Thứ sáu, 22/11/2024 22:54 (GMT+7)
Chủ nhật, 16/08/2020 12:59 (GMT+7)

TP.HCM sẽ thu giá thoát nước giai đoạn 2020 - 2024

Theo dõi KTMT trên

Sở Xây dựng TP.HCM vừa có tờ trình chính thức gửi UBND thành phố về việc ban hành giá dịch vụ thoát nước trên địa bàn thành phố giai đoạn 2020 - 2024. Dự kiến, giá tiền nước sạch và dịch vụ thoát nước bình quân cho 1 m3 trong năm 2020 là 11.029 đồng; năm 2021 là 12.198 đồng.

TP.HCM sẽ thu giá thoát nước giai đoạn 2020 - 2024 - Ảnh 1
Dự kiến, đến năm 2024 mức giá dịch vụ thoát nước là 4.237 đồng/m3.

3 phương án thu giá dịch vụ thoát nước

Sở Xây dựng TP.HCM đề xuất 3 phương án thu giá dịch vụ thoát nước trên địa bàn dựa theo hiện trạng hệ thống và nhu cầu thực tế theo lưu lượng nước cấp, áp dụng đối với các cơ quan, tổ chức, hộ gia đình có xả nước thải vào hệ thống thoát nước trên thành phố.

Cụ thể, phương án 1: tăng 3%/năm - lấy giá nước sạch năm 2019, mức thu phí môi trường 10%. Từ năm 2020 - 2024, mức thu giá dịch vụ thoát nước và xử lý nước thải tính thêm 3% mỗi năm.

Phương án 2: tăng trung bình 5%/năm. Từ năm 2020 - 2024, mức thu giá dịch vụ thoát nước và xử lý nước thải tính thêm 5% mỗi năm.

Phương án 3: phương án tăng cao - năm 2020 giá dịch vụ thoát nước và xử lý nước thải sẽ thu bằng 20% giá nước sạch, giai đoạn từ 2021 - 2024, mức thu phí tính thêm 5% mỗi năm.

Theo Sở Xây dựng TP.HCM, dịch vụ thoát nước bình quân năm 2020 trên 1 m3 là 1.430 đồng; năm 2021 là 2.033 đồng; năm 2022 là 2.694 đồng; năm 2023 là 3.426 đồng và có mức 4.237 đồng vào năm 2024.

Trước đây, việc thu phí thoát nước sinh hoạt, bỏ phí bảo vệ môi trường chưa được thông qua bởi bên cạnh giá sử dụng nước sạch, người dân TP.HCM còn phải đóng thêm 10% phí môi trường cho mỗi m3 nước sạch. Do đó, nếu tính theo từng m3 thì số tiền người dân phải đóng là khá cao.

Sở Xây dựng cho biết việc thu giá thoát nước theo 3 phương án trên có mức độ tác động và ảnh hưởng đến thu nhập của người dân ở mức “có thể chấp nhận được”.

Về hình thức thu, các hộ thoát nước sử dụng nước sạch từ hệ thống cấp nước tập trung của Tổng công ty cấp nước Sài Gòn sẽ đóng tiền dịch vụ thoát nước thông qua hóa đơn tiền nước. Đối với các hộ không sử dụng nước sạch từ hệ thống cấp nước tập trung, Sở Tài nguyên - Môi trường sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng phương án thu tiền dịch vụ cho các đối tượng này. Sở Xây dựng đồng nhất ý kiến của Trung tâm hạ tầng là giữ lại 1% trên tổng mức thu hằng năm cho đơn vị thu hộ.

Giảm mức bao cấp từ ngân sách thành phố

Theo lãnh đạo Sở Xây dựng TP.HCM, việc thu giá dịch vụ thoát nước đáp ứng chi phí cho hoạt động quản lý vận hành, duy tu, bảo trì hệ thống thoát nước, nước thải, bùn thải trong giai đoạn tiếp theo.

TP.HCM sẽ thu giá thoát nước giai đoạn 2020 - 2024 - Ảnh 2
Thi công đường ống ở Dự án vệ sinh môi trường TP.HCM giai đoạn 2.

Sở Tài chính TP.HCM cho biết, mỗi năm ngân sách thành phố chi cho hoạt động quản lý, vận hành, bảo dưỡng hệ thống cống, các trạm bơm, nhà máy xử lý nước thải, bùn thải không hề nhỏ. Cụ thể, năm 2017 là 1.270 tỉ đồng, năm 2018 là 1.332 tỉ đồng và năm 2019 là 1.539 tỉ đồng. Trong khi nguồn thu hằng năm từ phí bảo vệ môi trường chỉ đạt khoảng 31%-33% tổng số chi.

Bên cạnh đó, nguồn thu này cũng góp phần giảm mức bao cấp từ ngân sách thành phố, đảm bảo nguồn chi trả nợ vay từ các hoạt động đầu tư vào hệ thống nước thải bằng nguồn vốn ODA. Đồng thời, khuyến khích, thu hút nguồn lực đầu tư bằng hình thức đối tác công - tư (PPP).

Sở Xây dựng TP.HCM đề xuất nên phân loại đối tượng sử dụng nước sinh hoạt để điều chỉnh tỉ lệ phí môi trường cho phù hợp. Các hộ kinh doanh, nhà hàng khách sạn nếu yêu cầu xử lý nước thải nhiều hơn sẽ phải đóng phí cao hơn các hộ dân bình thường.

TS Hồ Long Phi, Giám đốc Trung tâm quản lý nước và biến đổi khí hậu, Đại học Quốc gia TP.HCM nhận định: “Các nước phát triển gộp chung phí thoát nước vào 1 sắc thuế liên quan đến nước đầu vào, đầu ra bao gồm cả xử lý nước thải, môi trường... Quốc gia nào càng phát triển thì chi phí cho xử lý nước thải càng cao, trung bình từ 10%, sau đó nâng dần lên 30 - 50%, tỉ lệ thuận với chất lượng xử lý ô nhiễm, chất lượng cải thiện môi trường”.

Băn khoăn giá chồng phí

Hiện, trên mỗi m3 nước sinh hoạt, người dân đang phải trả thêm 10% phí bảo vệ môi trường, chưa kể hàng loạt các loại thuế phí khác.

Nay, với đề xuất thu thêm giá dịch vụ thoát nước, nhiều chuyên gia không khỏi băn khoăn về những áp lực sẽ đè nặng lên vai người dân, đặc biệt là những hộ nghèo, hộ khó khăn khi thu nhập mỗi tháng bình quân chỉ vỏn vẹn vài triệu đồng.

KTS Ngô Viết Nam Sơn cho rằng, không nên thu thêm giá thoát nước mà thay vào đó, nên phân loại đối tượng sử dụng nước sinh hoạt để điều chỉnh tỉ lệ phí môi trường cho phù hợp.

“Đơn cử, những hộ kinh doanh nhà hàng, khách sạn, gara ô tô… yêu cầu xử lý nước thải nhiều hơn thì phải đóng phí cao hơn các hộ dân bình thường. Số tiền chênh lệch từ khoản thu này cũng có thể bù đắp phần nào ngân sách thành phố, đồng thời tạo công bằng trong vấn đề sử dụng nước gây ô nhiễm môi trường, đúng nghĩa ai gây ô nhiễm nhiều hơn phải trả tiền nhiều hơn” – KTS Sơn phân tích.

Nguồn thu từ dịch vụ thoát nước thải được trích lại 1% để dành chi trả cho dịch vụ đi thu; đóng các loại thuế và nghĩa vụ tài chính (nếu có). Phần còn lại nộp vào ngân sách để đầu tư, duy trì, phát triển hệ thống thoát nước...

Sở Xây dựng cho rằng mức thu của TP.HCM là tương đối thấp so với mức giá thu dịch vụ thoát nước tại một số tỉnh thành như: Hải Phòng, Đà Nẵng, Thái Nguyên, Sóc Trăng, Đồng Tháp, Hà Nội

Nếu đề xuất này được chấp thuận, giá tiền nước sạch và dịch vụ thoát nước bình quân mà người dân phải trả cho 1 m3 trong năm 2020 là 11.029 đồng; năm 2021 là 12.198 đồng; năm 2022 là 13.469 đồng; năm 2023 là 14.848 đồng; năm 2024 là 16.344 đồng. Chưa tính bao gồm 10% thuế giá trị gia tăng.

Nhật My

Bạn đang đọc bài viết TP.HCM sẽ thu giá thoát nước giai đoạn 2020 - 2024. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Thời tiết những ngày cuối tháng 11 tại TPHCM ra sao?
Theo Cơ quan khí tượng, trong ngày 28/11 TPHCM có khả năng có mưa rào và dông rải rác với một vài nơi có mưa vừa. Trong những ngày còn lại, thời tiết không mưa hoặc chỉ có mưa vài nơi với lượng không đáng kể.
Dù đã đón nhiều đợt không khí lạnh nhưng miền Bắc vẫn nóng
Dù đã đón nhiều đợt không khí lạnh nhưng miền Bắc vẫn nóng, người dân chưa cảm nhận được cái lạnh. Do đợt không khí lạnh này về rất khô, trời ít mây và có nắng nên nhiệt độ thấp nhất thường rơi vào đêm và sáng sớm, ban ngày ít cảm nhận được lạnh.

Tin mới