Thứ sáu, 22/11/2024 17:21 (GMT+7)
Thứ tư, 09/08/2023 07:00 (GMT+7)

TP.HCM: Dự án kè chống sạt lở vẫn ngổn ngang sau 17 năm

Theo dõi KTMT trên

Dù được UBND TP.HCM chấp thuận chủ trương từ năm 2006, thế nhưng đến nay nhiều đoạn kè chống sạt lở bán đảo Thanh Đa (quận Bình Thạnh) vẫn còn ngổn ngang, chưa hoàn thiện.

Dự án chống sạt lở bán đảo Thanh Đa (quận Bình Thạnh, TP.HCM) được UBND TP.HCM giao Sở Giao thông Vận tải (GTVT) nghiên cứu, đề xuất xây dựng từ năm 2003. Đến giữa năm 2006, dự án được chính quyền thành phố chấp thuận chủ trương đầu tư và là một trong những dự án trọng điểm và cấp bách của TP.HCM nhằm chống sạt lở trên kênh Thanh Đa và chống sạt lở trên sông Sài Gòn.

Dự án chống sạt lở bán đảo Thanh Đa được tách thành hai nhóm với tổng mức đầu tư hàng nghìn tỷ đồng. Trong đó, nhóm 1 chống sạt bờ kênh Thanh Đa (chiều dài hơn 2 km được triển khai trước), nhóm 2 là xây kè bên bờ sông Sài Gòn có quy mô lớn hơn, gồm ba đoạn (2, 3, 4), tổng chiều dài khoảng 9 km.

Đến cuối năm 2019 chỉ có nhóm 1 được xây dựng hoàn tất, đưa vào sử dụng và tạo được diện mạo mới cho khu vực này.

TP.HCM: Dự án kè chống sạt lở vẫn ngổn ngang sau 17 năm - Ảnh 1
Nhóm 1 chống sạt bờ kênh Thanh Đa hoàn thiện, phát huy được hiệu quả và cải thiện đáng kể cảnh quan khu vực.

Trong khi đó, nhóm 2 xây kè bên bờ sông Sài Gòn gồm các đoạn: Đoạn 2 (từ sông Sài Gòn đến khu vực khách sạn Sài Gòn Domine) với chiều dài khoảng 2,8 km; Đoạn 3 (Bình Quới, Cây Bàng, Rạch Chùa) dài 3,2 km; Đoạn 4 (sông Sài Gòn - Khu biệt thự Lý Hoàng đến Nhà thờ La San Mai Thôn) dài gần 2,8 km (trong đó hơn 1,3 km kè cũ và 1,4 km kè mới).

Đáng nói, dù được khởi công gần cả thập kỷ, nhưng đến nay vẫn những đoạn kè này ngổn ngang, chưa hoàn thiện. Những bãi vật liệu được tập kết để phục vụ xây dựng nay đã bị “phủ xanh” bởi cỏ cây, bờ sông trở nên nhếch nhác, mất mỹ quan và mất đi tính cấp thiết của dự án. Và nguyên nhân các dự án triển khai ì ạch được chủ đầu tư và các nhà thầu đưa ra là do công tác giải phóng mặt bằng gặp nhiều khó khăn.

Trước việc dự án xây kè sạt lở chậm tiến độ, khoảng cuối tháng 5 vừa qua, Sở Giao thông Vận tải TP.HCM đã phối hợp với Ban Giao thông và các cơ quan, đơn vị có liên quan tiến hành kiểm tra tiến độ thi công, công tác quản lý chất lượng đối với đoạn 2 và đoạn 4 thuộc nhóm 2 xây kè bên bờ sông Sài Gòn (nằm trong dự án chống sạt lở bán đảo Thanh Đa).

TP.HCM: Dự án kè chống sạt lở vẫn ngổn ngang sau 17 năm - Ảnh 2
Việc xây dựng kè chống sạt lở tại đoạn 4 (sông Sài Gòn - Khu biệt thự Lý Hoàng đến Nhà thờ La San Mai Thôn) dài gần 2,8 km vẫn im lìm sau gần chục năm khởi công.

Tại thời điểm kiểm tra, đoàn công tác nhận thấy trong phạm vi công trường 2 đoạn nêu trên chỉ có một số ít công nhân, máy đóng cọc và đang trong tình trạng dừng thi công. Đại diện Ban Giao thông TP.HCM, từ đầu năm 2023 đến nay, nhà thầu không triển khai thi công tất cả các hạng mục theo hợp đồng đã ký kết.

Sở Giao thông Vận tải cho biết, các đoạn công trình trên nằm tại các vị trí sạt lở đặc biệt nguy hiểm. Việc chậm triển khai thi công hoàn thành công trình đã gây ảnh hưởng đến mục tiêu phòng, chống sạt lở cấp bách cũng như bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản cho người dân và các công trình hạ tầng (đường giao thông, cột điện, ...) trong khu vực.

TP.HCM: Dự án kè chống sạt lở vẫn ngổn ngang sau 17 năm - Ảnh 3
Một đoạn kè tại đoạn 3 (Bình Quới, Cây Bàng, Rạch Chùa) đã được hoàn thiện nhưng cũng đang có dấu hiệu không đảm bảo chất lượng và xuống cấp nghiêm trọng.

Tại buổi kiểm tra, Sở Giao thông Vận tải đã đề nghị Ban Giao thông báo cáo nguyên nhân chậm tiến độ thi công. Đồng thời, phân định rõ trách nhiệm của các bên quan, đề xuất biện pháp xử lý đối với việc chậm tiến độ hoặc vi phạm các có liên điều khoản của hợp đồng xây dựng đã ký kết và theo quy định của pháp luật…

Đầu tháng 6/2023, Sở Giao thông Vận tải tiếp tục có văn bản gửi Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM, đề nghị đẩy nhanh tiến độ, tăng cường công tác quản lý chất lượng đối với công trình chống sạt lở bán đảo Thanh Đa - đoạn 2 và chống sạt lở bản đảo Thanh Đa - đoạn 4.

Trước tình trạng ì ạch của những đoạn kè chống sạt lở bán đảo Thanh Đa, mới đây, trả lời trên báo Tiền Phong, ông Lương Minh Phúc - Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM (Ban Giao thông) - chủ đầu tư dự án chống sạt lở bán đảo Thanh Đa (quận Bình Thạnh) cho biết, đơn vị đang thực hiện các thủ tục để ngưng hợp đồng với nhà thầu thi công đoạn 2 và đoạn 4 thuộc dự án.

TP.HCM: Dự án kè chống sạt lở vẫn ngổn ngang sau 17 năm - Ảnh 4
Đoạn 2 (từ sông Sài Gòn đến khu vực khách sạn Sài Gòn Domine) vẫn chưa hoàn thiện và tiềm ẩn nhiều nguy cơ sạt lở trong thời gian tới

Nguyên nhân do các nhà thầu trên thi công chậm trễ. Thời gian qua, chủ đầu tư đã nhiều lần đôn đốc nhà thầu thi công, tuy nhiên không có tiến triển.

“Thủ tục chấm dứt hợp đồng sẽ được triển khai trong tháng 7 và tháng 8 tới đây. Chúng tôi sẽ tổ chức đấu thầu, lựa chọn đơn vị đủ năng lực để tiếp tục triển khai dự án”- ông Phúc cho hay.

Trao đổi nhanh với Phóng viên Tạp chí Kinh tế Môi trường, PGS.TS Bùi Thị An (Viện trưởng Viện Tài nguyên, Môi trường và Phát triển cộng đồng; Chủ tịch Hội Nữ trí thức Hà Nội) cho rằng, những dữ án trọng điểm như bờ kè chống sạt có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Bởi việc sạt lở sẽ ảnh hưởng nặng nề đến kinh tế, đe dọa nghiêm trọng đến tính mạng, tài sản của người dân.

Do đó, trong trường hợp các dự án bị chậm tiến độ thì cần làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm (trong đó có trách nhiệm của nhà thầu, của cơ quan quản lý nhà nước). "Khi đã làm rõ cần xử lý cho đến nơi đến chốn và những dự án cần lập tức tái khởi động, đẩy nhanh tiến độ và có lộ trình, thời hạn rõ ràng" - PGS.TS Bùi Thị An nhấn mạnh. 

Nhóm xây kè bên bờ sông Sài Gòn (thuộc dự án chống sạt lở bán đảo Thanh Đa) gồm ba đoạn (2, 3, 4), tổng chiều dài khoảng 9 km. Trong đó, đoạn 2 (từ sông Sài Gòn đến khu vực khách sạn Sài Gòn Domine) có tổng chiều dài gần 2,8 km; đoạn 3 (Bình Quới, Cây Bàng, Rạch Chùa) có chiều dài hơn 3,2 km; đoạn 4 (sông Sài Gòn - Khu biệt thự Lý Hoàng đến Nhà thờ La San Mai Thôn) với tổng chiều dài tuyến kè gần 2,8 km.

Cụ thể, đoạn 2 được chia thành hai gói thầu: Gói thầu Xây dựng công trình phần dưới nước (thảm đá) có tổng chi phí hơn 76 tỷ đồng. Đơn vị trúng thầu là liên doanh Công ty Cổ phần Anh Vinh (Công ty Anh Vinh) và Công ty Cổ phần Xây dựng đê kè và Phát triển Nông thôn Hải Dương (Công ty Hải Dương) và được khởi công vào tháng 8/2014.

Gói còn lại là gói thầu xây dựng công trình phần trên cạn (thân kè và đỉnh kè) có tổng giá trị xây lắp hơn 204 tỷ đồng khởi công vào tháng 6/2018.

Tiếp đó, đoạn 3 được chia làm 4 gói thầu. Trong đó, gói thầu số 9 với tổng chiều dài 607m có chi phí hơn 74 tỷ đồng, do liên doanh Công ty CP Xây dựng vận tải & Đầu tư xây dựng nhà Hải Đăng và Công ty CP Xây dựng du lịch thương mại Hải Nam trúng thầu.

Gói thầu số 10 với tổng chiều dài 781 m2, có giá trị hơn 104 tỷ đồng. Đơn vị trúng thầu là liên doanh Công ty CP Xây lắp Thủy sản II và Công ty CP Công trình giao thông Sài Gòn.

Gói thầu số 11 với tổng chiều dài 852m, có giá trị hơn 119 tỷ đồng. Đơn vị trúng thầu cũng là Công ty Anh Vinh và Công ty TNHH Thành Hưng. Còn lại 1 gói thầu số 8 chưa rõ đơn vị trúng thầu.

Tại đoạn 4 với gần 2,8 km cũng được chia làm 4 gói thầu. Trong đó, gói thầu xây dựng phần dưới nước có tổng chi phí hơn 104 tỷ đồng (đơn vị trúng thầu là Công ty Hải Dương), được khởi công từ năm 2014.

Còn gói thầu xây dựng công trình phần thân trên cạn có tổng giá trị gần 177 tỷ đồng (đơn vị trúng thầu là liên doanh Công ty Anh Vinh, Công ty TNHH Thành Hưng, Công ty TNHH TM&XD Vũ Bách) và được khởi công từ năm 2018.

Tuy nhiên, đến nay cả ba đoạn 2, 3, 4 nằm trong nhóm xây kè bên bờ sông Sài Gòn vẫn chưa hoàn thiện, nhiều đoạn thi công ngồn ngang, vật liệu thi công chất đống và xuống cấp trầm trọng.

Thanh Tùng

Bạn đang đọc bài viết TP.HCM: Dự án kè chống sạt lở vẫn ngổn ngang sau 17 năm. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Dù đã đón nhiều đợt không khí lạnh nhưng miền Bắc vẫn nóng
Dù đã đón nhiều đợt không khí lạnh nhưng miền Bắc vẫn nóng, người dân chưa cảm nhận được cái lạnh. Do đợt không khí lạnh này về rất khô, trời ít mây và có nắng nên nhiệt độ thấp nhất thường rơi vào đêm và sáng sớm, ban ngày ít cảm nhận được lạnh.

Tin mới