Thứ sáu, 03/05/2024 12:56 (GMT+7)
Thứ bảy, 24/09/2022 13:30 (GMT+7)

TP. HCM quyết tâm giảm khai thác nước dưới đất

Theo dõi KTMT trên

Nhằm hạn chế việc khai thác nước ngầm dưới đất gây ô nhiễm, cạn kiệt nguồn nước và sụt lún đất, TP. HCM đã thực hiện đồng bộ các giải pháp để hoàn thành mục tiêu đến năm 2025 sẽ giảm khai thác nước dưới đất còn 100.000m3/ngày/đêm.

TP. HCM quyết tâm giảm khai thác nước dưới đất - Ảnh 1
TP. HCM quyết tâm giảm khai thác nước ngầm để giảm thiểu cạn kiệt nguồn nước và sụt lún đất

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường TP. HCM, để giảm khai thác nước ngầm trên địa bàn Thành phố, từ năm 2018 UBND TP. HCM đã có Quyết định số 1242/QĐ –UBND về Kế hoạch giảm khai thác nước dưới đất và trám lấp giếng khai thác nước dưới đất đến năm 2025 nhằm đưa ra các giải pháp khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả nguồn tài nguyên nước dưới đất gắn với bảo vệ, hạn chế ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt nguồn nước, sụt lún đất.

Sau 4 năm thực hiện Quyết định số 1242/QĐ –UBND, TP. HCM đã đạt được nhiều kết quả khả quan trong việc giảm khai thác nước ngầm dưới đất trên địa bàn Thành phố. Theo đó,TP. HCM đã thực hiện giảm mạnh lượng khai thác nước dưới đất từ 716.581m3/ngày/đêm xuống còn 264.581m3/ngày/đêm. Lượng khai thác nước ngầm hộ gia đình ước giảm còn 235.703m3/ngày/đêm; lượng khai thác nước ngầm trong các khu công nghiệp, khu chế xuất giảm 28.805m3/ngày/đêm; lượng khai thác nước ngầm bên ngoài các khu công nghiệp, khu chế xuất (không phải hộ gia đình) giảm 145.220m3/ngày/đêm…

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường TP. HCM, hiện nay địa phương còn 159 công trình đang khai thác nước ngầm, trong đó có 9 công trình (giảm 6 công trình) do Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp phép với tổng lưu lượng 80.980 m3/ngày/đêm và 150 công trình (giảm 416 công trình) do Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM cấp phép với tổng lưu lượng 63.445 m3/ngày/đêm.

Mặc dù đạt được nhiều kế quả khả quan nhưng Sở Tài nguyên và Môi trường TP. HCM đánh giá, trong quá trình triển khai, thực hiện giảm khai thác nước dưới đất còn gặp nhiều khó khăn. Hiện mới chỉ đạt được 73,3 % so với kế hoạch đề ra, kết quả giảm khai thác nước dưới đất.

Sở Tài nguyên và Môi trường TP. HCM cũng chỉ ra một thực tế dẫn tới việc nhiều nơi vẫn khai thác nước ngầm dưới đất như một số khu vực nguồn nước cấp còn hạn chế, chưa có mạng lưới cấp nước cấp 2, cấp 3 hoặc áp lực nước chưa ổn định; người dân muốn tiết kiệm chi phí khi sử dụng nước và thói quen sử dụng nước hàng ngày; quy định đối tượng hộ gia đình sử dụng nước dưới đất không xin phép, không phải đăng ký khiến người dân khu vực như Củ Chi, Hóc Môn, vẫn chọn sử dụng nước ngầm…

Bên cạnh đó, các công trình khai thác thuộc thẩm quyền cấp phép của Bộ Tài nguyên và Môi trường có thời hạn giấy phép từ 5 – 10 năm, lưu lượng cấp phép lớn, do đó sẽ khó khăn để đưa nhóm đối tượng này vào chỉ tiêu giảm hàng năm của thành phố. Trong khi đó, việc khai thác nước ngầm đã giảm vượt yêu cầu chỉ tiêu của thành phố, nhưng vì phải cân đối chung với các công trình khai thác do Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp phép nên tỷ lệ giảm khai thác ở các doanh nghiệp chưa đạt được kế hoạch đề ra.

Thông tin về vấn đề này, ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP. HCM cho biết, Sở đang chủ trì triển khai đồng bộ các giải pháp để hoàn thành mục tiêu đến năm 2025, TP. HCM sẽ giảm khai thác nước dưới đất còn 100.000m3/ngày/đêm; thực hiện trám lấp các giếng hư hỏng, giếng không sử dụng, giếng không có giấy phép khai thác đúng kỹ thuật.

Cùng với đó, Sở Tài nguyên và Môi trường TP. HCM đã xây dựng kế hoạch để triển khai thực hiện giảm khai thác nước dưới đất theo lộ trình đã đề ra, gửi UBND các quận, huyện, TP. Thủ Đức, Sawaco cùng phối hợp triển khai thực hiện. Trong nội dung Kế hoạch có quy định rõ trách nhiệm của các đơn vị có liên quan và các giải pháp cụ thể cho từng nhóm đối tượng gồm hộ gia đình, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh dịch vụ (trong KCX-KCN, ngoài KCX-KCN) và Sawaco.

Phong Vân

Bạn đang đọc bài viết TP. HCM quyết tâm giảm khai thác nước dưới đất. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới