Thứ sáu, 26/04/2024 20:28 (GMT+7)
Thứ bảy, 21/05/2022 17:14 (GMT+7)

VUSTA tổ chức Lễ tôn vinh trí thức Khoa học và Công nghệ tiêu biểu năm 2022

Theo dõi KTMT trên

Sáng 21/5, tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế (TP.Hà Nội), Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) long trọng tổ chức Lễ tôn vinh trí thức Khoa học và Công nghệ tiêu biểu năm 2022.

Tham dự buổi Lễ tôn vinh trí thức Khoa học và Công nghệ tiêu biểu năm 2022 có Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên trung ương Đảng, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc; ông Nguyễn Đức Hải - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội; ông Nguyễn Đắc Vinh, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Ban thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ban Văn hóa - Giáo dục Quốc hội; ông Lê Quang Huy - Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội; ông Lê Khánh Hải - Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước; ông Huỳnh Thành Đạt - Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ; ông Phạm Tất Thắng - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Dân vận Trung ương; đại diện lãnh đạo các cơ quan của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, bộ, ngành Trung ương, đại diện lãnh đạo 91 Hội ngành toàn quốc và 63 Liên hiệp hội tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thuộc hệ thống VUSTA và các cơ quan, đơn vị có liên quan.

VUSTA tổ chức Lễ tôn vinh trí thức Khoa học và Công nghệ tiêu biểu năm 2022 - Ảnh 1
Chủ tịch Nước Nguyễn Xuân Phúc và TSKH Phan Xuân Dũng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam chụp ảnh lưu niệm với các trí thức được tôn vinh.

Theo Ban Tổ chức, tôn vinh Trí thức tiêu biểu là hoạt động có ý nghĩa nhân văn rất lớn trong việc thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với trí thức; thể hiện sự quan tâm, coi trọng, ghi nhận của Đảng, Nhà nước đối với trí thức có nhiều đóng góp tiêu biểu, xuất sắc trong sự nghiệp phát triển đất nước; đồng thời góp phần nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và toàn xã hội về vị trí, vai trò của đội ngũ trí thức và của Liên hiệp Hội Việt Nam (VUSTA).

Buổi lễ cũng là nơi tôn vinh những nhà trí thức hoạt động trong các viện, trung tâm, cơ sở nghiên cứu, trường đại học, doanh nghiệp hoặc các cơ quan của các ngành, lĩnh vực, địa phương hoặc trong hệ thống Liên hiệp Hội Việt Nam từ 10 năm trở lên, có uy tín khoa học, có nhiều đóng góp thiết thực, hiệu quả, tầm ảnh hưởng đến sự phát triển của ngành, của cơ quan, đơn vị; được xã hội công nhận, được cơ quan, đơn vị đó đề cử và được các cơ quan, đơn vị thuộc hệ thống Liên hiệp Hội Việt Nam giới thiệu.

VUSTA tổ chức Lễ tôn vinh trí thức Khoa học và Công nghệ tiêu biểu năm 2022 - Ảnh 2
GS.TS Hoàng Xuân Cơ - Trưởng Ban Khoa học, Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam vinh dự là một trong số 106 trí thức được tôn vinh lần này. 

Trong số 106 Trí thức tiêu biểu được vinh danh đợt này có: 50 trí thức do các Liên hiệp hội địa phương để cử, 40 trí thức do các Hội ngành toàn quốc đề cử, 16 trí thức do Hội đồng Xét chọn đề cử; 68 người có học hàm, học vị từ phó giáo sư, tiến sĩ trở lên, 20 người có học vị thạc sĩ, 18 người có học vị cử nhân và tương đương; 02 Anh hùng Lao động; 16 nữ, 90 nam. Tuổi bình quân của 106 trí thức là 63 tuổi.

VUSTA tổ chức Lễ tôn vinh trí thức Khoa học và Công nghệ tiêu biểu năm 2022 - Ảnh 3
GS.TS Đặng Thị Kim Chi là một trong số 16 nữ trí thức được tôn vinh lần này.

Các trí thức KH&CN tiêu biểu được lựa chọn đều có nhiều thành tích, công lao đóng góp xuất sắc trong hoạt động KH&CN và công tác vận động trí thức. Trong 106 Trí thức tiêu biểu đợt này có 02 trí thức cao tuổi nhất là GS.TS.BS. Hoàng Bảo Châu, sinh năm 1929 (93 tuổi) - nguyên Phó Chủ tịch Tổng hội Y học Việt Nam và GS.TS. Lê Xuân Tùng, sinh năm 1936 (86 tuổi) - nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội; có 01 trí thức nam trẻ tuổi nhất là ThS. Trần Văn Vũ, sinh năm 1979 (43 tuổi) - Phó Chủ tịch kiêm Trưởng Ban Kiểm tra Liên hiệp các Hội KH&KT tỉnh Trà Vinh và 01 trí thức nữ trẻ tuổi nhất là GS.TS. Nguyễn Khánh Diệu Hồng, sinh năm 1981 (41 tuổi) - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Đào tạo và Phát triển nguồn nhân lực, đơn vị trực thuộc Liên hiệp Hội Việt Nam.

Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc ghi nhận đóng góp của 106 trí thức tiêu biểu được tôn vinh. Hoạt động là hình thức thi đua yêu nước có ý nghĩa nhân văn lớn, thể hiện sự quan tâm, coi trọng, đãi ngộ của Đảng và Nhà nước đối với trí thức. Đây là sự ghi nhận đối với các cá nhân tiêu biểu, có nhiều đóng góp, qua đó động viên khuyến khích sự nỗ lực vươn lên của cộng đồng trí thức khoa học công nghệ cả nước - một trong những trụ cột của tầm nhìn cách mạng Việt Nam đến năm 2045.

Chủ tịch nước cho biết, nhiệm vụ giao cho đội ngũ trí thức là rất to lớn và nặng nề, trong đó phát hiện tôn vinh được xác định là nhiệm vụ quan trọng đối với Liên hiệp hội Việt Nam. "Danh hiệu trí thức khoa học và công nghệ tiêu biểu không chỉ mang đến niềm tự hào đối với trí thức được tôn vinh và gia đình, mà còn trở thành niềm vinh dự, trách nhiệm với Liên hiệp Hội Việt Nam và các hội thành viên", Chủ tịch nước nói và nhấn mạnh cần tiếp tục quan tâm, làm tốt hơn nữa công tác tập hợp, đoàn kết và phát huy sức sáng tạo của đội ngũ trí thức nước nhà.

VUSTA tổ chức Lễ tôn vinh trí thức Khoa học và Công nghệ tiêu biểu năm 2022 - Ảnh 4
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại buổi lễ Tôn vinh (Ảnh: Lê Hồng)

Theo Chủ tịch nước, trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá, trí thức khoa học và công nghệ chính là hạt nhân. Đội ngũ trí thức cả nước đã góp phần quan trọng tạo nên năng lực đổi mới sáng tạo quốc gia của Việt Nam. Năm 2021, Việt Nam duy trì top 45 quốc gia đổi mới sáng tạo toàn cầu trong số các nền kinh tế có thu nhập trung bình thấp.

Bên cạnh những thành tựu, Chủ tịch nước cũng muốn thẳng thắn thừa nhận năng lực và trình độ công nghệ của nền kinh tế còn thấp, công nghiệp chủ yếu là gia công lắp ráp, giá trị lao động không cao, năng suất lao động thấp, công nghiệp hỗ trợ phát triển chậm, tỉ lệ nội địa hóa thấp, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu còn hạn chế, tính tự chủ của nền kinh tế còn thấp... Ở đó cách mạng công nghiệp lần thứ tư hiện nay mở ra cơ hội để nước ta rút ngắn khoảng cách, tăng tốc phát triển, vì thế yêu cầu trí thức khoa học công nghệ nước nhà phải miệt mài hơn nữa, sáng tạo hơn nữa, tạo ra nhiều giá trị hơn nữa cho cuộc sống từ nghiên cứu, phát minh, sáng kiến của mình.

Ông đề nghị các cấp, ngành quan tâm hơn nữa đến các nhà khoa học. "Nghị quyết thiếu đi trí thức là lửa thiếu đi ánh sáng", Chủ tịch nước nói và mong rằng thành công của các nhà khoa học được vinh danh sẽ tạo cảm hứng, thúc đẩy sự lớn mạnh đội ngũ trí thức và đóng góp ngày càng nhiều hơn sự phát triển nước nhà.

Theo TSKH Phan Xuân Dũng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Liên hiệp hội Việt Nam đã tập hợp được trên 3,7 triệu hội viên, trong đó có 2,2 triệu trí thức KH&CN chiếm 32,5% đội ngũ trí thức của cả nước. Hoạt động này ghi nhận đóng góp của trí thức, đồng thời đoàn kết phát huy sức sáng tạo của đội ngũ trí thức trong và ngoài nước, góp phần quan trọng thúc đẩy tiềm lực khoa học xã hội quốc gia, phát triển kinh tế xã hội.

Hoạt động tôn vinh trí thức tiêu biểu được tổ chức từ năm 2015, đến nay đã có 452 cá nhân trên toàn quốc được vinh danh. Đây cũng là lần thứ 4 Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam tổ chức lễ tôn vinh này. Ba lần tôn vinh trước vào các năm 2015 (tôn vinh 116 trí thức tiêu biểu), năm 2017 (tôn vinh 118 trí thức tiêu biểu), năm 2019 (tôn vinh 112 trí thức tiêu biểu)

Qua 4 lần tôn vinh Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam đã có 4 người được tôn vinh: PGS.TS Trương Mạnh Tiến (2015); PGS.TS Lưu Đức Hải (2017); PGS.TS Nguyễn Thế Chinh (2019); GS.TS Hoàng Xuân Cơ (2022).

Hà Nam

Bạn đang đọc bài viết VUSTA tổ chức Lễ tôn vinh trí thức Khoa học và Công nghệ tiêu biểu năm 2022. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Hiến giọt máu đào, trao đời sự sống
Đây là chủ đề của chương trình hiến máu tình nguyện, được Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam phối hợp với Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương tổ chức ngày 24/4.
Tạp chí Kinh tế Môi trường tuyển dụng năm 2024
Để phục vụ mục tiêu phát triển dài hạn, tòa soạn Tạp chí Kinh tế Môi trường tuyển dụng các nhân sự cho vị trí Thư ký tòa soạn, Phóng viên, Biên tập viên hành chính làm việc tại Hà Nội, TP.HCM và Khu vực Đông Bắc Bộ.
Vị thế Việt Nam nhìn từ “tài sản” tự nhiên
Quả thực viết một bài báo ngắn về một đề tài lớn như vậy rất khó. Hơn nữa tôi chỉ là công dân bình thường làm gì có tầm nhìn đủ bao quát để tìm và chỉ ra những vị thế tài sản tự nhiên của Việt Nam.

Tin mới