Thứ sáu, 19/04/2024 20:14 (GMT+7)
Thứ sáu, 14/05/2021 17:53 (GMT+7)

Dự án cải tạo rạch Xuyên Tâm: 20 năm vẫn đang nằm trên giấy

Theo dõi KTMT trên

Gần 20 năm qua, rạch Xuyên Tâm đi qua địa bàn hai quận Bình Thạnh và Gò Vấp là “điểm đen” ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng cuộc sống của hàng nghìn hộ dân và làm mất mỹ quan đô thị.

20 năm vẫn chờ được "hồi sinh"

Rạch Xuyên Tâm có tổng chiều dài 8,2 km, bao gồm rạch chính dài 6,4 km và 3 nhánh, gồm rạch Cầu Sơn, rạch Long Vân và Rạch Lăng. Rạch Xuyên Tâm chảy qua 2 quận Bình Thạnh và Gò Vấp, điểm đầu nối vào sông Vàm Thuật, điểm cuối nối với kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè.

Hiện tại, dọc theo lưu vực của rạch Xuyên Tâm là điểm nóng về ô nhiễm môi trường trên địa bàn TP.HCM. Nhiều đoạn rạch đã bị lấn chiếm, xây dựng chiều ngang chỉ còn chưa đến 1 m, dòng chảy bị tắc nghẽn, nước thải ùn ứ, đen kịt, bốc mùi hôi thối quanh năm... Năm 2002, TP.HCM đã có chủ trương thực hiện dự án cải tạo rạch Xuyên Tâm .

Tháng 3/2011, Công ty Cổ phần Hà Nội Ngàn Năm (HNNN) đã chính thức có báo cáo đầu kỳ dự án cải tạo rạch Xuyên Tâm và chỉnh trang đô thị ven rạch cho Sở Giao thông Vận tải TP.HCM. Theo đó, dự án cải tạo rạch Xuyên Tâm được chia thành ba giai đoạn, gồm các hạng mục: Giải tỏa nhà lấn chiếm ven kênh, nạo vét toàn tuyến, xây dựng bờ kè dọc tuyến, đường giao thông hai bên kênh và thực hiện di dân... Dự án được Công ty Cổ phần HNNN đề xuất làm theo hình thức BT (đổi đất lấy công trình) với tổng vốn khoảng 7.000 tỉ đồng.

Dự án cải tạo rạch Xuyên Tâm: 20 năm vẫn đang nằm trên giấy - Ảnh 1
Rạch Xuyên Tâm hiện đang trong tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng.

Trước Công ty Cổ phần HNNN, dự án cải tạo rạch Xuyên Tâm đã được UBND TP giao cho Tập đoàn Wijaya Baru Global Berhad (Malaysia) nghiên cứu, nhưng sau đó nhà đầu tư này đã ngừng nghiên cứu.

Năm 2015, Công ty Cổ phần HNNN tiếp tục có đề xuất xin được đầu tư dự án cải tạo rạch Xuyên Tâm với tổng vốn đầu tư là 5.106 tỉ đồng, trong đó chi phí giải phóng mặt bằng ước tính gần 1.100 tỉ đồng. Nhà đầu tư hoàn vốn bằng cách khai thác quỹ đất (Giải tỏa rộng ra 2 bên, khai thác quỹ đất) trong khu vực dự án mà không cần hỗ trợ từ ngân sách TP.

Ngoài Công ty Cổ phần HNNN, Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) có văn bản gửi UBND TP.HCM đề nghị được hỗ trợ đến 70% (khoảng 3.500 tỉ đồng) tổng vốn đầu tư thực hiện dự án, với điều kiện có ít nhất một nhà đầu tư Nhật Bản sẽ được tham gia. Theo JICA, mục đích của dự án là cải thiện môi trường, ngăn thủy triều dâng, phát triển hạ tầng vận tải và cải thiện chất lượng cuộc sống cho cư dân vùng ven rạch Xuyên Tâm là hợp lý, phù hợp với khái niệm của cơ quan này về Hợp tác công tư (PPP).

Tháng 4/2017, Đoàn công tác Thành ủy TP.HCM đã có chuyến đi Nhật Bản và đã gặp nhóm nhà đầu tư Nhật Bản quan tâm dự án rạch Xuyên Tâm gồm Công ty Daiwa Houssing, Mitsubishi, Fujita Engineering, Oriental Consulting Group và một công ty trong nước là Công ty Cổ phần HNNN. Tại buổi gặp các nhà đầu tư quan tâm đến dự án cải tạo rạch Xuyên Tâm , ông Đinh La Thăng đã cam kết giải phóng mặt bằng không quá 18 tháng, quyết tâm để trong năm 2017 khởi động dự án và hoàn thành trước năm 2020.

Với sự quyết tâm cao độ, có những thời điểm dự án cải tạo rạch Xuyên Tâm tưởng chừng đã thành công đến nơi. Đáng tiếc, sau gần 20 năm kể từ lúc có chủ trương, đến nay dự án cải tạo rạch Xuyên Tâm vẫn nằm trên giấy.

Triển khai dự án đa mục tiêu

Mới đây, dự án cải tạo rạch Xuyên Tâm một lần nữa được khởi động khi Ban Quản lý Dự án Đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị TP.HCM đề xuất đầu tư. Theo Ban quản lý dự án, hồ sơ dự án hiện đã hoàn tất và chuẩn bị các thủ tục dự kiến trình HĐND TP.HCM thông qua chủ trương đầu tư trong kỳ họp tới. 

Theo đó, tổng mức đầu tư dự án hơn 9.300 tỉ đồng, trong đó phần kinh phí xây dựng ước tính gần 4.500 tỉ đồng, còn lại là kinh phí giải phóng mặt bằng. Dự án bao gồm các hạng mục: Nạo vét tuyến rạch Xuyên Tâm dài 6,2 km từ kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè đến sông Vàm Thuật cùng ba tuyến nhánh dài gần 2 km (cầu Sơn, Bình Triệu và Bình Lợi); làm đường hai bên; hệ thống thu gom nước thải trên phạm vi 700 ha... Dự kiến sẽ khởi công và hoàn thành dự án trong giai đoạn 2021 - 2025. 

Theo tính toán của Ban Quản lý Dự án Đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị TP.HCM, để thực hiện dự án cải tạo, xây dựng hạ tầng rạch Xuyên Tâm , thành phố cần di dời 2.195 hộ dân. Trong đó, có 950 hộ ở hai quận Bình Thạnh, Gò Vấp phải di dời toàn phần. Riêng phần bồi thường, giải phóng mặt bằng, TP.HCM cần chi phí gần 5.000 tỉ đồng. Trong đó, chi phí đền bù cho đoạn rạch qua quận Bình Thạnh hơn 4.300 tỉ đồng, đoạn qua quận Gò Vấp gần 470 tỉ đồng.

Bên cạnh mục tiêu cải thiện vệ sinh môi trường, dự án sẽ hướng đến việc chống ngập, nâng cấp hạ tầng giao thông, giải tỏa ùn tắc trên một vùng rộng lớn, tổ chức lại dân cư sinh sống dọc tuyến kênh và mục tiêu xa hơn là phát triển du lịch đường thủy. Theo đó, dọc hai bên tuyến kênh sẽ được bố trí hai làn xe cơ giới với chiều rộng từ 6 - 8 m. Hệ thống giao thông mới sẽ giúp việc di chuyển từ khu vực trung tâm thành phố đến khu vực ngoại thành như kênh Tham Lương - Bến Cát, Khu công nghiệp Bình Tân rút ngắn đáng kể. 

Dự án cải tạo rạch Xuyên Tâm còn có hạng mục thu gom nước thải của nhà dân toàn bộ khu vực chuyển về Trạm bơm Nguyễn Hữu Cảnh (quận 1) và Nhà máy nước Nhiêu Lộc - Thị Nghè giai đoạn 2 (TP.Thủ Đức). Khi đi vào vận hành, tình trạng ngập do mưa, do triều trên địa bàn sẽ được khắc phục. Ngoài ra, dọc tuyến rạch Xuyên Tâm , nhiều công viên, khu vực vui chơi giải trí sẽ hình thành, phục vụ phát triển du lịch, thu hút đầu tư trong tương lai.

Theo Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hòa Bình, việc cải tạo kênh, rạch là chương trình mà thành phố đã nỗ lực thực hiện từ hơn 20 năm nay nhưng chưa đạt được kết quả như mong muốn. Thành phố sẽ tiếp tục thực hiện những nội dung liên quan đến cải tạo kênh, rạch. Thành phố sẽ có những giải pháp để phát huy nguồn lực của xã hội để cùng cải tạo rạch Xuyên Tâm , rạch Văn Thánh. Với rạch Xuyên Tâm , thành phố đặt nhiều mục tiêu và kỳ vọng trong chỉnh trang diện mạo đô thị, cải tạo môi trường. Với dự án lớn như cải tạo rạch Xuyên Tâm , những khó khăn xuất hiện là điều đương nhiên nhưng thành phố đã đặt quyết tâm cao thực hiện và hoàn thành trong nhiệm kỳ này. 

Mới đây, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong đã dẫn đầu đoàn khảo sát của thành phố kiểm tra hiện trạng, phương hướng thực hiện dự án cải tạo rạch Xuyên Tâm và khẳng định: Việc cải tạo rạch Xuyên Tâm là nhu cầu rất bức thiết để nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân nơi đây, góp phần chỉnh trang đô thị, do đó, dự án cần được ưu tiên vốn để thực hiện. Thành phố quyết tâm cân đối các nguồn lực làm nhanh dự án này, đáp ứng mong mỏi của người dân. Trong đó, chi phí đền bù giải phóng mặt bằng của dự án sẽ thực hiện bằng vốn ngân sách, phần xây dựng kêu gọi xã hội hóa.

Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thành Phong cũng yêu cầu việc cải tạo rạch Xuyên Tâm phải tính tới vấn đề tái định cư cho người dân bị ảnh hưởng. Việc di dời 950 hộ dân bị giải tỏa "trắng" ở Bình Thạnh và Gò Vấp nếu không tổ chức tái định cư sẽ khó thực hiện. Hiện, quận Bình Thạnh đã bố trí được 615 căn hộ chung cư cho người dân thuộc diện giải tỏa "trắng" mà dự án đi qua, cần thêm 300 căn hộ tái định cư nữa...

KTS Trần Vĩnh Nam cho biết việc phát triển kinh tế bằng kênh, rạch hiện được nhiều nước quan tâm và đầu tư. Tại thủ đô Bangkok (Thái Lan), qua nhiều năm giải tỏa, đến nay kênh, rạch đang trở thành nguồn tài nguyên quý giá thúc đẩy sự phát triển mọi mặt. Sự hồi sinh của dòng kênh vừa giải quyết vấn đề ô nhiễm vừa giúp giảm bớt áp lực hạ tầng giao thông.

Gần 20% người dân ở thủ đô Bangkok đi làm bằng hệ thống buýt đường sông (tổng lượt hành khách 30.000 lượt/ngày). Số tiền sử dụng phương tiện này rẻ, chỉ bằng một nửa so với tàu điện trên cao và tàu điện ngầm, thời gian di chuyển nhanh gấp 5 lần so với sử dụng ôtô. Đặc thù kênh, rạch tại đây có nét giống TP.HCM. Vì vậy, dù khó cách mấy cũng phải chỉnh trang đô thị một cách bài bản để hồi sinh được đô thị "trên bến, dưới thuyền".

Minh Phương

Bạn đang đọc bài viết Dự án cải tạo rạch Xuyên Tâm: 20 năm vẫn đang nằm trên giấy. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Huy động thêm 400 người tham gia chữa cháy rừng tại Cà Mau
Tỉnh Cà Mau đã huy động thêm 400 người tham gia cháy rừng tại Nông trường 402, xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời. Đến khoảng gần 3 giờ ngày 11/4, đám cháy cơ bản được khống chế, không để xảy ra cháy lan ra khu vực lân cận.

Tin mới

Petrovietnam kinh doanh ra sao trong quý I?
Trong quý I/2024, hầu hết các chỉ tiêu sản xuất của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) đều hoàn thành vượt mức kế hoạch. Trong đó, khai thác dầu thô đạt 2,54 triệu tấn, vượt 19,4% .