TP.HCM thanh tra hàng loạt dự án bất động sản lách luật, huy động vốn trái phép
Sau khi hàng loạt dự án bị phản ánh có dấu hiệu huy động vốn trái phép, Phó Chủ tịch TP.HCM Lê Hòa Bình đã chỉ đạo thanh tra để đảm bảo quyền lợi khách hàng.
Hàng loạt dự án huy động vốn trái phép
Tại TP.HCM, thời gian qua nhiều dự án chưa đủ điều mở bán nhưng lại nhận đặt tiền cọc của khách hàng. Việc huy động vốn này thường núp dưới dạng “hợp đồng đặt cọc giữ chỗ”, “hợp đồng góp vốn”, “đặt cọc ưu tiên”… có khi lên đến 20-30% giá trị căn hộ. Trên thực tế, không ít trường hợp chủ đầu tư đã chiếm dụng vốn của người mua, thậm chí lừa đảo, chiếm đoạt khoản tiền đặt cọc.
Theo quy định của pháp luật, đối với bất động sản hình thành trong tương lai, chủ đầu tư chỉ được huy động vốn khi đã hoàn thành xong phần hạ tầng và phải có văn bản của cơ quan có thẩm quyền về việc đủ điều kiện để bán. Tuy nhiên, nhiều dự án chưa đủ điều mở bán nhưng lại nhận đặt tiền cọc của khách hàng.
Đáng chú ý là dự án Khu cao ốc căn hộ xã Nhơn Đức, huyện Nhà Bè (tên thương mại là La Partenza) được UBND TP.HCM chấp thuận cho Công ty TNHH Giao Hưởng Xanh (do Khải Hoàn Land sở hữu 100% vốn điều lệ) làm chủ đầu tư theo Quyết định số 1530/QĐ-UBND ngày 7/4/2015.
Dù được cấp phép đã lâu, nhưng doanh nghiệp này đã không triển khai thực hiện dự án. Khải Hoàn Land đã chuyển nhượng vốn cho nhà đầu tư cá nhân, rồi “án binh bất động” suốt nhiều năm qua.
Năm 2019, khi dự án vẫn trên giấy, Khải Hoàn Land bắt đầu tiến hành nhận “giữ chỗ thiện chí” đối với dự án La Partenza. Tuy nhiên, pháp lý của dự án vẫn còn đang là dấu hỏi lớn. Dự án La partenza đến nay, vẫn chưa được định giá đất để thu tiền sử dụng đất, vì còn “vướng” đất công và chưa được cấp giấy phép xây dựng.
Năm 2020, Công ty Bất động sản Khải Minh Land, trực thuộc Khải Hoàn Land tiếp tục mở bán khi dự án vẫn còn là bãi đất trống. Mặc dù chưa có giấy phép xây dựng, Sở Xây dựng TP.HCM ra văn bản dự án chưa đủ điều kiện huy động vốn nhưng công ty này vẫn bán hết toà nhà Alba và hai tòa nhà còn lại đã bán được khoảng 60%.
Trong khi các cơ quan chức năng cảnh báo chủ đầu tư Khải Hoàn Land huy động vốn trái phép, thì rủi ro của La Partenza là rất lớn. Khách hàng đã xuống tiền “giữ chỗ thiện chí” vì giá hợp lý, nhưng nếu chủ đầu tư không có năng lực hoàn thiện dự án thì khách hàng sẽ vướng vào kiện cáo, tranh chấp kéo dài.
Một dự án khác tại quận 6, do Công ty Bất động sản Minh Anh làm chủ đầu tư, có tên gọi là D-Homme còn đang xin chấp thuận chủ trương đầu tư. Thế nhưng, công ty đã vượt mặt cơ quan chức năng tung ra hợp đồng “thoả thuận quyền chọn” rồi thu tiền từ khách hàng.
Còn tại quận 8, dự án D-Aqua toạ lạc trên khu đất chưa giải phóng mặt bằng được Công ty TNHH MTV Cảng sông TP.HCM bán đấu giá cho bà Đàm Kim Phụng, thông qua thẩm định giá từ Sở Tài chính. Dự án D - Aqua còn nằm trên giấy, chưa được phê duyệt, điều chỉnh qui hoạch, nhưng đã được làm nhà mẫu, môi giới tư vấn nhận tiền đặt chỗ từ khách hàng.
Tại TP.Thủ Đức, dự án The 9 Stellars đang mở bán rầm rộ giai đoạn 1, có giá rất cao khoảng 46 triệu đồng/1m, còn giá đất Villa là 230 triệu/m2. Dự án đang quảng cáo những lời “có cánh” để thu hút khách hàng đặt cọc giữ chỗ, nhưng rui ro về mặt pháp lý thì rất lớn. Bởi hiện trạng thực tế chỉ là bãi đất trống được quây tôn.
Còn dự án Ascent Plaza, quận Bình Thạnh cũng đã rao bán căn hộ vào năm 2019 khi chưa có chủ trương chấp thuận đầu tư. Hiện nay, hàng loạt khách hàng đã xuống tiền đang khiếu nại, đòi lại tiền vì dự án chưa có giấy phép xây dựng, nên không biết khi nào triển khai.
Yêu cầu thanh tra, xử lý quyết liệt
Trước thực trạng trên, Phó Chủ tịch TP.HCM Lê Hòa Bình đã chỉ đạo thanh tra, kiểm tra đột xuất để đảm bảo quyền lợi khách hàng. Lãnh đạo thành phố đề nghị, các cơ quan chức năng nhanh chóng vào cuộc nhằm chấn chỉnh các hoạt động đầu tư, kinh doanh bất động sản trên địa bàn TP.HCM. Hàng loạt dự án, chủ đầu tư bị phản ánh có dấu hiệu huy động vốn trái phép sẽ bị thanh tra trong thời gian tới.
Theo đó, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM yêu cầu các chủ đầu tư dự án nhà ở, cao ốc, căn hộ có trách nhiệm phải đăng ký hợp đồng mua bán căn hộ chung cư theo mẫu quy định. Đồng thời yêu cầu, các sở, ngành phải tổ chức thanh tra, kiểm tra thường xuyên hoặc đột xuất đối với các trường hợp báo chí hoặc người dân phản ánh. Điều này nhằm đảm bảo quyền lợi khách hàng mua bán nhà ở, tránh xảy ra tranh chấp, khiếu nại, khiếu kiện gây ảnh hưởng đến an ninh trật tự.
Phó Chủ tịch UBND TP.HCM còn yêu cầu, Sở Công Thương, Sở Xây dựng phối hợp với UBND quận, huyện tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm trong lĩnh vực xây dựng, kinh doanh bất động sản. Sở Tư pháp phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với Sở TN&MT triển khai thực hiện tốt các nội dung về đăng ký thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất… Cơ quan này cũng cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra chuyên ngành trong lĩnh vực công chứng, kịp thời xử lý các hành vi vi phạm của công chứng viên, tổ chức hành nghề công chứng.
Theo quy định của Luật Kinh doanh bất động sản, chủ đầu tư chỉ được huy động vốn đối với bất động sản hình thành trong tương lai, khi đã hoàn thành xong phần hạ tầng và phải có văn bản của cơ quan có thẩm quyền về việc đủ điều kiện để bán. Tuy nhiên, các doanh nghiệp kể trên đã lách luật bằng việc mở bán mập mờ, công khai bằng cách nhận tiền đặt cọc thiện chí của khách hàng. Việc huy động vốn trái phép này nhằm chiếm dụng vốn của người mua, thậm chí lừa đảo, chiếm đoạt tiền của nhà đầu tư.
“Đây là hình thức làm ăn không đàng hoàng, lừa dối khách hàng, ảnh hưởng xấu đến thị trường. Các hình thức huy động vốn kiểu này sẽ gây rủi ro rất lớn cho khách hàng. Nếu chủ đầu tư không thực hiện được, khách hàng sẽ mất trắng”, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM nhận định.
Để hạn chế rủi ro, Luật sư Nguyễn Trung Hiếu, Đoàn Luật sư TP.HCM cho rằng, trước khi quyết định mua một dự án nào hình thành trong tương lai, người mua nhà phải tìm hiểu tất cả những yếu tố liên quan đến dự án như chủ quyền đất, xem dự án đã được phép bán chưa, ngân hàng thương mại nào đứng ra bảo lãnh... Có như vậy mới đảm bảo được quyền lợi của mình về sau.
Theo các chuyên gia, việc chủ đầu tư đưa căn hộ vào kinh doanh khi chưa có quy hoạch chi tiết 1/500 là việc hiếm khi xảy ra, vì ẩn chứa quá nhiều rủi ro. Trong đó, rủi ro thấy trước mắt là thiết kế mà chủ đầu tư đã mang ra giới thiệu cho khách hàng, sau này không được cơ quan chức năng phê duyệt và buộc phải điều chỉnh vì nhiều lý do khác nhau. Khi đó, tất yếu sẽ xảy ra câu chuyện “treo đầu dê, bán thịt chó” và tranh chấp dễ nảy sinh.
Hà Lan