Thứ bảy, 27/04/2024 02:16 (GMT+7)
Thứ ba, 27/12/2022 11:50 (GMT+7)

TP.HCM: Khẩn trương giải quyết vướng mắc tại các dự án chuyển đổi công nghệ xử lý rác

Theo dõi KTMT trên

Vừa qua, Phó Chủ tịch UBND TP. HCM đã yêu cầu các sở ngành và đơn vị có liên quan nhanh chóng rà soát, kiểm tra, tháo gỡ khó khăn đối với các dự án chuyển đổi công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn.

Chuyển đổi công nghệ trong xử lý rác thải là cấp thiết!

Cụ thể, đối với các dự án chuyển đổi công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt của các nhà máy hiện hữu (nằm trong nhóm các dự án xử lý chất thải rắn sinh hoạt thực hiện hoàn thành đến năm 2025), Phó Chủ tịch UBND TP. HCM Bùi Xuân Cường giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, đơn vị có liên quan rà soát, chuẩn bị đầy đủ cơ sở pháp lý và đề xuất UBND thành phố nội dung báo cáo Thủ tướng Chính phủ về đề xuất cơ chế đặt hàng đối với khối lượng chất thải rắn sinh hoạt vượt công suất theo hợp đồng xử lý chất thải rắn sinh hoạt với thành phố.

Đồng thời, tổ chức kiểm tra thực địa, làm việc với các chủ đầu tư dự án chuyển đổi công nghệ về các nội dung như công nghệ xử lý, pháp lý quy hoạch, sử dụng đất... để xem xét, giải quyết các khó khăn, vướng mắc về thủ tục pháp lý nhằm đẩy nhanh việc xây dựng, đưa dự án đi vào vận hành theo kế hoạch và đề xuất các giải pháp chế tài phù hợp theo quy định hoặc thu hồi dự án đối với các trường hợp không thực hiện đúng tiến độ, không đảm bảo các quy định pháp lý đầu tư hiện hành.

Bên cạnh đó, Sở Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương đề xuất UBND thành phố về kế hoạch tổ chức thẩm định báo cáo tiền khả thi của dự án Xây dựng Nhà máy xử lý chất thải rắn và thu hồi năng lượng tại Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Tây Bắc thành phố theo phương thức PPP; quy trình các bước thủ tục cần thực hiện, phân công trách nhiệm thực hiện các nội dung công việc cụ thể của từng Sở ngành liên quan.

TP.HCM: Khẩn trương giải quyết vướng mắc tại các dự án chuyển đổi công nghệ xử lý rác - Ảnh 1
Nhiều dự án chuyển đổi công nghệ trong xử lý rác thải chậm tiến độ đã và đang tạo sức ép lên môi trường TP. HCM

Đối với công tác xử lý chất thải rắn sinh hoạt giai đoạn từ năm 2025 trở đi, Sở Tài nguyên và Môi trường được giao tiếp tục phối hợp cùng các sở liên quan rà soát, đánh giá tình hình xử lý chất thải rắn của thành phố gắn với Chương trình Giảm ô nhiễm môi trường đến năm 2030, Đồ án Quy hoạch xử lý chất thải rắn TP. HCM đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050 (đang được Bộ Xây dựng thẩm định) và các nội dung đang xử lý liên quan đến Khu Công nghệ Môi trường Xanh, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An để đề xuất kêu gọi đầu tư các dự án xử lý chất thải rắn sinh hoạt cho TP. HCM tại các khu liên hợp xử lý chất thải của thành phố và tại Khu Công nghệ Môi trường Xanh để xử lý chất thải rắn sinh hoạt cho TP. HCM và tỉnh Long An.

Về các phương án dự phòng đảm bảo an toàn, an ninh chất thải trên địa bàn thành phố, Sở Tài nguyên và Môi trường được giap trách nhiệm phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan rà soát, đánh giá sự cần thiết của việc điều phối lượng chất thải rắn sinh hoạt về Bãi chôn lấp số 3 tại Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Tây Bắc TP trong phương án dự phòng để xử lý tình huống khẩn cấp về xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn. Đồng thời, rà soát hiện trạng các khu đất tại các khu liên hợp xử lý chất thải rắn và theo quy hoạch, đề xuất quy mô, vị trí đầu tư thêm bãi chôn lấp dự phòng theo hình thức đầu tư công.

Ngoài ra, Sở Công thương cần tiếp tục theo dõi, đôn đốc việc phê duyệt bổ sung quy hoạch điện các khu xử lý chất thải rắn của thành phố vào quy hoạch phát triển nguồn điện sử dụng chất thải rắn quốc gia và phối hợp với Bộ Công thương theo dõi tiến độ phê duyệt Đề án Quy hoạch phát triển Điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Quy hoạch điện VIII) để hỗ trợ kịp thời các nhóm dự án xử lý chất thải rắn sinh hoạt áp dụng công nghệ tiên tiến có thu hồi năng lượng.

Đừng để chỉ đạo chỉ nằm trên giấy

Việc chuyển đổi công nghệ xử lý rác thải đã nhiều lần được chính quyền thành phố nhắc đến và có văn bản chỉ đạo thực hiện. Cụ thể, năm 2017, HĐND thành phố ban hành Nghị quyết 03/2017/NQ-HĐND đặt chỉ tiêu đến năm 2020, tỉ lệ lượng chất thải rắn sinh hoạt được xử lý bằng công nghệ chôn lấp hợp vệ sinh tối đa là 50%, đến năm 2025 tối đa là 20%.

Tiếp đó Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP. HCM lần thứ XI đã thông qua chỉ tiêu, đến năm 2025, tỉ lệ xử lý rác thải sinh hoạt bằng công nghệ mới hiện đại (đốt phát điện) và tái chế đạt ít nhất 80% (hướng tới 2030: 100%). Tuy nhiên, đến nay dường như tất cả những mục tiêu này vẫn chưa đạt được hiệu quả như kì vọng, còn doanh nghiệp thì vẫn đang mòn mỏi chờ đợi các thủ tục chuyển đổi sang công nghệ mới được khơi thông.

Điển hình, sau khi có sự kêu gọi, đề nghị của chính quyền thành phố về việc chuyển đổi công nghệ xử lý rác, lãnh đạo Công ty cổ phần Vietstar (Chủ đầu tư nhà máy xử lý rác thải Vietstar tại Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Tây Bắc) đã chi hàng trăm triệu USD để mua, nhập các thiết bị dây chuyền công nghệ tiên tiến nhất trên thế giới về xử lý rác để sẵn sàng lắp đặt và đi vào hoạt động.

Thế nhưng, sau buổi khai trương rầm rộ dự án Nhà máy xử chất thải rắn sinh hoạt bằng công nghệ đốt rác phát điện với công suất 2.000 tấn/ngày vào tháng 08/2019, thì đến khoảng giữa năm 2021 nhà máy này mới chỉ hoàn thành và đưa vào hoạt động giai đoạn 1 nhà máy tích hợp xử lý và tái chế chất thải rắn Vietstar. Phần còn lại là giai đoạn 2 (Xây dựng và lắp ráp hệ thống đốt rác phát điện) đến nay vẫn đang “đắp chiếu” nằm chờ thủ tục.

TP.HCM: Khẩn trương giải quyết vướng mắc tại các dự án chuyển đổi công nghệ xử lý rác - Ảnh 2
Dù khởi công từ năm 2019, thế nhưng đến nay Công ty Cô phần Vietstar chỉ mới hoàn thành và đi vào hoạt động giai đoạn 1, giai đoạn còn lại vẫn chưa hoàn thành vì vướng thủ tục pháp lý

Giải thích cho việc chậm tiến độ trong giai đoạn 2 của dự án đốt rác phát điện mà công ty đang thực hiện, ông Ngô Như Hùng Việt – Tổng Giám đốc Vietstar cho rằng, nguyên nhân chính dẫn đến sự chậm trễ là là do chưa được chính quyền hỗ trợ giải quyết các vấn đề pháp lý liên quan. Sự chậm trễ này không chỉ ảnh hưởng đến những mục tiêu giải quyết rác thải mà thành phố đặt ra mà còn khiến doanh nghiệp phải lao đao, gánh chịu những thiệt hại không đáng có như bị xử phạt, hao mòn máy móc thiết bị,…

“Nhà máy khởi công từ tháng 8/2019. Đến nay, doanh nghiệp đã hoàn thành giai đoạn 1 đó là cải tiến hệ thống phân loại và tái chế (không cần chờ phân loại tại nguồn). Nhưng còn giai đoạn 2 là xây dựng và lắp ráp hệ thống đốt rác phát điện (WTE) thì thành phố vẫn chưa cấp cho chúng tôi đầy đủ giấy phép để triển khai dự án… Mọi thứ từ máy móc, đến hạ tầng, công ty đã mua và chuẩn bị xong xuôi hết. Bây giờ chỉ cần thành phố cấp phép là chúng tôi xây dựng và sẽ nhanh chóng hoàn thành trong thời gian nhanh nhất để nhà máy đi vào hoạt động đúng kế hoạch đặt ra”, ông Việt nói.

Cùng chung tình trạng với Công ty cổ phần Vietstar, nhiều dự án chuyển đổi công nghệ trong xử lý rác thải khác tại TP. HCM cũng đang chậm tiến độ hơn 2 năm so với kế hoạch đã đề ra.

Thông tin mới nhất, tại buổi làm việc về chuyên đề xử lý chất thải rắn sinh hoạt hồi giữa tháng 12 vừa qua, Phó chủ tịch UBND TP. HCM Bùi Xuân Cường giao Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp Sở Kế hoạch và Đầu tư và các sở ngành liên quan xem xét, đề xuất thu hồi chủ trương thực hiện dự án xử lý rác thải của Công ty cổ phần Tasco và nhà đầu tư Trisun Green Energy Corporation (Úc).

Cụ thể, dự án nhà máy xử lý - tái chế chất thải rắn của Công ty cổ phần Tasco làm chủ đầu tư tại Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Tây Bắc có quy mô xử lý 500 tấn/ngày. Trong khi đó, dự án nhà máy đốt rác bằng năng lượng sét nhân tạo của nhà đầu tư Trisun Green Energy Corporation với năng lực tiêu hủy 1.000 tấn chất thải rắn/ngày và 2.000 tấn chất thải nguy hại/ngày cũng được UBND TP. HCM chấp thuận chủ trương từ năm 2017.

Thanh Tùng

Bạn đang đọc bài viết TP.HCM: Khẩn trương giải quyết vướng mắc tại các dự án chuyển đổi công nghệ xử lý rác. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới