Thứ bảy, 21/12/2024 19:06 (GMT+7)
    Thứ ba, 16/11/2021 06:56 (GMT+7)

    TP.HCM: Hơn 19.000 tỉ đồng nhằm chỉnh trang và phát triển đô thị đến năm 2025

    Theo dõi KTMT trên

    Đến năm 2025, TP.HCM đặt ra mục tiêu di dời 6.500 căn nhà trên và ven kênh, rạch với tổng vốn đầu tư dự kiến 19.280 tỉ đồng, góp phần giải quyết nhu cầu thoát nước, cải thiện môi trường, đồng thời chỉnh trang, phát triển đô thị.

    Di dời di dời 6.500 căn nhà trên và ven kênh, rạch

    Mới đây, UBND TP.HCM có Quyết định về thực hiện chỉnh trang và phát triển đô thị trên địa bàn thành phố giai đoạn 2021-2025 và các năm tiếp theo.

    Theo đó, trong giai đoạn 2021-2025, TP.HCM đặt ra mục tiêu di dời 6.500 căn nhà trên và ven kênh, rạch với tổng vốn đầu tư dự kiến 19.280 tỉ đồng; trong đó sẽ đầu tư ba dự án gồm nạo vét, cải tạo rạch Xuyên Tâm (đoạn từ kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè đến sông Vàm Thuật), kênh Hy Vọng (quận Tân Bình) và cải tạo rạch Văn Thánh (quận Bình Thạnh).

    Báo cáo của Sở Xây dựng TP.HCM cho biết, giai đoạn 2016 – 2020, TP đạt 12,4% chỉ tiêu di dời nhà ở trên và ven kênh rạch (2.479 căn trong số 20.000 căn cần di dời). Theo kế hoạch tổ chức thực hiện chỉnh trang và phát triển đô thị trên địa bàn thành phố giai đoạn 2021-2025 và các năm tiếp theo, vốn ngân sách được chia thành 3 nhóm.

    TP.HCM: Hơn 19.000 tỉ đồng nhằm chỉnh trang và phát triển đô thị đến năm 2025 - Ảnh 1
    Giai đoạn 2021-2025, TP.HCM đặt mục tiêu di dời 6.500 căn nhà trên và ven kênh. (Ảnh: cafef.vn)

    Nhóm 1 sẽ di dời 3.220 căn với tổng vốn đầu tư dự kiến 12.530 tỉ đồng, gồm 3 dự án giải quyết nhu cầu thoát nước, cải thiện môi trường có kết hợp di dời nhà trên và ven kênh rạch để chỉnh trang đô thị. Đó là dự án Nạo vét, cải tạo môi trường, xây dựng hạ tầng rạch Xuyên Tâm (từ kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè đến sông Vàm Thuật) qua địa bàn 2 quận Bình Thạnh và Gò Vấp với tổng mức đầu tư dự kiến 9.350 tỉ đồng, quy mô di dời 2.196 căn. 

    Dự án Cải tạo kênh Hy Vọng (quận Tân Bình), giải quyết tiêu thoát nước mưa, giảm ngập úng cho khu vực Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất với tổng mức đầu tư dự kiến 1.980 tỉ đồng, quy mô di dời 190 căn. Dự án Nạo vét, cải tạo rạch Văn Thánh (quận Bình Thạnh) với tổng mức đầu tư dự kiến 1.200 tỉ đồng, quy mô di dời 834 căn.

    Nhóm 2 sẽ di dời 3.250 căn với tổng vốn đầu tư dự kiến 5.543 tỉ đồng, gồm 14 dự án di dời nhà trên và ven kênh rạch đã triển khai xong các bước chuẩn bị đầu tư trong giai đoạn 2016-2020.

    Nhóm 3 sẽ đẩy nhanh tiến độ thực hiện các bước chuẩn bị đầu tư 30 dự án còn lại với quy mô 7.282 căn, tổng vốn đầu tư dự kiến 10.362 tỉ đồng.

    Đối với dự án vốn ngoài ngân sách, TP.HCM tập trung hoàn tất các thủ tục chuẩn bị để sớm tổ chức đấu thầu lựa chọn chủ đầu tư thực hiện 6 dự án với quy mô 6.630 căn, trong đó trọng tâm là dự án bờ Nam kênh Đôi (5.055 căn).

    Xây dựng mới 6 chung cư cấp D đã thực hiện di dời

    Đối với việc cải tạo, sửa chữa, tháo dỡ, đầu tư xây mới thay thế chung cư cũ, Thành phố phấn đấu hoàn tất đầu tư, xây dựng mới 6 chung cư cấp D đã thực hiện di dời, tháo dỡ trong giai đoạn 2016-2020, gồm: chung cư 128 Hai Bà Trưng, chung cư 23 Lý Tự Trọng (quận 1); chung cư 6 Bis Nguyễn Tất Thành (quận 4); chung cư 40/1 Tân Phước, chung cư 47 Long Hưng và chung cư 170-171 Tân Châu (quận Tân Bình).

    TP.HCM: Hơn 19.000 tỉ đồng nhằm chỉnh trang và phát triển đô thị đến năm 2025 - Ảnh 2
    TP.HCM nỗ lực cải tạo, sửa chữa, tháo dỡ, đầu tư xây mới thay thế chung cư cũ, góp phần chỉnh trang và phát triển đô thị. (Ảnh: vtc.vn)

    Thêm vào đó, TP.HCM cũng hoàn tất việc di dời, tháo dỡ đối với 8 chung cư cấp D chưa thực hiện di dời hoặc di dời dở dang trong giai đoạn 2016-2020, gồm: chung cư 11 Võ Văn Tần (quận 3); chung cư 119B Tân Hòa Đông (quận 6); chung cư 155-157 Bùi Viện (quận 1); chung cư Trúc Giang, chung cư Vĩnh Hội (lô A, B, C; quận 4); chung cư 440 Trần Hưng Đạo (quận 5); chung cư 137 Lý Thường Kiệt và chung cư 149-151 Lý Thường Kiệt (quận Tân Bình).

    Ngoài ra, TP.HCM cũng hoàn tất việc cải tạo, sửa chữa 180 chung cư cấp B và 66 chung cư cấp C còn lại của giai đoạn 2016-2020 với tổng vốn đầu tư dự kiến 500 tỉ đồng từ ngân sách.

    Trong khi đó với chương trình nâng cấp, chỉnh trang các khu dân cư hiện hữu, TP sẽ tiếp tục đầu tư cải thiện dịch vụ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, xây dựng đồng bộ giao thông, hệ thống cấp thoát nước, chiếu sáng, nâng cấp các khu dân cư lụp xụp, khu dân cư thu nhập thấp; đẩy mạnh thu hút đầu tư phát triển khu đô thị mới Thủ Thiêm, Khu đô thị Hiệp Phước, Bình Quới - Thanh Đa, Khu đô thị Tây Bắc... 

    Đối với việc xây dựng chung cư cũ, trong số 474 chung cư được xây dựng trước năm 1975, TP đã xây mới được 2 chung cư, đang xây dựng 3 chung cư. Về chương trình nâng cấp, chỉnh trang các khu dân cư hiện hữu, phát triển khu đô thị mới, thành phố đã triển khai các thủ tục pháp lý về chấp thuận đầu tư cho 218 dự án nhà ở xen cài trong khu dân cư hiện hữu với quy mô gần 164.000 căn hộ chung cư và gần 12.000 căn nhà ở thấp tầng.

    Bên cạnh đó, khởi công tại 144/176 lô đất tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm, phát triển thêm 1,86/4,2 triệu m2 sàn xây dựng Khu đô thị mới Nam thành phố, bồi thường, thu hồi được 3.347/6.000 ha giai đoạn 1 Khu đô thị Tây Bắc; triển khai nâng cấp, mở rộng, bê tông hóa mặt đường đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội trong các khu dân cư hiện hữu…

    Trao đổi về vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Minh Hòa, nguyên Trưởng khoa Đô thị học, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM nhận định, kế hoạch cải tạo, chỉnh trang nhà ở trên và ven kênh rạch là dự án lớn, có ý nghĩa quan trọng trong công tác an sinh xã hội của TP.HCM. Kế hoạch cần nguồn vốn rất lớn, TP.HCM không thể vay thêm theo hình thức ODA, trong khi đó, các nguồn huy động tư nhân theo hình thức PPP cũng gặp khó khăn.

    Để giải quyết vấn đề vốn, TP.HCM cần nghiên cứu giải pháp mở rộng hành lang giải tỏa, tạo quỹ đất thương mại lớn, sau đó đấu giá để lấy tiền xây dựng cơ sở hạ tầng, nhà ở tái định cư.

    “Do điều kiện lịch sử để lại, phần lớn các hộ dân có nhà ở trên và ven kênh, rạch đều có nguồn gốc pháp lý không rõ ràng. Trong khi đó, nhiều hộ có số nhân khẩu đông, cần có chỗ ở để đảm bảo cuộc sống. Vì vậy, chính quyền TP.HCM cần có chính sách hỗ trợ bồi thường riêng cho đối tượng đặc thù này thì mới giải quyết được bài toán tái định cư hiệu quả”, PGS.TS Nguyễn Minh Hòa kiến nghị.

    Lan Anh (T/h)

    Bạn đang đọc bài viết TP.HCM: Hơn 19.000 tỉ đồng nhằm chỉnh trang và phát triển đô thị đến năm 2025. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

    Tin mới

    Bộ Công Thương đề xuất chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu
    Dự án đầu tư phát triển nguồn điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu là dự án năng lượng tái tạo thuộc danh mục ngành, nghề đặc biệt ưu đãi đầu tư theo quy định pháp luật về đầu tư, được hưởng các cơ chế ưu đãi về thuế theo quy định pháp luật.