TP.HCM: Kênh Nước Đen ô nhiễm trở lại sau hơn 1 năm cải tạo
Sau hơn 1 năm hoàn thành Dự án nâng cấp, cải tạo đường và kênh Nước Đen, hiện dòng kênh Nước Đen đang dần ô nhiễm trở lại do rác thải nhựa, lục bình ùn ứ lớn và nước thải chảy trực tiếp ra kênh khiến dòng nước đen kịt, bốc mùi hôi thối...
Dọc suốt tuyến kênh, rác thải nhựa, rác thải sinh hoạt ngập tràn khắp mặt kênh Nước Đen tạo nên hình ảnh xấu xí, ô nhiễm nghiêm trọng.
Nước của dòng kênh này hiện đã chuyển thành màu đen như đúng tên gọi kênh Nước Đen và bốc mùi hôi thối rất khó chịu.
Nhiều đường ống cống nước thải của các hộ dân, xưởng nhuộm vải, xí nghiệp, in ấn… chảy thẳng trực tiếp ra kênh Nước Đen.
Rác thải bị người dân bỏ ngay trên cầu, vỉa hè dọc theo kênh Nước Đen.
Hàng lan can của kênh Nước Đen cũng được chiếm dụng làm nơi phơi vải của xưởng may gần đó.
Chị Liên (37 tuổi) làm thợ may ngay cạnh dòng kênh chia sẻ: “Người ta cứ vứt rác bừa bãi vậy đó, mùi rất là hôi, mỗi lần trời nắng mà có gió thì không thể chịu nổi. Năm trước mới cải tạo xong thì thấy mừng lắm, không khí trong lành hẳn. Nhưng giờ càng ngày càng trở lại ô nhiễm như ngày trước.
Mong người dân mình ý thức hơn, rồi các cấp chính quyền sớm có biện pháp để cải thiện tình hình. Chứ cứ tình trạng như hiện tại thì ô nhiễm ngày càng nghiêm trọng, người dân ở cạnh như tôi trực tiếp bị ảnh hưởng về cuộc sống cũng như sức khoẻ nữa.”
Nhiều tấm pano, bảng hiệu được UBND phường Bình Hưng Hoà A đưa ra nhằm kêu gọi người dân không xả rác bừa bãi ra đường và kênh rạch để giữ gìn vệ sinh môi trường.
Tuy nhiên, giải pháp này đã không có hiệu quả khi lượng rác thải tràn ngập dưới dòng kênh Nước Đen, vỉa hè, lòng đường,… và ngay cả dưới chân bảng hiệu kêu gọi người dân không đổ rác của phường Bình Hưng Hoà A.
GÓC NHÌN CHUYÊN GIA:
Về nguyên nhân và giải pháp đối với tình trạng này, PGS.TS Lưu Đức Hải, Chủ tịch Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam nhận định, đầu tiên, nguyên nhân quan trọng nhất là ý thức của người dân, họ chưa thấy được nhiều vấn đề của việc rác thải nhựa đối với kênh rạch nên họ thấy tiện là họ vứt.
Tiếp đến là vấn đề quản lý của chính quyền địa phương, không quản lý được là người dân họ vứt rác không đúng nơi ngay.
Nguyên nhân cuối cùng là vấn đề kinh tế. Bởi khi chúng ta cho phép dùng nhựa tràn lan, thuế đối với mặt hàng nhựa lại rất rẻ, như vậy là người ta sẵn sàng dùng sản phẩm từ nhựa. Ví dụ như những chai nhựa đựng nước, không có ai thu mua thì người ta vứt ra ngoài môi trường. Hoặc như mình đi chợ, túi ni lông mà đắt thì người bán chỉ cho mình đủ số lượng dùng thôi.
Như vậy, giải pháp về lâu dài của vấn đề này là cần phải giáo dục cho người dân các kiến thức về rác thải nhựa; điều chỉnh các chính sách về kinh tế để hạn chế tối đa sản phẩm từ nhựa; đầu tư các trang thiết bị để hỗ trợ việc quản lý người dân vứt rác như: tăng cường thu gom rác tại nhà, mật độ thùng rác cần nhiều hơn, camera giám sát chỗ người dân hay xả rác,...
Thanh Vũ