Thứ tư, 17/04/2024 07:00 (GMT+7)
Thứ sáu, 31/03/2023 06:30 (GMT+7)

TP. HCM: Quản lý hiệu quả tài nguyên nước để phát triển kinh tế bền vững

Theo dõi KTMT trên

Quản lý tài nguyên nước, hạn chế khai thác nước ngầm là một những nhiệm vụ trọng tâm của TP. HCM để phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội bền vững.

Quản lý hiệu quả tài nguyên nước

Là đầu tàu kinh tế của khu vực phía Nam, cũng như cả nước, TP. Hồ Chí Minh (TP. HCM) cũng là địa phương đang phải đối mặt với nhiều áp lực về vấn đề đô thị, trong đó vấn đề tài nguyên nước, bảo vệ môi trường là một trong những thách thức đối với sự phát triển bền vững của thành phố.

Theo thống kê, hiện TP. HCM đang sử dụng khoảng 70% là nguồn nước mặt phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt của người dân, công nghiệp và các dịch vụ khác. vậy nhưng, theo các chuyên gia, hiện các nguồn nước mặt phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế của TP. HCM đang phải đối mặt với tình trạng ô nhiễm vi sinh. Cụ thể, hệ thống sông Đồng Nai, sông Sài Gòn đang bị ô nhiễm vi sinh và ô nhiễm nhẹ dầu mỡ. Còn chất lượng nước của các kênh rạch trên địa bàn thành phố không thể sử dụng khi chỉ đạt tiêu chuẩn nguồn nước loại B và đang bị ô nhiễm vi sinh nghiêm trọng.

Còn đối với nguồn nước ngầm, hiện đang bị cạn kiệt nghiêm trọng do việc khai thác tự phát nhiều năm qua tại nhiều khu vực. Đồng thời, việc đô thị hóa, kênh rạch bị san lấp, ô nhiễm đã làm hạn chế khả năng bổ cập tự nhiên cho các tầng nước ngầm.

TP. HCM: Quản lý hiệu quả tài nguyên nước để phát triển kinh tế bền vững - Ảnh 1
TP. HCM hướng tới mục tiêu 100% người dân được sử dụng nước sạch

Trước vấn đề này, Tổng Công ty cấp nước Sài Gòn (SAWACO) đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, đặt mục tiêu trong giai đoạn 2020-2025 hạn chế tối đa khai thác nước ngầm. Đồng thời, thực hiện đồng bộ Quyết định số 203 ngày 18-1-2021 của UBND TP. HCM về phê duyệt Đề án phát triển hệ thống cấp nước thành phố giai đoạn 2020-2050 và Chương trình cung cấp nước sạch, chấm dứt khai thác nước ngầm TP. HCM giai đoạn 2020-2030.

Cụ thể, vào tháng 6/2022, Công ty CP Cấp nước Tân Hòa thực hiện ký kết liên tịch với UBND quận Tân Phú phối hợp tổ chức vận động người dân hạn chế sử dụng nước ngầm, trám lấp giếng khoan, giảm hóa đơn có chỉ số tiêu thụ 0-4m³ và thực hiện các hoạt động an sinh xã hội chăm lo cho người dân trên địa bàn quận. Đây là hoạt động nằm trong chương trình “Giải pháp phối hợp tuyên truyền vận động giảm khai thác nước ngầm, hướng đến sử dụng nước máy trên địa bàn TP. HCM năm 2022” do tổng công ty triển khai thực hiện.

Nhằm nâng cao nhận thức của người dân, ngoài quận Tân Phú, SAWACO cũng phối hợp với các địa phương, đơn vị để thực hiện “Giải pháp phối hợp tuyên truyền vận động giảm khai thác nước ngầm, hướng đến sử dụng nước máy trên địa bàn TP. HCM năm 2022”. Nhất là các khu vực vùng ven, người dân vốn dĩ có thói quen dùng nước giếng khoan từ lâu nay.

Bên cạnh đó, SAWACO cũng phối hợp với Trung tâm Phát triển khoa học và công nghệ Trẻ (Thành đoàn TP. HCM) tổ chức chuỗi hoạt động tuyên truyền “Sử dụng nước sạch và hạn chế khai thác nước ngầm trên địa bàn TP. HCM” từ tháng 4 đến tháng 9-2022 tại các khu vực quận 12, Tân Phú, Tân Bình, huyện Bình Chánh, huyện Hóc Môn đến hàng ngàn học sinh, sinh viên.

Để quyết liệt hơn trong việc quản lý, khai thác nước ngầm, cuối năm 2022, UBND TP. HCM đã ban hành danh mục, bản đồ phân vùng, hạn chế khai thác nước ngầm trên địa bàn, qua đó làm cơ sở để đơn vị cấp nước và chính quyền địa phương quản lý, xử lý các trường hợp vi phạm khai thác nước ngầm, bảo vệ nguồn tài nguyên. Theo đại diện các đơn vị cấp nước khu vực vùng ven, việc thành phố ban hành quy định về danh mục, bản đồ phân vùng, hạn chế khai thác nước ngầm chính là cơ sở để các đơn vị quản lý cấp nước rà soát những vùng hạn chế khai thác nước ngầm, qua đó phối hợp chính quyền địa phương vận động người dân sử dụng nước máy qua đồng hồ. Đặc biệt, đối với những khu vực ô nhiễm (nghĩa trang, bãi rác), kiên quyết yêu cầu khách hàng trám lấp giếng nếu sử dụng song song cả 2 hệ thống (nước máy và nước giếng khoan) nhằm bảo đảm sức khỏe của người dân.

Với mục tiêu để 100% người dân có thể sử dụng nước sạch, SAWACO đang nỗ lực thực hiện chương trình cung cấp nước sạch, chấm dứt khai thác nước ngầm trên địa bàn TP. HCM. Hoạt động góp phần điều chỉnh quy hoạch tổng thể cấp nước thành phố, đảm bảo cấp nước an toàn và thích ứng với biến đổi khí hậu trong tình hình hiện nay. SAWACO đã và đang triển khai nhiều giải pháp, đặt ra mục tiêu trong giai đoạn 2020-2025 hạn chế tối đa khai thác nước ngầm. Trong đó, nâng tổng công suất hệ thống cấp nước từ 2,4 triệu m³/ngày lên 2,9 triệu m3/ngày, giảm tỷ lệ thất thoát nước còn 17,9%.

Để Luật Tài nguyên nước đi vào thực tiễn 

Để nâng cao nhận thức của người dân trong việc bảo vệ tài nguyên nước, ngoài việc tuyên truyền thường xuyên thì công tác quản lý, thực hiện nghiêm túc Luật Tài nguyên nước là cơ sở đề TP. HCM hướng đến mục tiêu phát triển kinh tế bền vững, bảo vệ môi trường sinh thái.

Để Luật Tài nguyên nước đi vào thực tiễn, TP. HCM đã triển khai thường xuyên công tác phổ biến, tuyên truyền, tập huấn luật nhằm nâng cao trình độ chuyên môn, kiến thức quản lý cho cán bộ, công chức, viên chức trong công tác quản lý tài nguyên nước, nâng cao nhận thức, tạo sự chuyển biến tích cực của người dân, doanh nghiệp trong sử dụng, bảo vệ tài nguyên nước.

TP. HCM: Quản lý hiệu quả tài nguyên nước để phát triển kinh tế bền vững - Ảnh 2
Hạn chế khai thác nước ngầm để phục vụ mục tiêu bảo vệ tài nguyên nước bền vững (Ảnh SAWACO)

Bên cạnh việc tuyên truyền, việc quản lý chặt chẽ việc cấp phép nước ngầm trên địa bàn thành phố. Từ 2012 đến nay, TP.HCM đã cấp 28 giấy phép hành nghề khoan nước dưới đất, 57 giây phép thăm dò nước ngầm, 726 giây phép khai thác, sử dụng nước ngầm, 06 giấy phép khai thác, sử dụng nước mặt, nước biển…

Cùng với đó, việc quản lý chặt nguồn xả nước thải vào nguồn nước cũng được TP.HCM đặc biệt quan tâm. Từ năm 2012 đến nay, TP.HCM đã cấp 1.389 giấy phép xả nước thải vào nguồn nước. Đối với các công trình xả nước thải lớn vào nguồn nước đều có thiết bị quan trắc tự động gửi dữ liệu về cơ quan quản lý.

Ngoài ra, TP.HCM đặt mục tiêu giảm tỷ lệ thất thu thất thoát nước sạch từ 20,85% xuống còn 18% cho giai đoạn 2020 -2025 và xuống còn 15% cho giai đoạn 2025 -2030.

Đồng thời, TP.HCM cũng xây dựng chính sách thuế tài nguyên nước cho phù hợp với đặc điểm, điều kiện thực tế để điều chỉnh hành vi khai thác, sử dụng tài nguyên nước; khuyến khích sử dụng nước tiết kiệm hiệu quả, tạo ra giá trị gia tăng cao; khuyến khích các hoạt động tái sử dụng nước, sử dụng nước tuần hoàn.

Song Anh

Bạn đang đọc bài viết TP. HCM: Quản lý hiệu quả tài nguyên nước để phát triển kinh tế bền vững. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới