Bà Rịa-Vũng Tàu: Dự án Khang Gia Hân chậm tiến độ nhiều năm vẫn kiến nghị gia hạn
Dự án Khang Gia Hân ở Bà Rịa - Vũng Tàu dừng triển khai từ năm 2014, nay lại đang kiến nghị được chuyển tiếp chấp thuận chủ trương đầu tư. Tuy nhiên, việc tiếp tục chấp thuận cho chủ đầu tư triển khai dự án này cần được xem xét kỹ lưỡng.
Ngày 9/5/2022, ông Nguyễn Văn Thọ - Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã ký văn bản gửi Sở Xây dựng, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), UBND TP. Vũng Tàu về việc kiến nghị chuyển tiếp chấp thuận chủ trương đầu tư giai đoạn 1 Tổ hợp dịch vụ và nhà ở Khang Gia Hân (dự án Khang Gia Hân) tại Đại lộ 51B, phường 11, TP. Vũng Tàu.
Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu giao Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan rà soát, xác định thủ tục dành quỹ đất để đầu tư nhà ở xã hội tại dự án; thực trạng dự án; quá trình triển khai các thủ tục đầu tư của dự án; đối chiếu với quy định pháp luật về quá trình triển khai thủ tục đầu tư tại thời điểm hình thành dự án để xác định rõ dự án có được chuyển tiếp không.
Trong trường hợp có khó khăn, vướng mắc thì xin ý kiến hướng dẫn của Bộ, ngành Trung ương; Đề xuất phương án xử lý dứt điểm, báo cáo UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu trong tháng 5/2022.
Nhiều khách hàng đóng tiền không được làm nhà
Được biết, dự án Khang Gia Hân do Công ty Cổ phần Đầu tư Khang Gia Hân - thành viên của Công ty Địa ốc Khang Linh, làm chủ đầu tư. Dự án này được khởi công dây dựng vào giữa tháng 12/2012 và có tên thương mại là Khang Gia Hân Residence.
Dự án Khang Gia Hân được xây dựng trên diện tích đất rộng hơn 7ha; phía Tây Bắc giáp trục đường quốc lộ 51B với 2 dự án lớn là Khu đô thị trung tâm Metropolitan Vũng Tàu và Trung tâm Hành chính - Chính trị TP. Vũng Tàu, Đông Nam giáp đường Cống Hộp, Tây Nam giáp đường Hàng Điều, Đông Bắc giáp Siêu thị Metro hiện hữu và đường quy hoạch 25m.
Dự án này bao gồm các hạng mục chính như 327 lô nhà liên kế (diện tích từ 60 - 90 m2), khu thương mại dịch vụ, cao ốc văn phòng, chung cư trung tầng. Ngoài ra, tại dự án này, đất xây dựng công trình chiếm 50%, đất cây xanh 7,7%, đất công trình công cộng xã hội, giao thông và bãi đậu xe chiếm 41%.
Thời điểm đó, chủ đầu tư dự kiến phần hạ tầng kỹ thuật của dự án sẽ hoàn thành trong 10 tháng sau khi khởi công. Nhiều khách hàng cũng đã tin tưởng bỏ tiền mua đất nền tại dự án từ năm 2012 dưới dạng góp vốn đầu tư với Công ty Cổ phần Đầu tư Khang Gia Hân. Qua hai đợt đóng tiền, tất cả đều đóng tiền góp vốn của khách hàng từ 90 - 97% giá trị sản phẩm, có hóa đơn của công ty.
Tuy nhiên, kể từ tháng 2/2014, khi bà Ngô Thị Minh Phượng (55 tuổi), Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Địa ốc An Khang, Công ty Địa ốc Khang Linh, bị C48- Bộ Công an khởi tố bắt tạm giam để điều tra về hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản liên quan đến dự án Khu đô thị trung tâm Metropolitan Vũng Tàu thì việc xây dựng dự án Khang Gia Hân cũng bị tạm ngưng.
Công ty Cổ phần Đầu tư Khang Gia Hân có sàn giao dịch bất động sản Khang Gia Hân, là thành viên của Công ty Địa ốc Khang Linh do các thành viên trong gia đình bà Ngô Thị Minh Phượng lập và lãnh đạo.
Gia hạn hay thu hồi dự án?
Tổ hợp dịch vụ và nhà ở Khang Gia Hân không phải là dự án duy nhất "ôm đất" dài cả chục năm trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu mà còn có nhiều dự án khác cũng đang chậm tiến độ, dừng thi công như: KDL Trung Sơn - Hồ Tràm; KĐT Chí Linh; KDL núi Lớn - núi Nhỏ; KĐT Châu Đức; KĐT Phước Thắng, KĐT mới Bắc Vũng Tàu, KDL Vũng Tàu Allgreen, KDL nghỉ mát giải trí đa năng Gài Gòn Atlantis Hotel...
Đầu năm 2022, Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Chỉ thị số 01/CT-TTg về việc đôn đốc, thực hiện nhiệm vụ sau kỳ nghỉ Tết. Trong đó, Thủ tướng chỉ đạo Bộ TN&MT đôn đốc các địa phương rà soát, báo cáo thực trạng các dự án có sử dụng đất nhưng chậm triển khai, để hoang hóa, sử dụng sai mục đích, lãng phí đất đai.
Trường hợp có phát sinh vướng mắc hoặc vượt thẩm quyền, Bộ TN&MT báo cáo đề xuất Thủ tướng Chính phủ phương án xử lý, đưa quỹ đất vào sử dụng hiệu quả, giải phóng nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội.
Ngày 31/12/2021, tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2021 và triển khai nhiệm vụ năm 2022 của ngành TN&MT, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành nhận xét, hiện nay số lượng dự án tồn đọng cần xử lý ở các địa phương rất lớn. Các dự án treo, dự án sử dụng đất sai mục đích còn nhiều, trong đó nhiều dự án chiếm vị trí đất lợi thế, đắc địa nhưng hiện nay chưa tháo gỡ được.
Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đề nghị, trong năm 2022 Bộ TN&MT rà soát kỹ, phân nhóm dự án chậm tiến độ để có phương án xử lý dứt điểm. “Dự án vi phạm pháp luật thì xử lý nghiêm minh đúng quy định, tránh tình trạng vụ việc kéo dài, khắc phục không được, khiến hàng ngàn ha đất ở các khu đô thị để chờ hàng chục năm, lãng phí rất lớn. Tôi cho rằng đây là nhiệm vụ mà ngành TN&MT cần tham mưu xử lý để sớm đưa nguồn lực lớn này vào phục vụ phát triển”, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành yêu cầu.
Theo quy định của Luật Đất đai, nếu dự án quá 1 năm không sử dụng đất hoặc chậm tiến độ quá 24 tháng theo tiến độ được duyệt thì sẽ bị thu hồi.
Tại mục 5 Điều II QĐ số 6561/QĐ-UB của UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu ngày 15/7/2003 quy định: "Nghiêm cấm việc chuyển nhượng dự án trong quá trình triển khai công tác đầu tư và xây dựng. Trong trường hợp chủ đầu tư không thể tiếp tục đầu tư được theo kế hoạch đã cam kết trong tờ trình xin thuê đất, phải giao trả đất lại cho tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu để UBND tỉnh xem xét cho đơn vị khác có nhu cầu thuê, đủ năng lực và tiếp tục triển khai dự án theo đúng kế hoạch và quy hoạch được phê duyệt".
Tuy nhiên, trên thực tế, số dự án thu hồi được rất ít, việc chậm đưa đất vào sử dụng, không bảo đảm tiến độ dự án hay chậm nghĩa vụ tài chính với Nhà nước... đang gây ra nhiều hậu quả đối với kinh tế - xã hội.
Khánh Ngọc