TP HCM: Hàng chục hộ dân kêu trời vì xưởng giặt sấy gây ô nhiễm
Khói nghi ngút, hóa chất nồng nặc, tiếng ồn bao trùm khu dân cư cả ngày lẫn đêm là những phản ánh của người dân tổ 12, ấp 1, xã Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh về một cơ sở giặt sấy đang hoạt động gây “láo loạn” khu vực.
Cơ sở giặt sấy "hai khôn"
Đầu tháng 6, Tạp chí điện tử Kinh tế Môi trường nhận được phản ánh của nhiều người dân sinh sống tại tổ 12, ấp 1, xã Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh, TP. HCM về việc một cơ sở giặt sấy hoạt động xả thải gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống sinh hoạt và sức khỏe.
Theo người dân, cơ sở giặt sấy không có địa chỉ nằm tại tổ 12, ấp 1, xã Vĩnh Lộc B mới đi vào hoạt động. Thế nhưng, gần 1 tháng trở lại đây, rất nhiều cư dân khu vực xung quanh đã rất bức xúc vì phải chịu cảnh “tra tấn” nặng nề cả ngày lẫn đêm từ cơ sở này.
Không giấu được nỗi bức xúc, một người phụ nữ tên H. sống bên cạnh cơ sở này cho biết, cơ sở giặt sấy này hoạt động cả ngày lẫn đêm. Trong quá trình hoạt động thường xuyên thải ra khói với mức độ dày đặc, kèm với đó là mùi hóa chất nồng nặc và thậm chí là xả thẳng nước thải với nhiều màu xanh, đỏ ra kênh.
Để ứng phó với tình trạng này, nhà cửa của hàng chục hộ dân quanh khu vực đều phải đóng cửa kín mít, khi ra ngoài phải đeo khẩu trang và vô cùng lo lắng cho sức khỏe các thành viên trong gia đình.
“Sống ở đây không chịu nổi, sáng nào, trưa nào, tối nào cũng khói um xùm như cháy nhà rồi nồng nặc mùi hóa chất. Nhà đóng cửa suốt ngày, lúc nào cũng phải đóng cửa không thể được cái mùi đó luôn. Xưởng này mới về đây, lúc đầu làm ít lắm, nhưng gần đây quá nhiều đi. Trước thì lâu lâu thì thoáng qua còn bây giờ thì 24/24. Người lớn thì không nói gì, nhưng trẻ con, sơ sinh thì có được đi ra ngoài đường đâu, mà xóm thì đông trẻ con, suốt ngày phải nhốt trong nhà”, chị H nói.
Cùng chung cảnh ngộ, một hộ dân khách có nhà sát vách với cơ sở giặt sấy này cho hay, hàng ngày phải gánh chịu cảnh khói mù mịt và mùi hóa chất giặt tẩy từ những ống xả. Không chỉ vậy, những cuộn vải được cơ sở tập kết ứ nước lâu ngày dẫn đến bốc mùi hôi thối, xe vận chuyển ra vào thường xuyên gây ra những tiếng ồn rất khó chịu.
Tình trạng này không chỉ diễn ra vào ban ngày, mà người dân cho biết vào thời điểm ban đêm cơ sở này còn hoạt động nhiều hơn. Mỗi lần bình hơi từ các lò sấy xả ra tạo ra những tiếng động lớn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến quá trình sinh hoạt.
“Khói như sương mù, giống như cháy nhà. Càng về đêm càng xả nhiều, dữ dằn hơn nữa. Mỗi lần hít khói vô là cổ chịu không nổi, rát hết cổ họng và rất lo lắng cho sức khỏe của gia đình. Hóa chất không, từng ngày thấm vô người rồi bệnh tật. Nhà có em bé mới sinh nên vô cùng lo sợ, toàn mùi hóa chất mà không biết kêu, nói với ai”, hộ gia đình này cho biết.
Phản ánh của dân chưa được giải quyết
Trước những tác động nghiêm trọng của cơ sở này, quá bức xúc, các hộ dân đã nhiều lần kéo sang tận xưởng của cơ sở này để phản đối, yêu cầu khắc phục. Đồng thời, phản ánh thực trạng ô nhiễm đến tổ trưởng khu phố để mong được hỗ trợ giải quyết. Thế nhưng, đến nay thực trạng ô nhiễm vẫn không thay đổi.
“Dân đã 2 lần kéo nhau vào xưởng để phản ánh, phía trong xưởng chứa rất nhiều loại vải cuộn và ở đây không chỉ sấy mà còn nhuộm vải. Trước tình trạng này thì người dân cũng đã báo tổ trưởng, tổ trưởng kêu cho họp nhưng đến nay chưa thấy gì. Chúng tôi đề nghị cơ sở này khắc phục những vẫn đề ô nhiễm, khói và mùi hôi, nếu không khắc phục được thì di dời để trả lại bầu không khí trong sạch”, nhiều người dân chia sẻ.
Trước những lời kêu cứu từ người dân, ngày 5/6 vừa qua Phóng viên Tạp chí điện tử Kinh tế Môi trường đã xuống thực tế hiện trường ghi nhận những hoạt động từ cơ sở này. Tận mắt chứng kiến cảnh cột khói cao hàng chục mét liên tục thải khói nghi ngút ra môi trường PV không khỏi bàng hoàng. Đi kèm khói là những mùi hôi nồng của hóa chất, tiếng ồn từ các lò giặt sấy công nghiệp.
Sử dụng thiết bị chuyên dụng, từ trên cao Phóng viên quan sát được cơ sở này rộng khoảng 2.000m2, bên trong là hai khu nhà dựng tạm bằng tôn khung sắt và các lò đốt, máy giặt sấy công nghiệp đang liên tục hoạt động. Bên cạnh đó, trong khuôn viên cơ sở này còn chứa rất nhiều các cuộn vải, vải vụn, đồ nhựa và các thiết bị máy móc công nghiệp đã qua sử dụng.
Mặc dù bên trong có rất nhiều công nhân và máy móc hoạt động liên tục, thế nhưng cánh cổng dẫn vào cơ sở này luôn trong tình trạng cao cổng kín tường, không địa chỉ cụ thể và cũng chẳng bảng hiệu theo quy định. Thậm chí, nguồn nước con rạch phía trước cơ sở cũng đang trong tình trạng đen sì, đóng váng và bốc mùi hôi thối.
Trong khi PV đang ghi nhận, một người đàn ông chừng 40 tuổi từ phía trong cơ sở này đi ra và bắt chuyện. Qua nói chuyện, người đàn ông cho biết tên Điền là quản lý của cơ sở này. Ngoài ra, người này cho biết cơ sở này có tên Duy Phong được chuyển từ ấp 1A, xã Vĩnh Lộc B sang và hoạt động trong lĩnh vực giặt sấy. Khu đất này rộng khoảng 2.000m2 được cơ sở thuê để hoạt động khoảng 5 tháng.
“Có nghe người dân phản ánh, thì trước kia cũng có mùi hôi thật, nhưng trong tuần này thì cơ sở đã cho ông khói cao lên và dùng chất đốt bằng củi. Mùi hôi cơ quan về môi trường sẽ vào đo đạc và phạt chẳng hạn”. Dân phản ánh như thế nào thì anh sẽ cho khắc phục dần dần”, người đàn ông này nói.
Về phản ánh của người dân về việc cơ sở làm nhuộm và xả nước thải ra môi trường thì người đàn ông này khẳng định cơ sở không làm nhuộm mà chỉ giặt sấy hàng ướt từ các cơ sở khác đưa về để sấy lại.
Khi Phóng viên hỏi tại sao cơ sở hoạt động mà không có bảng hiệu và các giấy tờ pháp lý có liên quan đến việc hoạt động kinh doanh thì người đàn ông này nói chưa nắm vững và sẽ hỏi thêm. Ngoài ra, khi chúng tôi đề nghị được vào trong xưởng để ghi nhận thêm, ông này từ chối vì cho rằng mình chỉ là quản lý, không được phép cho người lạ vào.
Từ những phản ánh của người dân, ghi nhận thực tế của Phóng viên và những thông tin của người đàn ông tên Điền cung cấp thì có thể thấy rõ những sự mâu thuẫn và mập mờ trong việc hoạt động của cơ sở này. Và những phản ánh hoạt động của cơ sở đang tác động tiêu cực đến môi trường, cuộc sống người dân nơi đây là hoàn toàn có cơ sở.
Để làm rõ những thông tin có liên quan, Phóng viên đã liên hệ UBND xã Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh cung cấp những hình ảnh đã ghi nhận tại cơ sở này và đề nghị cung cấp thông tin. Tại buổi tiếp nhận, bà Trần Thị Thái Nguyên – Chủ tịch UBND xã Vĩnh Lộc B cho biết, địa phương sẽ chỉ đạo cán bộ kiểm tra, xác minh cơ sở để phản hồi chi tiết thông tin tới báo chí trong thời gian sớm nhất.
Tạp chí điện tử Kinh tế Môi trường sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc!
Thanh Tùng