Thứ sáu, 03/05/2024 16:14 (GMT+7)
Thứ ba, 13/06/2023 16:15 (GMT+7)

Chủ đầu tư chịu trách nhiệm nếu Dự án cải tạo kênh Tham Lương–Bến Cát–Rạch Nước Lên chậm tiến độ

Theo dõi KTMT trên

Trong buổi kiểm tra thực tế sáng ngày 13/6/2023, Bí thư Thành ủy TP. HCM cho biết, nếu để Dự án xây dựng hạ tầng cải tạo môi trường kênh Tham Lương–Bến Cát–Rạch Nước Lên chậm tiến độ thì chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm.

Sáng ngày 13/6/2023, Bí thư Thành ủy TP. HCM Nguyễn Văn Nên dẫn đầu đoàn kiểm tra thực tế Dự án Xây dựng hạ tầng và cải tạo môi trường kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên. Đoàn kiểm tra đã kiểm tra tiến độ thực tế của dự án tại Cống M1, đường CN1, Khu công nghiệp Tân Bình, quận Tân Phú.

Theo ông Bùi Thanh Tân, Giám đốc Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị TP. HCM cho biết, hiện nay 9/10 gói thầu xây lắp đang được các nhà thầu triển khai thi công thử cọc bê tông cốt thép, đóng cừ.

Chủ đầu tư chịu trách nhiệm nếu Dự án cải tạo kênh Tham Lương–Bến Cát–Rạch Nước Lên chậm tiến độ - Ảnh 1
Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên kiểm tra tiến độ thực hiện Dự án Xây dựng hạ tầng và cải tạo môi trường kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên.

Cũng trong sáng 13/6, Đoàn kiểm tra tiếp tục tiến hành kiểm tra thực tế dự án tại khu vực đường 35, khu vực trước cổng Trường Tiểu học Lê Quý Đôn (thuộc phường 14) và khu vực cống cầu Cụt 2, phường 13, quận Gò Vấp, TP. HCM.

Tại buổi kiểm tra, ông Nguyễn Văn Nên đã chỉ thị "Có vướng mắc cần tháo gỡ phải đề xuất trực tiếp, nếu không kiến nghị mà để dự án chậm tiến độ thì chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm".

Bí thư Thành ủy TP. HCM nhận định, sau hơn 3 tháng thi công nhưng tiến độ vẫn chưa được nhiều, để hoàn thành dự án theo đúng kế hoạch vào năm 2025 là một nhiệm vụ khó khăn.

Cũng theo ông Nên, Chủ đầu tư cần phải tập trung chỉ đạo các nhà thầu tăng cường thiết bị thi công, nhân lực, cần thiết có thể thi công ban đêm, phấn đấu đưa dự án hoàn thành vào dịp 30/4/2025.

Chủ đầu tư chịu trách nhiệm nếu Dự án cải tạo kênh Tham Lương–Bến Cát–Rạch Nước Lên chậm tiến độ - Ảnh 2
Đại diện chủ đầu tư báo cáo về tiến độ của dự án.

Được biết, Dự án Xây dựng hạ tầng và cải tạo môi trường kênh Tham Lương - Bến Cát - Rạch Nước Lên (kết nối tỉnh Long An qua sông Chợ Đệm và tỉnh Bình Dương, tỉnh Đồng Nai qua sông Sài Gòn) do Ban Quản lý Dự án Đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị TPHCM làm chủ đầu tư và Liên danh của Công ty TNHH Xây dựng và Khảo sát Công trình Thanh Tuấn (Công ty Thanh Tuấn) là đơn vị trúng thầu thi công 9 gói thầu thuộc dự án.

Tổng mức đầu tư của dự án là 8.200 tỷ đồng (trong đó vốn Ngân sách Trung ương 4.000 tỷ đồng, vốn Ngân sách địa phương 4.200 tỷ đồng), dự án Xây dựng hạ tầng và cải tạo môi trường kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên có mục tiêu giải quyết thoát nước, chống ngập và ô nhiễm môi trường, kết nối hạ tầng giao thông, đây là dự án hạ tầng mang tính chất phục vụ xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân. Đồng thời làm nền tảng cho sự phát triển kinh tế - xã hội của TP. HCM.

Mục tiêu của dự án là trục tiêu thoát nước, chống ngập úng cho diện tích 14.900 ha của khu vực và các khu vực khác có liên quan; đồng thời dự án cũng góp phần chỉnh trang đô thị và cải thiện môi trường, tăng cường năng lực giao thông cho trục Bắc Nam, góp phần cùng các dự án khác bảo đảm giao thông thủy theo Tiêu chuẩn đường thủy nội địa cấp V.

Chủ đầu tư chịu trách nhiệm nếu Dự án cải tạo kênh Tham Lương–Bến Cát–Rạch Nước Lên chậm tiến độ - Ảnh 3
Hiện trạng dự án Xây dựng 04 đoạn đê bao xung yếu khu vực Thủ Đức do Công ty Thanh Tuấn triển khai từ năm 2018.

Theo đó, dự án sẽ thực hiện nạo vét trên toàn tuyến kênh Tham Lương – Bến Cát – Nước Lên với chiều dài 31,46km; kè bờ toàn tuyến với tổng chiều dài 63,11 km. Cùng với đó là xây dựng tuyến đường giao thông hai bên bờ kênh với chiều dài 63,41 km. Đồng thời hoàn thiện hạ tầng thoát nước, công viên, cây xanh, chiếu sáng và 12 bến thuyền. Theo kế hoạch, dự án sẽ hoàn thành vào năm 2025.

Về Công ty Thanh Tuấn, như Tạp chí Kinh tế Môi trường đã thông tin, Công ty này đã trúng thầu và là nhà thầu thi công dự án Xây dựng 04 đoạn đê bao xung yếu khu vực Thủ Đức (gói thầu số 14) thuộc Bờ tả sông Sài Gòn nhằm chống nước tràn do lũ từ thượng nguồn, do triều cường và thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu nhằm bảo vệ khu dân cư và các công trình bên trong dọc theo Bờ tả sông Sài Gòn.

Đê bao có 4 đoạn, với tổng chiều dài 1.515m, kết cấu chính bằng tường cừ ván bê tông cốt thép dự ứng lực SW500A liên kết với hệ cọc chịu lực bê tông cốt thép vuông có tiết diện (35x35)cm; M350 thông qua sàn giảm tải bê tông cốt thép; kết hợp neo trên hệ cọc bê tông cốt thép.

Dọc tuyến đê/kè xây dựng hành lang để phục vụ giao thông bộ kết hợp vận hành đê. Dọc tuyến đường bố trí hệ thống cây xanh, hệ thống chiếu sáng cùng với hệ thống hành lang kỹ thuật tạo thuận lợi cho việc sửa chữa, bảo trì, nâng cấp sau này và đặc biệt là tạo cảnh quan đô thị.

Chiều rộng mặt đê bao là 5m, cao trình đỉnh vỉa hè là 2,5m, cao trình đỉnh tường kè là 2,7m. Ngoài ra còn có bộ phận gia cố chân kè, mương thoát nước dọc tuyến kè, mái taluy, hệ thống điện chiếu sáng, cây xanh, bồn hoa. Có 11 cống thoát nước có kết cấu bằng bê tông cốt thép M300 kiên cố. Hệ thống bến lên xuống với 5 bến được bố trí dọc theo tuyến đê bao, trong đó đoạn đê báo thứ 4 có 2 bến, các đoạn khác mỗi đoạn có 1 bến.

Chủ đầu tư chịu trách nhiệm nếu Dự án cải tạo kênh Tham Lương–Bến Cát–Rạch Nước Lên chậm tiến độ - Ảnh 4
Dự án Xây dựng 04 đoạn đê bao xung yếu khu vực Thủ Đức chậm tiến độ tới gần 3 năm.

Tổng mức đầu tư của dự án này là 443.701.829.000 đồng, dự kiến dự án được thực hiện từ năm 2017 cho đến năm 2020.

Tuy nhiên, theo khảo sát của PV Tạp chí Kinh tế Môi trường ngày 23/5/2023, theo ghi nhận tại đoạn 1 thuộc khu vực ký túc xá Trường Đại học Mỹ thuật của dự án, đến nay đơn vị trúng thầu là Công ty Thanh Tuấn vẫn chưa hoàn thiện xong việc thi công và bàn giao cho chủ đầu tư dự án.

Cụ thể ghi nhận thực tế công trình thi công, nhiều vị trí đã hoàn thiện và bắt đầu xảy ra tình trạng lún, nứt. Nhìn bằng mắt thường có thể thấy một đoạn dài chưa được hoàn thiện và chưa được lắp hàng rào bảo vệ tại khu vực sát mép sông.

Theo phản ánh của người dân sinh sống tại khu vực này thì đoạn công trình chưa được lắp hàng rào này mới được thi công vào khoảng tháng 2/2023 và lý do chưa hoàn thiện theo người dân tại đây cho biết là đơn vị thi công thi công không đúng thiết kế dẫn đến tình trạng bờ bị cong vênh nên chưa được nghiệm thu.

Ghi nhận tại đoạn 2 của dự án thì khu vực này đã thi công cơ bản tuy nhiên vẫn còn vị trí chưa được lát gạch nền và có nơi vật liệu thi công vẫn ngổn ngang và chưa có dấu hiệu hoàn thiện.

Đoạn 3 thuộc dự án xây dựng 4 đoạn đê xung yếu khu vực Thủ Đức có chiều dài khoảng 77m đã thi công xong. Tuy nhiên, hiện trạng đang có tình trạng xuống cấp, lún nứt và cây cỏ mọc tại các khe của gạch lát nền tại khu vực này. Theo người dân ở đây cho biết, tình trạng lún nứt tại đây đã xảy ra nhiều lần và cũng có người đến sửa chữa, tuy nhiên thời gian sau tình trạng này lại tiếp diễn và chưa thầy có dấu hiệu kiểm soát được việc lún nứt và xuống cấp tại khu vực.

Phóng viên tiếp tục ghi nhận tại đoạn 4 nằm trong gói thầu số 14 của Công ty Thanh Tuấn, thậm chí đoạn này nhà thầu thi công còn chưa thi công hoàn thiện và tại khu vực này vẫn nham nhở công trường thi công.

Theo ghi nhận đoạn 4 có chiều dài khoảng 500m, nhà thầu mới thi công được khoảng 50m còn lại công trường thi công vẫn đang được công nhân san lấp mặt bằng và thi công xây dựng. Tại công trường máy xúc, vật liệu xây dựng vẫn ngổn ngang và không biết đến khi nào khu vực này mới được hoàn thiện.

Nhìn vào tiến độ thực hiện của Công ty Thanh Tuấn tại dự án xây dựng 4 đoạn đê xung yếu khu vực Thủ Đức bị chậm đến gần 3 năm, dư luận không khỏi đặt nghi vấn về tiến độ Dự án Xây dựng hạ tầng và cải tạo môi trường kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên liệu có được hoàn thành theo đúng chỉ thị của Bí thư Thành ủy TP. HCM ?.

Phạm Thạch

Bạn đang đọc bài viết Chủ đầu tư chịu trách nhiệm nếu Dự án cải tạo kênh Tham Lương–Bến Cát–Rạch Nước Lên chậm tiến độ. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới