Thứ bảy, 23/11/2024 05:10 (GMT+7)
Thứ năm, 26/08/2021 16:15 (GMT+7)

TP.HCM huy động 41.000 tỉ đồng, đầu tư loạt nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt đến 2030

Theo dõi KTMT trên

TP.HCM sẽ triển khai 5 nhóm giải pháp bảo vệ môi trường, hướng mục tiêu phát triển bền vững đến 2030. Trong đó có việc huy động 41.000 tỉ đồng cho các nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt đô thị.

Sau khi triển khai Chương trình giảm ô nhiễm môi trường giai đoạn 2016 - 2020, TP.HCM đã hoàn thành mục tiêu 100% khu công nghiệp, cụm công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải tập trung và hệ thống quan trắc nước thải tự động có đường truyền dữ liệu về cơ quan quản lý Nhà nước trong lĩnh vực môi trường; 100% tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt, chất thải nguy hại, chất thải rắn y tế được lưu giữ, thu gom, vận chuyển, xử lý, tái chế, tái sử dụng đảm bảo tiêu chuẩn môi trường; 100% số bãi chôn lấp chất thải đáp ứng yêu cầu kỹ thuật và hợp vệ sinh; 100% hộ dân thành phố được sử dụng nước sạch…

TP.HCM huy động 41.000 tỉ đồng, đầu tư loạt nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt đến 2030 - Ảnh 1
UBND TP.HCM đã ban hành Chương trình giảm ô nhiễm môi trường giai đoạn 2021 - 2030. (Ảnh minh hoạ)

Để tiếp tục đẩy mạnh công tác bảo vệ môi trường, UBND TP.HCM đã ban hành Chương trình giảm ô nhiễm môi trường giai đoạn 2021 - 2030. Mục tiêu của Chương trình nhằm phát huy kết quả tích cực đạt được trong việc triển khai giảm ô nhiễm môi trường các giai đoạn từ 2011 - 2020; tiếp tục tập trung các giải pháp ngăn chặn được xu hướng tái ô nhiễm môi trường, từng bước cải thiện chất lượng môi trường thành phố, thích ứng với biến đổi khí hậu và hướng tới đạt được các mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030.

UBND TP.HCM đã đề ra 5 nhóm giải pháp thực hiện Chương trình giảm ô nhiễm môi trường giai đoạn 2021 - 2030. Trong đó:

Nhóm giải pháp thứ nhất, Thành phố sẽ tăng cường vai trò của truyền thông trong bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Nhóm giải pháp thứ hai, hoàn thiện cơ chế, chính sách để thu hút các ngành nghề đầu tư trong lĩnh vực môi trường; đảm bảo sự tiếp cận thuận lợi, bình đẳng của các nhà đầu tư trong nghiên cứu và phát triển công nghệ thân thiện môi trường; củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy và đội ngũ cán bộ lãnh đạo quản lý, đào tạo nguồn nhân lực đảm bảo thực hiện hiệu quả mục tiêu đề ra.

Nhóm giải pháp thứ ba tập trung vào nâng cao năng lực quản lý, phát triển nguồn nhân lực, hiện đại hóa cơ sở vật chất, tăng cường kiểm tra, kiểm soát thực hiện công tác quản lý, sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu.

Nhóm giải pháp thứ tư, TP.HCM sẽ đẩy mạnh đầu tư công nghệ cao, khuyến khích việc sử dụng công nghệ, thiết bị tiên tiến trong sản xuất, kinh doanh, giảm thiểu chất thải, kiểm soát và xử lý triệt để ô nhiễm, kết hợp xử lý chất thải tạo năng lượng, bảo vệ và cải thiện chất lượng môi trường sinh thái. Tập trung các giải pháp công trình để phục vụ công tác giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Đối với nhóm giải pháp này, trọng tâm từ nay đến năm 2025, TP.HCM sẽ huy động trên 41.000 tỉ đồng để đầu tư hàng loạt nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt đô thị nhằm nâng tỉ lệ xử lý nước thải sinh hoạt lên 58% vào năm 2025 và 88,3% vào năm 2030.

Nhóm giải pháp thứ năm, Thành phố sẽ tăng cường liên kết, hợp tác với các tỉnh, thành phố trong vùng, các vùng lân cận và quốc tế trong quản lý, giải quyết các vấn đề tài nguyên, môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Một số mục tiêu Chương trình giảm ô nhiễm môi trường đến năm 2030

- 100 % cơ sở sản xuất kinh doanh dịch vụ nằm ngoài khu công nghiệp có xử lý nước thải đạt quy chuẩn.

- 100% nước thải bệnh viện, chất thải y tế được xử lý.

- 100% doanh nghiệp sản xuất có xử lý khí thải đạt quy chuẩn.

- Tỉ lệ xử lý rác thải sinh hoạt bằng công nghệ đốt phát điện và tái chế đến năm 2025 đạt 80% , đến năm 2030 đạt 100%.

- Tỉ lệ nước thải đô thị được thu gom, xử lý tập trung đến năm 2025 đạt 58%, đến năm 2030 đạt hướng tới 88,3%.

- Giảm 90% ô nhiễm không khí tăng thêm do hoạt động giao thông vận tải.

- 100% hộ gia đình trên địa bàn thành phố được tiếp cận thông tin về bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu; 90% học sinh, sinh viên, công chức, người dân thành phố áp dụng những hành vi bảo vệ môi trường trong sinh hoạt hàng ngày...

Minh Dương (T/h)

Bạn đang đọc bài viết TP.HCM huy động 41.000 tỉ đồng, đầu tư loạt nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt đến 2030. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Dự kiến có 6 Tiêu chuẩn quốc gia về môi trường
Bộ Tài nguyên và Môi trường đang lấy ý kiến góp ý cho dự thảo 6 Tiêu chuẩn quốc gia về môi trường, bao gồm các phương pháp quan trắc, phân tích môi trường không khí, nước, đất và trầm tích...

Tin mới