TP. Hồ Chí Minh hợp tác phát triển 5 lĩnh vực trọng yếu với Ninh Thuận
Để tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả chương trình hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa tỉnh Ninh Thuận và TP. Hồ Chí Minh, 2 địa phương đã thống nhất 5 lĩnh vực hợp tác chung theo đề xuất của UBND TP. Hồ Chí Minh.
Chiều 14/4, tại TP. Phan Rang - Tháp Chàm, Chủ tịch UBND TP. HCM Phan Văn Mãi cùng đoàn công tác TP. HCM đã có buổi làm việc với UBND tỉnh Ninh Thuận về Chương trình trao đổi hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa hai địa phương.
Theo báo cáo của UBND tỉnh Ninh Thuận, thực hiện nội dung thỏa thuận hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa TP. HCM và tỉnh Ninh Thuận giai đoạn 2015-2020 do hai địa phương ký kết vào tháng 10/2014, tỉnh Ninh Thuận đã tận dụng tốt các tiềm năng và lợi thế riêng có, biến cái bất lợi trở thành lợi thế cạnh tranh, biến thách thức thành cơ hội phát triển. Tốc độ tăng GRDP bình quân giai đoạn 2016-2020 đạt 10,2%/năm (cao hơn giai đoạn 2011-2015 là 7,3%/năm).
Ông Lê Kim Hoàng, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Ninh Thuận, cho biết qua gần 10 năm triển khai chương trình hợp tác với TP. HCM, kinh tế của tỉnh đạt nhiều kết quả thiết thực, toàn diện và có sức lan tỏa rộng trên các lĩnh vực. Đến nay, đã có 45 dự án đầu tư của doanh nghiệp TP. HCM, nguồn vốn tương đương 60.000 tỉ đồng, đầu tư vào tỉnh Ninh Thuận, trong đó giai đoạn 2014-2022, tỉnh đã thu hút 24 dự án đầu tư của các doanh nghiệp TP. HCM, tổng vốn trên 31.500 tỉ đồng.
Để tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả chương trình hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa tỉnh Ninh Thuận và TP. HCM, UBND tỉnh Ninh Thuận giai đoạn 2023 - 2025 và những năm tiếp theo, 2 địa phương đã thống nhất 5 lĩnh vực hợp tác chung theo đề xuất của UBND TP. HCM, gồm: Phát triển du lịch; kết nối cung - cầu, xúc tiến đầu tư - thương mại; phát triển khoa học công nghệ, chuyển đổi số, đào tạo nguồn nhân lực; phát triển nông nghiệp và hợp tác thích ứng với biến đổi khí hậu.
Theo ông Trần Quốc Nam, chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận, đây là những lĩnh vực hai địa phương có lợi thế, cần tiếp tục tăng cường phối hợp xúc tiến, mời gọi doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực xây dựng và kinh doanh bất động sản; xúc tiến mời gọi đầu tư các dự án du lịch chất lượng cao; hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực, liên kết giải quyết cung - cầu lao động, xuất khẩu lao động...
Tỉnh Ninh Thuận cũng đề nghị UBND TP. HCM tiếp tục chia sẻ kinh nghiệm về cơ chế chính sách của địa phương trong hỗ trợ đầu tư, xây dựng kế hoạch phối hợp xúc tiến và quản lý đầu tư; định kỳ gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm trong thu hút và cải tiến các thủ tục đầu tư giữa hai địa phương.
Bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Giám đốc Sở Du lịch TP. HCM đánh giá, tỉnh Ninh Thuận có đầy đủ yếu tố để phát triển du lịch giao thoa giữa khu vực Nam Trung Bộ và Tây nguyên, du lịch tàu biển từ cảng Cà Ná…Bên cạnh đó, nhằm thu hút hơn nữa nguồn khách đến từ TP.HCM, tỉnh Ninh Thuận cần làm phong phú các loại hình du lịch, đa dạng hơn các dịch vụ để khách đến nhiều và lưu trú dài hạn.
Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND TP. HCM Phan Văn Mãi thống nhất cao với 5 lĩnh vực đề xuất hợp tác giữa thành phố và tỉnh Ninh Thuận. TP. HCM xác định trách nhiệm của mình, tích cực triển khai các nội dung thỏa thuận; đồng thời sẽ thể hiện sự chủ động trong phối hợp triển khai chương trình với tỉnh Ninh Thuận.
“TP. HCM cam kết sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất và đồng hành cùng các doanh nghiệp của thành phố trong việc đầu tư, cũng như triển khai các chương hợp tác tại tỉnh Ninh Thuận. Nhân dịp này, chúng tôi đề nghị các doanh nghiệp TP. HCM, lãnh đạo các sở, ngành của hai địa phương tích cực triển khai các lĩnh vực đã đề xuất đã nêu”, ông Phan Văn Mãi khẳng định.
Trong khuôn khổ của chương trình hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2023 - 2025 và những năm tiếp theo, lãnh đạo 2 địa phương và lãnh đạo các sở, ngành đã chứng kiến lễ ký kết thỏa thuận hợp tác khai thác, kinh doanh và phát triển hệ thống cảng biển và chuỗi logistics của Cảng Sài Gòn và Cảng Cà Ná giữa Công ty CP Sài Gòn và Trungnam Group.
Thạch Phạm