch trên địa bàn TP.
Thông tin đến báo chí về tình trạng lấn chiếm bờ sông, kênh, rạch tại TP.HCM, Kiến trúc sư Võ Kim Cương, nguyên Phó Kiến trúc sư trưởng TP.HCM cho rằng, trong quá trình đô thị hóa, các công trình dần dần che khuất các dòng sông, thậm chí do quá trình chiếm dụng đất hai bên sông làm cho nhiều đoạn sông không còn có thể tiếp cận đối với mọi người.
Ngoài nguy cơ bị xói lở theo quy luật tự nhiên của dòng chảy, dải đất dọc bờ sông còn có nguy cơ bị chiếm dụng và xây dựng tùy tiện.
Quỹ đất và mặt nước bị lãng phí, cảnh quan sông nước bị hủy hoại, môi trường bị ô nhiễm và cộng đồng dân cư thành phố mất cơ hội tiếp cận không gian rộng lớn tươi đẹp của sông nước.
Trong khi đó, PGS.TS Tôn Nữ Quỳnh Trân – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Đô thị và Phát triển (CEFURDS) cho rằng, những dự án công trình xây dựng lấn chiếm sai quy định hành làng bảo vệ sông Sài Gòn thì phải tháo dỡ và không đền bù. Những công trình dù đã cấp phép, nhưng để phục vụ cho việc làm đường và công trình công cộng thì cần phải giải tỏa có đền bù.
Ngoài ra, cũng cần phải xử lý và truy trách nhiệm cụ thể những cá nhân đã tham gia tiếp tay cho việc xây dựng tràn lan hai bờ sông hiện nay. Những người có trách nhiệm, có tâm và có tầm thì không ai lại để cho đôi bờ sông Sài Gòn phát triển một cách dị hợm như vậy.
"Phải xử lý nghiêm, kể cả những người đã về hưu để làm gương cho công tác quy hoạch các công trình sau này. Không thể làm theo tư duy nhiệm kỳ, cứ cấp phép và cho làm tràn lan chỉ vì lợi ích cá nhân hoặc lợi ích nhóm là không được.
Khi hết nhiệm kỳ về hưu thì để lại cái sản phẩm nhố nhăng như hai bên bờ sông Sài Gòn hiện nay. Nếu chúng ta không lấy lại hai bên bờ sông Sài Gòn cho toàn dân, thì sẽ có lỗi với thế hệ tương lai." - bà Trân nhấn mạnh.
Thanh Tùng