Thứ sáu, 06/12/2024 05:10 (GMT+7)
Thứ năm, 12/05/2022 07:00 (GMT+7)

HĐND TP.HCM đề nghị hủy bỏ dự án chậm tiến độ

Theo dõi KTMT trên

Chủ tịch HĐNDTP.HCM cho rằng, trong quá trình thực hiện Nghị quyết 54/2017/QH14 của Quốc hội, UBND Thành phố chưa kiên quyết trong việc ra quyết định điều chỉnh, hủy bỏ các dự án không thực hiện ra khỏi kế hoạch sử dụng đất hàng năm theo Luật Đất đai.

Tồn tại nhiều hạn chế

Ngày 10/5, tại cuộc họp giám sát tình hình thực hiện Nghị quyết 54/2017/QH14 của Quốc hội về cơ chế, chính sách đặc thù thí điểm phát triển TP.HCM, bà Nguyễn Thị Lệ - Chủ tịch HĐND TP.HCM cho biết, hơn 4 năm triển khai thực hiện Nghị quyết, bên cạnh những kết quả đã đạt được thì vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập. Trong đó, một số nội dung triển khai còn chậm so với kế hoạch dự kiến, cơ chế, chính sách đặc thù chưa phát huy, triển khai đầy đủ, kịp thời như mong đợi.

Cụ thể, trong lĩnh vực quản lý đất đai, mặc dù đã rút ngắn được thời gian lập hồ sơ xin ý kiến các Bộ trước khi trình Thủ tướng nhưng các quy trình, thủ tục tiếp theo còn chậm, có 31/32 dự án đều chưa hoàn thành tiến độ thực hiện, 1 dự án đã trình HĐND Thành phố hủy bỏ danh mục thu hồi đất.

HĐND TP.HCM đề nghị hủy bỏ dự án chậm tiến độ - Ảnh 1
Một dự án chậm tiến độ trên địa bàn TP.HCM.

Trong quá trình thực hiện Nghị quyết, UBND TP. HCM chưa kiên quyết trong việc ra quyết định điều chỉnh, hủy bỏ các dự án không thực hiện ra khỏi kế hoạch sử dụng đất hàng năm theo Luật Đất đai. Do đó, Chủ tịch HĐND TP.HCM đề nghị UBND Thành phố cần quan tâm rà soát để thực hiện các dự án đầy đủ.

Đồng thời, bà Lệ đề nghị UBND TP.HCM rà soát lại tình hình thực hiện của từng dự án có thu hồi đất lúa trên 10 ha, xem xét tính khả thi, tính cần thiết tiếp tục thực hiện để đẩy nhanh tiến độ hoặc trình HĐND Thành phố hủy bỏ danh mục nhằm đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của người dân.

Dự án nào không thực hiện phải trả lại đất

Trước đó, tại buổi thảo luận trong kỳ họp thứ 2 Quốc hội khoá XV diễn ra hồi cuối năm 2021, bà Lệ đã chia sẻ, Nghị quyết 54/2017/QH14 giúp TP.HCM chủ động quyết định chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa từ 10 ha trở lên phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trồng lúa đã được cấp có thẩm quyền quyết định, chuyển được 5 dự án đối với các dự án nhóm A sử dụng ngân sách Thành phố, ban hành mức phu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp, một năm thu 48.230 tỉ đồng thay vì trước đây là 8 tỉ đồng/năm.

UBND quận, huyện được thực hiện 28 nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch UBND TP.HCM trên các lĩnh vực kinh tế, ngân sách, dự án, giao thông, văn hoá, xã hội, khoa học và nội vụ. Đặc biệt, chính sách thu nhập tăng thêm đối với cán bộ, công chức, viên chức cũng đã tạo không khí làm việc tốt hơn, phần nào giữ được nhân tài cho Thành phố.

Tuy nhiên, theo bà Lệ, quá trình triển khai Nghị quyết 54/2017/QH14, TP.HCM đã gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, cũng như chịu ảnh hưởng của dịch bệnh. Do đó TP.HCM chưa được thụ hưởng chính sách như việc cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước còn chậm do chưa có hướng dẫn thống nhất giữa các bộ, ngành Trung ương; Thiếu hợp tác để bán các tài sản công của các cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn nhằm tạo nguồn lực cho Thành phố hưởng 50% giá trị tài sản bán được.

Vấn đề thu hồi các dự án chậm tiến độ trong nhiều năm được đông đảo cử tri và người dân TP.HCM quan tâm và thể hiện sự bức xúc. Đầu năm 2018, Sở TN&MT TP.HCM cũng đã phối hợp với nhiều quận, huyện trên địa bàn tiến hành thu hồi các dự án chậm triển khai trong thời gian dài như: Thu hồi khu đất 23 ha xã Phước Kiển; khu đất 89,61 ha xã Nhơn Đức và Phước Lộc; Thu hồi 263,9 ha tại phường Long Trường, Trường Thạnh, Phú Hữu (Q.9)… 

Theo số liệu thống kê, của Sở TN&MT TP.HCM tính đến đầu năm 2018 toàn thành phố hiện có 500 dự án chậm triển khai. Trong đó, huyện Nhà Bè là “điểm đen” về tình trạng chủ đầu tư “ôm” đất dự án hàng chục năm nhưng không thực hiện, có nhiều dự án chủ đầu tư không huy động được vốn để triển khai nên sang hết người này qua người khác.

Ngoài ra, nhiều dự án có quy mô lớn nằm tại nhiều địa phương khác sau nhiều năm vẫn không thể triển khai như: Dự án 144 ha tại quận Thủ Đức; Dự án khu đô thị mới Bình Quới - Thanh Đa rộng hơn 426 ha (quận Bình Thạnh); Dự án Khu đô thị Đại học quốc tế rộng 900 ha (xã Tân Thới Nhì, huyện Hóc Môn); Khu Trung tâm dân cư Tân Tạo và Khu công nghiệp Lê Minh Xuân mở rộng quy mô gần 500 ha.

Để xóa bỏ tận gốc các dự án chậm triển khai, nhiều chuyên gia đô thị đề xuất: Những dự án nào mà chủ đầu tư làm không được như cam kết thì cho thời hạn từ 3 - 6 tháng để kêu gọi đầu tư, nếu như không kêu gọi được thì phải xóa, trả lại đất cho người dân xây dựng theo quy hoạch, không thể để xảy ra tình trạng người dân tự phân lô, xây dựng tự phát.

Ngày 24/11/2017, tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV đã thông qua Nghị quyết số 54/2017/QH14 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM. Nghị quyết xác định 8 đối tượng áp dụng là: Các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, các tổ chức, cá nhân có liên quan.

Nghị quyết xác định 5 lĩnh vực điều chỉnh như sau: Thẩm quyền quản lý đất đai; Thẩm quyền quản lý đầu tư; Thẩm quyền quản lý tài chính - ngân sách nhà nước; Cơ chế ủy quyền; Thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức thuộc Thành phố quản lý.

Với 18 nội dung thuộc 5 lĩnh vực, Nghị quyết được đánh giá là một quyết sách quốc gia đột phá, đồng bộ, kịp thời, phù hợp với tình hình phát triển của Thành phố. Nghị quyết giúp TP.HCM vừa phát huy tốt hơn các lợi thế tự nhiên của mình trong quá trình phát triển, vừa phát huy tốt nhất các nguồn lực trong nhân dân, trong hệ thống chính trị và các nhà đầu tư, đối tác quốc tế và người Việt Nam ở nước ngoài …

Thanh Tùng

Bạn đang đọc bài viết HĐND TP.HCM đề nghị hủy bỏ dự án chậm tiến độ. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới