Tổng hợp thành công thuốc điều trị Covid-19: Khẳng định năng lực Việt Nam
Viện Hóa học nghiên cứu thành công phương pháp mới giúp cải tiến và rút gọn quy trình tổng hợp thuốc Favipiravir (một loại thuốc điều trị Covid-19) đã khẳng định vị thế Y học của Việt Nam trên thế giới.
Thông tin từ GS.TS Nguyễn Văn Tuyến, Viện trưởng Viện Hóa học (Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam) về việc, đơn vị đã nghiên cứu hoàn thành quy trình tổng hợp thuốc Favipiravir trên quy mô phòng thí nghiệm đang mở ra nhiều kỳ vọng mới trong việc phòng chống dịch Covid-19.
Theo GS.TS Nguyễn Văn Tuyến, trên trên cơ sở những quy trình đã công bố trước đó, nhóm nghiên cứu đã cải tiến, rút gọn được 4 bước và sử dụng nguyên liệu dễ kiếm, rẻ hơn.
Trước thông tin từ đại diện Viện Hóa học cung cấp, Phó Chủ tịch Hội Truyền nhiễm Việt Nam Nguyễn Hồng Hà đã bày tỏ sự vui mừng. Ông Hà khẳng định: "Việc chúng ta không những tổng hợp thành công thuốc điều trị Covid-19 mà còn rút ngắn được thêm quy trình tổng hợp đã khẳng định năng lực, vị thế của Y học Việt Nam với bạn bè thế giới".
Trong lần cập nhật mới nhất vào cuối tháng 4/2021, Bộ Y tế khẳng định, đã có nhiều thuốc kháng virus được thử nghiệm trong điều trị bệnh nhân nhiễm Covid-19 nhưng chưa có hiệu quả rõ ràng nên không khuyến cáo áp dụng.
Ngay như ở Mỹ, các bác sĩ dùng thuốc Remdesivir để điều trị cho bệnh nhân nhiễm Covid-19. Tuy nhiên, loại thuốc này cũng chỉ giúp người bệnh giảm nhẹ được một vài triệu chứng. Bên cạnh đó, giá thành thuốc Remdesivir rất cao nên không mang nhiều ý nghĩa.
Trên thế giới, Nhật Bản cũng đang thử nghiệm lâm sàng thuốc Favipiravir trên bệnh nhân nhiễm Covid-19. Nhưng cho tới hiện tại, phía Nhật Bản cũng chưa thể khẳng định được, thuốc Favipiravir có điều trị được Covid-19 hay không.
Tuy nhiên, muốn có được thuốc Favipiravir cho bệnh nhân nhiễm Covid-19 dùng thì sẽ phải bỏ ra chi phí không hề rẻ nhập từ nước ngoài về. Chính vì thế, nếu Việt Nam tự sản xuất được trong nước thì sẽ tiết kiệm được cả thời gian và tiền bạc.
Theo ông Hà, việc tổng hợp thuốc Favipiravir điều trị Covid-19 sẽ là bước đi đầu tiên để chuẩn bị cho thử nghiệm lâm sàng trên số lượng lớn, từ đó rút ra tác dụng, hiệu quả của thuốc để có được sản phẩm tối ưu nhất.
"Để khẳng định thuốc Favipiravir điều trị được Covid-19 hay không thì sẽ còn phải chờ vào kết quả thử nghiệm lâm sàng, đối chứng với số lượng lớn. Tuy nhiên, dù sao thông tin mà Viện Hóa học đưa ra cũng cho thấy chúng ta đã có bước tiến mới trong cuộc phòng, chống dịch Covid-19 hiện nay", ông Hà khẳng định.
Favipiravir là một thuốc kháng virus được sử dụng lâm sàng từ năm 2014 để điều trị bệnh cúm Nhật Bản, Ebola… Thuốc có cơ chế tác dụng ức chế enzym RNA-polymerase ngăn chặn sự nhân lên của virus, tương tự như thuốc chống COVID-19 Remdesivir nhưng dùng được theo đường uống.
Khi đại dịch Covid-19 bùng phát vào tháng 12/2019, để nhanh chóng tìm ra một loại thuốc điều trị, các nhà khoa học đã tiến hành sàng lọc và phát hiện một số thuốc có hiệu quả ngăn chặn sự phát triển của Covid-19 trong đó có Favipiravir.
Trên cơ sở đó, từ tháng 2/2020, Trung Quốc là nước đầu tiên cấp phép sử dụng Favipiravir để điều trị Covid-19. Sau đó, các nước Nga, Nhật Bản, Ấn Độ, Italy… cũng lần lượt cấp phép sử dụng loại thuốc này để điều trị Covid-19.
Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương cho biết, phác đồ điều trị bệnh nhân nhiễm Covid-19 tại Việt Nam hiện nay được xây dựng dựa trên việc lựa chọn, áp dụng kinh nghiệm điều trị cho bệnh nhân từ nhiều quốc gia. Các loại thuốc sử dụng cho bệnh nhân đều có trong phác đồ của Bộ Y tế hoặc được Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo, khuyên dùng. Kết quả điều trị cho bệnh nhân giai đoạn vừa qua cho thấy có hiệu quả tốt.
Duy Thật