TP.HCM đứng trước thử thách lớn trong đợt giãn cách xã hội lần 2
Người dân và chính quyền TP.HCM đang đứng trước thử thách lớn trong đợt giãn cách xã hội lần thứ 2 vì vừa đảm bảo phòng chống dịch bệnh vừa phát triển kinh tế.
Trong 7 ngày (tính từ 30/5 đến 7/6), số ca mắc Covid-19 tại TP.HCM tăng 2,6 lần, từ 157 ca lên 422 ca. Dịch bệnh có dấu hiệu chững lại, thể hiện qua xu hướng giảm của số ca nhiễm cộng đồng.
Nhưng đến ngày giãn cách thứ 11, số ca nhiễm tăng dần đều. Tỷ lệ lây nhiễm lúc này lên tới 62,9 ca/triệu dân, vượt xa mốc an toàn là 10 ca/triệu dân. Người đứng đầu chính quyền TP.HCM bày tỏ rõ sự lo ngại khi số F0 chưa rõ nguồn lây tăng vọt. Điều đó chứng tỏ tình hình trong cộng đồng thời gian vừa qua vẫn chưa kiểm soát được hết.
Một tín hiệu vui là chuỗi lây nhiễm điểm nhóm Hội thánh truyền giáo Phục Hưng với 470 ca bệnh đã được chặt đứt. Thế nhưng, từ 2/6, thành phố ghi nhận 6 chùm ca bệnh chưa rõ nguồn lây, chưa được kiểm soát, tất cả đều phát hiện trong cộng đồng.
Đáng lo ngại hơn cả, một trong những cơ sở y tế quan trọng của thành phố là Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM đã ghi nhận tới 55 ca nhiễm (tính tới ngày 14/6). Số bệnh nhân nặng tăng dần, trong khi năng lực cấp cứu có hạn. Ngày 12/6, TP.HCM ghi nhận số người nhập viện điều trị cao kỷ lục với 117 bệnh nhân.
Ngày càng xuất hiện những ca lây nhiễm bất ngờ. Trong 2 tuần, 30 cơ sở y tế trong TP.HCM đã ghi nhận 48 trường hợp dương tính qua khám sàng lọc. Ngày giãn cách thứ 15, địa phương cuối cùng của TP chưa xuất hiện dịch là huyện Cần Giờ cũng có ca nhiễm. Covid-19 xuất hiện ở toàn bộ 22 quận, huyện, thành phố.
Qua đó, có thể thấy những mối lây nhiễm đang “âm thầm lây lan” trong cộng đồng. Các chuỗi lây mới phát hiện chủ yếu lây nhiễm qua tiếp xúc gần tại nơi cư trú, nơi làm việc.
Nhận định về tình hình Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) Nguyễn Trí Dũng cho rằng, việc giãn cách thêm 2 tuần là rất cần thiết bởi nếu không, những trường hợp lây lan âm thầm sẽ có điều kiện tiếp xúc trong xã hội. Thế giới quy định thời gian ủ bệnh của virus SARS-CoV-2 là 14 ngày. Tuy nhiên, ông Dũng thẳng thắn nhìn nhận: “2 tuần không có nghĩa là số ca bệnh giảm”.
Theo công bố của Bộ Y tế, từ 27/4 đến nay, TP.HCM có tổng cộng 894 bệnh nhân Covid-19. Trong đó, ổ dịch lớn nhất liên quan điểm nhóm truyền giáo Phục Hưng cơ bản đã được kiểm soát.
Thế nhưng dịch có diễn biến phức tạp khi xuất hiện nhiều chùm ca bệnh chưa rõ nguồn lây. Đặc biệt, dịch đã xâm nhập Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP. Hồ Chí Minh. Ca bệnh đầu tiên được phát hiện vào ngày 12/6 thuộc phòng công nghệ thông tin. Chỉ sau 4 ngày được phát hiện, ổ dịch này có 69 người gồm nhân viên y tế và người liên quan.
Do đó, để đạt hiệu quả kiểm soát dịch bệnh trong thời gian giãn cách xã hội, HCDC khuyến cáo người dân cần tuân thủ đúng các quy định, khai báo y tế khi có nguy cơ, chủ động khám bệnh khai báo y tế trung thực khi có biểu hiện viêm đường hô hấp.
Trong cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TP.HCM ngày 14/6, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên cũng nhận định rằng, dù đã tập trung trí tuệ, công sức, vật chất để chống dịch nhưng diễn biến dịch Covid-19 vẫn đang rất phức tạp, xuất hiện nhiều ổ dịch mới chưa rõ nguồn lây, nhiều trường hợp không có triệu chứng, trong khi khâu tầm soát không thể bao quát và phát hiện trong thời gian ủ bệnh. Bên cạnh đó, sự chủ quan, lơ là của một số cá nhân gây nguy hiểm cho tập thể, cộng đồng.
Ông Nên cho rằng, thử thách lớn đang đặt ra tiếp theo cho TP.HCM với câu hỏi “Biện pháp nào để kiểm soát dịch bệnh và phục hồi sản xuất an toàn, nhanh chóng?”.
Từ đó có thể thấy rằng, đợt giãn cách thứ 2 của TP.HCM đang diễn ra, đây có thể là đợt giãn cách cuối cùng ở thành phố có nền kinh tế sôi động bậc nhất ở Việt Nam nhưng đồng thời đây cũng có thể chưa phải là đợt giãn cách xã hội cuối cùng nếu như vẫn còn xuất hiện sự chủ quan, lơ là của một số người dân. Đây cũng chính là thử thách lớn nhất cho mỗi người để vượt qua, chấp hành tốt các khuyến cáo và biện pháp cách ly sẽ giúp toàn thành phố vượt qua được thời điểm khó khăn này.
Duy Thật