TP HCM: Rà soát việc thực hiện các công trình, dự án chống ngập
Mới đây, UBND TP HCM đã có văn bản chỉ đạo triển khai kế hoạch năm 2023 thực hiện Chương trình chống ngập và xử lý nước thải TPHCM giai đoạn 2021-2025.
Theo đó, Sở Kế hoạch và Đầu tư được giao chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính và các đơn vị, địa phương liên quan rà soát sự cần thiết, cấp bách và khả năng cân đối vốn phù hợp của thành phố để bố trí vốn thực hiện các dự án theo kiến nghị của Sở Xây dựng; tham mưu, đề xuất trình UBND thành phố xem xét giải quyết.
UBND TP. Thủ Đức và các quận, huyện tập trung triển khai Kế hoạch thực hiện các công trình, các dự án giải quyết ngập tại các tuyến đường thuộc địa bàn quản lý; kịp thời báo cáo vướng mắc, đề xuất giải pháp thực hiện để đẩy nhanh tiến độ theo yêu cầu. Triển khai ứng dụng Công cụ cảnh báo ngập trực tuyến và hỗ trợ ra quyết định (FEDS) do Sở Xây dựng và Ngân hàng Thế giới đã triển khai, đảm bảo dữ liệu quản lý ngập được cập nhật lên hệ thống tức thời, chính xác và hiệu quả.
Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với các sở ban ngành có liên quan, UBND TP Thủ Đức và các quận-huyện tiếp tục triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao; phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ trong năm 2023…
UBND TP đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP. HCM, Liên đoàn Lao động TP. HCM, Thành Đoàn TP. HCM và các đoàn thể chính trị - xã hội tiếp tục đẩy mạnh trong công tác tuyên truyền vận động hội viên và nhân dân tích cực hưởng ứng cuộc vận động “Người dân TP. HCM không xả rác ra đường và kênh rạch, vì Thành phố sạch, xanh và thân thiện môi trường”, góp phần hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ của Chương trình Chống ngập và xử lý nước thải TP giai đoạn 2021 – 2025.
Trước đó, theo báo cáo của Sở xây dựng TP. HCM đã có báo cáo kết quả 2 năm thực hiện Chương trình chống ngập và xử lý nước thải giai đoạn 2021 – 2025. Theo đó, trong 2 năm 2021, 2022, đối với tuyến đường ngập do mưa, TPHCM đã giải quyết được 5/18 tuyến đường (Tân Qúy, Trương Công Định, Ba Vân, Bàu Cát - quận Tân Bình, Nguyễn Hữu Cảnh - quận Bình Thạnh); tiếp tục thực hiện các dự án để giải quyết các tuyến ngập còn lại.
Đối với tuyến đường ngập do triều, TP. HCM đã giải quyết ngập 7 tuyến đường trục chính. Hiện nay, TP đang triển khai thực hiện các dự án giải quyết ngập do triều cho khu vực TP. HCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn 1) khối lượng đạt 93,33%. Dự án Bờ tả sông Sài Gòn (đoạn còn lại từ rạch Cầu Ngang đến Khu Đô thị mới Thủ Thiêm) khối lượng đạt 95%.
Về xây dựng nhà máy xử lý nước thải, TP. HCM hoàn thành và bàn giao đưa vào sử dụng nhà máy xử lý nước thải Bình Hưng (giai đoạn 2) từ công suất 141.000m3/ngày lên 469.000m3/ngày. Thi công các hạng mục công trình của Nhà máy xử lý nước thải Nhiêu Lộc - Thị Nghè giai đoạn 2.
Sở Xây dựng cũng cho biết, trong năm 2023, TP. HCM sẽ phấn đấu hoàn thành công tác điều chỉnh chủ trương đầu tư đối với công trình “Cải tạo hệ thống thoát nước đường Thảo Điền - Quốc Hương - Xuân Thủy - Nguyễn Văn Hưởng (khu dân cư Thảo Điền). Bổ sung danh mục vào trung hạn 2021 - 2025 và vốn 2023 đối với công trình “Cải tạo hệ thống thoát nước đường Nguyễn Văn Khối, Lê Văn Thọ, quận Gò Vấp”. Hoàn thành công tác chuẩn bị đầu tư và bổ sung vào danh mục trung hạn 2021 - 2025, giao vốn 2023 cho 7 công trình còn lại để giải quyết các điểm ngập còn lại.
Riêng vấn đề giải quyết ngập do triều, TP. HCM tái khởi động để thi công hoàn thành và bàn giao đưa vào sử dụng đối với dự án Giải quyết ngập do triều có xét đến biến đổi khí hậu (giai đoạn 1) để chống ngập triều khu vực bờ hữu sông Sài Gòn, giải quyết 5 tuyến trục chính ngập triều gồm: Huỳnh Tấn Phát, Trần Xuân Soạn (Quận 7), Lê Văn Lương, Đào Sư Tích (Nhà Bè) và Quốc lộ 50 (Bình Chánh). Hoàn thành và bàn giao đưa vào sử dụng Dự án Bờ tả sông Sài Gòn giải quyết ngập triều trên tuyến đường Nguyễn Văn Hưởng.
Thanh Tùng