Thứ năm, 25/04/2024 14:45 (GMT+7)
Thứ bảy, 17/10/2020 06:40 (GMT+7)

TP.HCM: Nỗ lực giải 'bài toán' ô nhiễm rác thải

Theo dõi KTMT trên

Quá trình đô thị hóa ở TP.HCM đã và đang góp phần quan trọng vào sự phát triển chung về mặt kinh tế, xã hội. Tuy nhiên, bên cạnh những tích cực, quá trình này cũng đang gây ra những sức ép không nhỏ đối với môi trường TP và sức khỏe cộng đồng.

Áp lực rác thải ngày càng gia tăng

Theo thống kê từ Sở TN&MT TP.HCM, chỉ tính từ năm 2017 đến nay lượng rác thải sinh hoạt đã tăng từ 7.000 tấn/ngày lên gần 10.000 tấn/ngày. Còn rác thải công nghiệp cũng tăng từ 1.000 tấn/ngày lên 2.500 tấn/ngày. Riêng rác thải xây dựng đã tăng từ 500 tấn/ngày lên 1.500 tấn/ngày… Đó là chưa kể lượng rác thải bị đổ bỏ lén lút ra môi trường chưa kiểm soát được. Dựa trên cơ sở này đủ để thấy lượng rác thải nói chung của thành phố (TP) đều có mức tăng trên 15%. Và điều này sẽ là áp lực rất lớn đến hoạt động thu gom, xử lý chất thải của TP, nhất là trong bối cảnh công nghệ xử lý rác thải chủ yếu của TP là chôn lấp.

TP.HCM: Nỗ lực giải 'bài toán' ô nhiễm rác thải - Ảnh 1
Mỗi ngày có hơn 50.000 tấn rác thải “đổ” ra môi trường. 

Lý giải thực tế này, Giáo sư Nguyễn Văn Phước, Viện trưởng Viện TN&MT, Đại học Quốc gia TP.HCM cho biết, không phải chỉ TP.HCM mà cả nước nói chung đang gặp rất nhiều khó khăn với việc xử lý chất thải rắn sinh hoạt. Tính chung tổng lượng chất thải rắn trên cả nước ước tính hiện có khoảng 51.500 tấn/ngày bao gồm khu vực đô thị và nông thôn. Con số này sẽ tăng gấp 2 - 3 lần trong giai đoạn từ năm 2015 - 2020. TP.HCM và Hà Nội sẽ là 2 TP có khối lượng rác sinh hoạt tăng cao nhất. Do vậy, việc TP.HCM chỉ tập trung xử lý rác bằng biện pháp chôn lấp là rất đáng lo ngại. Bởi lẽ, hầu hết bãi chôn lấp rác của TP hiện đang trong tình trạng quá tải so với công suất tiếp nhận.

Việc chôn lấp rác thải đang làm nảy sinh một số thực tế đáng quan ngại cho môi trường như chiếm dụng nhiều quỹ đất, khó kiểm soát vấn đề ô nhiễm môi trường trong quá trình vận hành, ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng đời sống của người dân trong khu vực do phát sinh nhiều mầm bệnh, mùi hôi, vi trùng, nước rỉ rác... Trong quá trình chôn lấp, nhiều loại chất thải nguy hại không được phân loại riêng, còn lẫn trong chất thải sinh hoạt khi đưa đến bãi chôn lấp gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Đặc biệt là việc chôn lấp rác làm gia tăng quá trình phát sinh khí metan - một loại khí nhà kính gây nguy hại cho môi trường và là tác nhân chính gây nên hiện tượng thời tiết cực đoan. Không dừng lại đó, việc xử lý chất thải rắn bằng biện pháp chôn lấp đang chiếm phần đáng kể trong ngân sách nhà nước.

Biến rác thành điện, triệt tiêu hoàn toàn chôn lấp rác

Để giải quyết vấn đề này, TP chỉ đạo các cơ quan chức năng liên quan gấp rút chuyển hướng chính sách thu hút đầu tư xử lý chất thải rắn. Theo đó, ưu tiên thực hiện xã hội hóa đầu tư và ưu tiên lựa chọn nhà đầu tư có công nghệ xử lý hiện đại. Đến nay, TP đã cấp phép đầu tư và đã khởi công xây dựng 3 nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt công nghệ đốt rác phát điện. Cụ thể, Công ty cổ phần Vietstar (đang xử lý rác thải sinh hoạt bằng công nghệ ủ khí, tái chế rác thành phân compost), Công ty cổ phần Đầu tư - Phát triển Tâm Sinh Nghĩa (đang xử lý rác bằng phương pháp đốt) đã chuyển đổi công nghệ xử lý bằng việc khởi công xây dựng nhà máy xử rác thải sinh hoạt bằng công nghệ đốt phát điện 2.000 tấn/ngày. Riêng nhà máy xử lý và tái chế chất thải công nghiệp - chất thải nguy hại công suất 500 tấn/ngày cũng vừa được Công ty cổ phần Kho vận giao nhận ngoại thương Mộc An Châu khởi công vào tháng 12/2019. Ngoài ra, trong năm 2020, Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị TP.HCM, Công ty Tasco… cũng được kỳ vọng sẽ có nhiều đầu tư, chuyển đổi công nghệ xử lý rác thải nhằm bắt kịp xu hướng phát triển bền vững của TP.

Ông Ngô Xuân Tiệc, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư - Phát triển Tâm Sinh Nghĩa khẳng định, với việc đầu tư hơn 5.000 tỉ đồng để chuyển đổi công nghệ xử lý rác thải sang đốt phát điện, doanh nghiệp sẽ đạt được lợi nhuận kép. Cụ thể, doanh nghiệp sẽ thu được chi phí từ xử lý rác, vừa bán được điện sạch với giá trên dưới 9 cent/kWh. Ở góc độ chất lượng môi trường, công nghệ xử lý rác hiện đại trên sẽ giúp giảm áp lực về quỹ đất của TP phải dành cho xử lý rác thải. Mặt khác, giảm thiểu hiệu quả nguy cơ ô nhiễm thứ phát từ nước rỉ rác, mùi hôi do hoạt động chôn lấp rác gây ra. Về lâu dài, tránh cho TP bị ảnh hưởng mỹ quan do tồn tại nhiều “núi rác” ô nhiễm môi trường.

Một vấn đề được giới chuyên gia môi trường đặt ra là việc kiểm soát chặt khí thải của các nhà máy đốt rác phát điện để tránh những nguy cơ gây hại cho sức khỏe người dân TP. Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở TN&MT TP.HCM khẳng định, những công nghệ mà các doanh nghiệp xử lý rác đang chuyển đổi và đưa vào đầu tư là công nghệ của Đức. Theo đó, khâu an toàn về khí thải được thắt chặt tối đa. Về phía sở đã có phương án tăng cường kiểm tra cũng như hậu kiểm chặt chẽ, chế tài nghiêm khắc những trường hợp không tuân thủ tiêu chuẩn an toàn môi trường.

Có thể thấy, với việc đưa vào khởi công hàng loạt nhà máy xử lý rác thải hiện đại, TP sẽ nắm chắc mục tiêu giảm thiểu 50% lượng rác thải phải chôn lấp trong năm 2020 cũng sẽ đồng nghĩa với việc giảm diện tích đất chôn lấp, giảm phát thải khí nhà kính, ít phát sinh nước rỉ rác và mùi hôi. Một mũi tên sẽ trúng nhiều đích và giải quyết được vấn nạn một cách căn cơ. Tuy vẫn cần phải chờ hiệu quả thực tế khi nhà máy đầu tiên dự kiến hoạt động vào tháng 11/2020, nhưng đây vẫn là hướng đi mới thoát vòng luẩn quẩn cả về công nghệ, giải pháp và đối tác trong giải quyết vấn nạn môi trường.

Hoài Thu

Bạn đang đọc bài viết TP.HCM: Nỗ lực giải 'bài toán' ô nhiễm rác thải. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Hiến giọt máu đào, trao đời sự sống
Đây là chủ đề của chương trình hiến máu tình nguyện, được Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam phối hợp với Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương tổ chức ngày 24/4.