Thứ năm, 02/05/2024 02:25 (GMT+7)
Thứ ba, 19/09/2023 17:26 (GMT+7)

Tổng lỗ của EVN đã lên khoảng trên 55.000 tỷ đồng

Theo dõi KTMT trên

Tính cả số lỗ của năm 2022 và 8 tháng năm 2023, công ty mẹ EVN đã lỗ tổng cộng trên 55.000 tỷ đồng.

Báo Giao thông vừa đưa tin, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp vừa báo cáo Bộ Kế hoạch và Đầu tư về tình hình sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển của các doanh nghiệp do cơ quan này làm đại diện chủ sở hữu.

Trong báo cáo, Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp cho biết, 6 tháng năm 2023, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) lỗ hơn 35.400 tỷ đồng. Còn tính trong 8 tháng năm 2023, số lỗ của EVN dự kiến là hơn 28.700 tỷ đồng.

Tổng lỗ của EVN đã lên khoảng trên 55.000 tỷ đồng - Ảnh 1
Trong 8 tháng năm 2023, số lỗ của EVN dự kiến là hơn 28.700 tỷ đồng.

Năm 2022, EVN lỗ 26.500 tỷ đồng, chưa bao gồm các khoản chênh lệch tỷ giá. Nếu tính cả khoản lỗ 8 tháng năm 2023, hiện tại, EVN đã lỗ tổng trên 55.000 tỷ đồng.

Trước đó, Bộ Công Thương có tờ trình gửi Thủ tướng về dự thảo quyết định thay thế Quyết định 24/2017 cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân, sau khi Bộ Tư pháp thẩm định.

Trong công thức tính giá điện bán lẻ bình quân, theo dự thảo thông tư vừa được Bộ Công Thương đưa ra lấy ý kiến, sẽ có quy định về việc đưa các khoản chi phí chưa được tính vào giá điện.

Theo đó, cho phép thu hồi khoản lỗ hoạt động sản xuất kinh doanh điện, chênh lệch tỉ giá trong thực hiện hợp đồng mua bán điện, các chi phí khác chưa được tính vào giá bán lẻ điện nhưng được xác định trong báo cáo tài chính đã được kiểm toán…

Công thức tính giá bán lẻ điện bình quân năm bao gồm các khâu phát điện, chi phí mua các dịch vụ truyền tải điện, phân phối - bán lẻ điện, điều độ hệ thống điện và điều hành giao dịch thị trường điện lực, chi phí điều hành - quản lý ngành và chi phí khác được phân bổ.

Các chi phí này chỉ bao gồm những chi phí phục vụ trực tiếp cho việc sản xuất, cung ứng điện, cùng lợi nhuận định mức của EVN để đảm bảo khả năng vận hành, cung ứng điện.

Các khoản chênh lệch tỉ giá trong hợp đồng mua bán điện, lỗ hoạt động sản xuất kinh doanh điện và các chi phí chưa được tính vào giá bán lẻ điện sẽ nằm trong "chi phí khác". EVN đề xuất phương án phân bổ các khoản chi phí này, báo cáo Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp Bộ Tài chính và Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp rà soát, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Giải thích lý do đưa các khoản lỗ vào giá điện, Bộ Công Thương cho biết trước đó, khi đánh giá kết quả kiểm tra việc điều chỉnh giá bán điện thời điểm năm 2019, Thanh tra Chính phủ cho rằng công thức tính giá bán lẻ điện bình quân tại quyết định 24 chưa có yếu tố gắn với giá thành thực tế sản xuất kinh doanh điện, chưa tính đến các khoản giảm trừ khi tính giá bán điện.

Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp cũng đề nghị xem xét có cơ chế để EVN có khả năng xử lý được khoản lỗ do sản xuất kinh doanh điện qua các năm.

Trong khi đó, theo Bộ Công Thương, do ảnh hưởng của tình hình thế giới nên giá nhiên liệu đã tăng cao từ giữa quý 1/2022, làm tăng chi phí mua điện từ các nhà máy sử dụng nguyên liệu nhập khẩu. Chi phí mua điện tăng trong khi giá bán lẻ điện được giữ ổn định, kết quả sản xuất kinh doanh của EVN năm 2022 lỗ hơn 26.500 tỉ đồng, ảnh hưởng cân đối tài chính của EVN.

Việc điều chỉnh tăng giá bán lẻ điện bình quân năm 2023 ở mức 3% từ ngày 4/5, theo Cục Điều tiết điện lực, đã giải quyết một phần khó khăn cho tình hình tài chính và dòng tiền của EVN. Tuy nhiên, chi phí năm 2023 tiếp tục bị dồn tích do mức điều chỉnh giá điện chưa đủ thu hồi chi phí đầu vào hình thành giá (chủ yếu là chi phí mua điện, chiếm hơn 80% tổng chi phí sản xuất kinh doanh điện của EVN).

"Như vậy, thực tế năm 2022, 2023, việc lỗ hoạt động sản xuất kinh doanh điện là do doanh thu từ hoạt động sản xuất kinh doanh điện không đủ bù đắp các chi phí phát sinh phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh điện (chính là việc giá bán lẻ điện chưa đủ bù đắp chi phí giá thành sản xuất kinh doanh điện)", Cục Điều tiết điện lực khẳng định.

H.A

Bạn đang đọc bài viết Tổng lỗ của EVN đã lên khoảng trên 55.000 tỷ đồng. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

9,27 tỷ USD vốn FDI chảy vào Việt Nam trong 4 tháng đầu năm
Tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam tính đến ngày 20/4/2024 bao gồm: Vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt gần 9,27 tỷ USD, tăng 4,5% so với cùng kỳ năm trước.
Lâm Đồng tăng cường thu ngân sách năm 2024
UBND tỉnh Lâm Đồng yêu cầu các cơ quan, đơn vị có liên quan thực hiện kịp thời, đầy đủ, có hiệu quả các giải pháp tăng cường quản lý thu ngân sách nhà nước trên địa bàn.

Tin mới

Hải Dương: Rộn ràng pháo đất Ninh Giang
Pháo đất từ lâu đã trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu của người dân Ninh Giang (Hải Dương). Nhất là cứ mỗi độ hè sang, tiếng pháo lại âm vang, rộn rã khắp mọi miền quê.