TP.HCM: Điều chỉnh quy hoạch thoát nước đến năm 2030, tầm nhìn 2050
Ban cán sự đảng UBND TP.HCM vừa có tờ trình gửi Ban Thường vụ Thành ủy Thành phố về việc điều chỉnh quy hoạch tổng thể hệ thống thoát nước TP.HCM đến năm 2030, tầm nhìn năm 2050.
Tình trạng ngập nước tại TP.HCM vẫn còn diễn biến phức tạp. |
Trong khi đó, đồ án quy hoạch tổng thể thoát nước TP.HCM đến năm 2020 được Thủ tướng phê duyệt theo Quyết định 752/QĐ-TTg ngày 19/6/2001 (quy hoạch 752) đến nay đã gần hết thời hạn quy hoạch và không còn phù hợp với thực tế. Theo UBND TP.HCM, việc điều chỉnh quy hoạch tổng thể hệ thống thoát nước TP.HCM đến năm 2030, tầm nhìn năm 2050 với mục tiêu chính là lập quy hoạch thoát nước đồng bộ, đáp ứng yêu cầu phát triển của thành phố. Điều chỉnh này còn làm cơ sở cho việc phát triển dự án đầu tư xây dựng mới, cải tạo và nâng cấp hệ thống thoát nước trên địa bàn thành phố.
Cụ thể, phạm vi nghiên cứu của quy hoạch 752 chỉ tập trung trong khu vực nội thành hiện hữu với diện tích 650 km2. Phạm vi quy hoạch này chỉ đáp ứng khoảng 32,23% tổng diện tích toàn thành phố (650/2.095 km2). Hơn nữa, đã có nhiều vấn đề phát sinh do quy hoạch trước đây chưa lường hết các yếu tố ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, mực nước biển dâng nên không còn phù hợp với thực tế. Thậm chí, các vấn đề sụp lún nền đất tự nhiên của TP.HCM cũng ảnh hưởng rất lớn đến tổng thể chung hệ thống thoát nước của thành phố.
Bên cạnh đó, trong quá trình đô thị hóa, TP.HCM đã mở rộng quy hoạch ra các quận như Bình Tân, Tân Bình, Tân Phú, 2, 9, 12..., nên việc nghiên cứu quy hoạch mới thoát nước cho toàn thành phố là cần thiết.
Vì vậy, việc nghiên cứu quy hoạch hệ thống thoát nước mới của TP.HCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 sẽ được mở rộng trên diện tích khoảng 2.095 km2 bao gồm 23 quận, huyện (trừ huyện Cần Giờ). Như vậy, diện tích quy hoạch thoát nước sẽ được nâng từ 650 km2 lên tới 2.095 km2, gấp ba lần so với diện tích quy hoạch cũ.
Với quy hoạch mới, đơn vị tư vấn tập trung tiến hành rà soát, nghiên cứu tập trung vào các khu vực đã, đang và sẽ đô thị hóa trong tương lai như quận Tân Bình, Tân Phú, Bình Tân, Thủ Đức…Bên cạnh đó, điều chỉnh quy hoạch thoát nước mới còn nghiên cứu chuyên biệt về cao độ nền và hệ thống thoát nước mặt (bao gồm hệ thống hồ điều tiết); bổ sung, mở rộng thêm nghiên cứu tác động của các tỉnh lân cận như Đồng Nai, Bình Dương, Tây Ninh, Long An…để hoàn chỉnh quy hoạch thoát nước cho TP.HCM.
UBND TP.HCM cho rằng, lần điều chỉnh quy hoạch thoát nước mới này hướng tới phát triển ổn định, bền vững trên cơ sở xây dựng đồng bộ hệ thống thoát nước mưa và nước thải từ thu gom, xử lý cho từng lưu vực. Quy hoạch thoát nước mưa phải góp phần giảm thiểu và từng bước xóa bỏ tình trạng ngập úng khu vực trung tâm thành phố và các quận huyện trên địa bàn.
Nguyễn Quỳnh