Thứ sáu, 22/11/2024 23:00 (GMT+7)
Thứ hai, 12/10/2020 11:57 (GMT+7)

Điều gì giúp Thụy Điển tái chế thành công 99% lượng rác thải?

Theo dõi KTMT trên

Thụy Điển là đất nước tiên phong trong việc biến đổi rác thành năng lượng. Đây là kết quả của cả quá trình nỗ lực hàng thập kỷ, bắt đầu từ những quy định chặt chẽ về phân loại rác thải trong các hộ gia đình, nhà máy và địa phương từ những năm 1970.

Công nghệ hiện đại đi cùng ý thức

Thụy Điển thực tế đã quan tâm tới môi trường từ rất lâu, tiến bộ hơn nhiều so với nhiều nước, thậm chí là các nước Liên minh châu Âu (EU). Năm 1991, Thụy Điển là một trong những quốc gia đầu tiên đánh thuế trên các nguồn năng lượng hóa thạch.

Theo Hiệp hội Tái chế và Quản lý Chất thải Thụy Điển, chưa đến 1% rác thải sinh hoạt ở quốc gia này được đưa đến các bãi chôn lấp. Khoảng 49% rác sinh hoạt được tái chế và khoảng 50% rác được đốt trong các nhà máy điện. Nhiệt năng làm quay các tua-bin để tạo ra điện giống như các nhà máy điện thông thường đốt than hoặc khí.

Trong nhiều năm liền đi đầu trong khâu tái chế, hiện nay Thụy Điển phải nhập khẩu rác từ các nước khác để các nhà máy tái chế nước này tiếp tục hoạt động. Kể từ năm 2011, không tới 1% các hộ gia đình Thụy Điển mang rác thải ra bãi, theo Independent.

Ngoài chuyện bảo vệ môi trường có sự phối hợp từ ý thức của người dân, công nghệ xử lý rác thải hiện đại và hiệu quả cũng là điểm đáng chú ý của quốc gia Bắc Âu này.

Điều gì giúp Thụy Điển tái chế thành công 99% lượng rác thải? - Ảnh 1
Thụy Điển đang phải nhập khẩu rác từ các nước khác để có đủ nguyên liệu cho các nhà máy hoạt động. (Ảnh minh họa: Internet)

Tại Malmo, thành phố lớn thứ 3 Thụy Điển, đến 60% lượng điện tiêu thụ và nhiệt cung cấp cho hệ thống sưởi tại đây lại đang được cung cấp từ một nhà máy tái chế rác thải. Công ty xử lý rác thải Sysav được quản lý bởi 16 thành phố phía Nam Thụy Điển, xử lý rác thải trong khu vực và cũng cung cấp nhiên liệu cho chính các thành phố này.

Công nghệ phát triển đến mức nước này đang phải nhập khẩu rác từ các nước khác để có đủ nguyên liệu cho các nhà máy hoạt động. Các sà lan chở rác vẫn cập cảng Malmo hàng tuần. Rác đến từ Anh và nhiều nước châu Âu khác.

55% rác được đốt trở thành nguồn cung cấp điện và khí sưởi, phần còn lại tái chế thành nguyên vật liệu mới hoặc thành phân bón sinh học, khí sinh học.

Nhờ máy móc tự động, cả hệ thống vận hành không cần nhiều nhân công. Bên cạnh đó, công việc cũng đơn giản hơn nhiều khi bản thân mỗi người dân đã hình thành thói quen phân loại rác từ đầu. Việc tiếp tục nâng cao nhận thức của cộng đồng liên quan đến các vấn đề rác thải và bảo vệ môi trường cũng là công việc mà các doanh nghiệp xử lý rác thải thường xuyên phối hợp thực hiện cùng các thành phố.

Xử lý rác có thể coi là một ngành kinh tế ở Thụy Điển với sự tham gia của gần 100 doanh nghiệp nhà nước và tư nhân. Trong khi xử lý rác thải vẫn là chuyện đau đầu với nhiều quốc gia, kể cả với nhiều nước châu Âu, mỗi năm 700.000 tấn rác từ các nước vẫn được chuyển vào Thụy Điển để nước này chạy các nhà máy tái chế của mình.

Tương lai nào cho Việt Nam?

Với lượng lớn rác thải tại Việt Nam, đốt rác phát điện có thể tạo ra hàng trăm, hàng nghìn MW cung ứng cho hệ thống điện. Tuy nhiên, loại hình phát điện này vẫn chưa thực sự phát triển như tiềm năng đang có.

Theo báo cáo mới nhất của Bộ Công Thương, tại Việt Nam, mỗi ngày, rác thải sinh hoạt từ đô thị và nông thôn thải ra môi trường khoảng 70.000 tấn; riêng TP.Hà Nội và TP.HCM thải ra mỗi ngày từ 7.000 - 8.000 tấn rác.

Tuy nhiên, lượng rác hiện nay chưa được sử dụng triệt để biến thành nguồn năng lượng phục vụ cuộc sống.

Khoảng 85% lượng rác thải tại Việt Nam đang được xử lý chủ yếu bằng công nghệ chôn lấp đòi hỏi nhiều quỹ đất; trong đó, còn nhiều bãi chôn lấp chưa hợp vệ sinh, tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm môi trường, chưa tận dụng được hiệu quả nguồn năng lượng sinh ra. Còn khoảng 15% được sử dụng cho các mục đích khác; trong đó có đốt rác để phát điện.

Bên cạnh đó, việc vận chuyển còn gặp nhiều khó khăn do các bãi chôn lấp chất thải thường ở xa khu dân cư, làm tăng chi phí vận chuyển.

Điều gì giúp Thụy Điển tái chế thành công 99% lượng rác thải? - Ảnh 2
Với lượng lớn rác thải tại Việt Nam, đốt rác phát điện có thể tạo ra hàng trăm, hàng nghìn MW cung ứng cho hệ thống điện. (Ảnh: Internet)

Từng trao đổi với TTXVN, ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, cho biết lượng rác thải khổng lồ thải ra mỗi ngày là gánh nặng cho xử lý môi trường, nhưng lại là tiềm năng lớn cho việc sử dụng để sản xuất thành điện ở Việt Nam.

Việc biến chất thải rắn thành năng lượng có thể giúp cung cấp thêm nguồn năng lượng sạch và có giá trị hợp lý, góp phần giảm tình trạng ô nhiễm rác thải rắn, bảo vệ môi trường.

Tại Việt Nam, thời gian gần đây cũng đã có nhiều dự án được thực hiện như điện rác Sóc Sơn, điện rác Phú Thọ, điện rác VIETSTAR, điện rác Thanh Hóa, điện rác Thái Bình, điện rác Hải Phòng, Nhà máy xử lý chất thải công nghiệp và y tế Thái Nguyên...

Theo Chiến lược Phát triển năng lượng tái tạo đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tỉ lệ xử lý chất thải rắn đô thị cho mục tiêu năng lượng dự kiến sẽ tăng lên 30% trong năm 2020 và xấp xỉ 70% vào năm 2030.

Đến năm 2050, phần lớn chất thải rắn sinh hoạt đô thị sẽ được sử dụng cho mục đích sản xuất năng lượng.

Chính phủ Việt Nam và các bộ, ngành cũng đang khuyến khích các địa phương đủ điều kiện chuyển sang đốt rác phát điện. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, cần phải có cơ chế cho điện rác để thu hút và thúc đẩy hơn nữa đầu tư trong lĩnh vực này.

Nhật Hạ

Bạn đang đọc bài viết Điều gì giúp Thụy Điển tái chế thành công 99% lượng rác thải?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Thời tiết những ngày cuối tháng 11 tại TPHCM ra sao?
Theo Cơ quan khí tượng, trong ngày 28/11 TPHCM có khả năng có mưa rào và dông rải rác với một vài nơi có mưa vừa. Trong những ngày còn lại, thời tiết không mưa hoặc chỉ có mưa vài nơi với lượng không đáng kể.
Dù đã đón nhiều đợt không khí lạnh nhưng miền Bắc vẫn nóng
Dù đã đón nhiều đợt không khí lạnh nhưng miền Bắc vẫn nóng, người dân chưa cảm nhận được cái lạnh. Do đợt không khí lạnh này về rất khô, trời ít mây và có nắng nên nhiệt độ thấp nhất thường rơi vào đêm và sáng sớm, ban ngày ít cảm nhận được lạnh.

Tin mới