Tôn Đông Á (TDA): Nợ phải trả tăng gấp 10 lần lợi nhuận trong quý 1/2022
Kết thúc quý 1/2022, Tôn Đông Á ghi nhận khoản lợi nhuận sau thuế đạt 204,5 tỉ đồng nhưng nợ phải trả ở mức 11.350 tỉ đồng, tăng thêm hơn 2.153 tỉ đồng so với hồi đầu năm.
Áp lực dòng tiền từ hàng tồn kho, nợ ngắn hạn phải trả
Báo cáo tài chính hợp nhất quý 1/2022 của Công ty Cổ phần Tôn Đông Á (mã cổ phiếu: TDA) cho thấy, tổng tài sản của doanh nghiệp đạt mức gần 15.400 tỉ đồng, tăng 21,8% so với cuối năm 2021. Nguyên nhân chính của chỉ số tăng trưởng này là do Tôn Đông Á ghi nhận khoản thu gần 495 tỉ đồng từ việc lần đầu phát hành cổ phiếu TDA ra công chúng (IPO) với giá 40.000 đồng/cổ phiếu hồi tháng 3/2022.
Kết thúc quý 1/2022, Tôn Đông Á có doanh thu bán hàng đạt 6.134 tỉ đồng, trong đó có 54% là thị phần trong nước. Đây được cho kết quả khả quan, đúng mục tiêu mà Tôn Đông Á đã đề ra tại buổi tổng kết năm 2021 và triển khai kế hoạch năm 2022. Khi đó, ban lãnh đạo Tôn Đông Á đã đề ra mục tiêu, trong năm 2022 doanh thu của doanh nghiệp đạt 24.600 tỉ đồng, sản lượng 820.000 tấn, cơ cấu thị trường nội địa 50% và xuất khẩu 50%.
Một điểm đáng chú ý là trong quý I/2022, chi phí bán hàng của Tôn Đông Á tăng 78% lên mức 280,8 tỉ đồng. Đây cũng là nguyên nhân khiến lợi nhuận sau thuế quý I/2022 chỉ tăng thêm 11,3%, đạt 204,5 tỉ đồng. Mặc dù đang trên đà tăng trưởng nhưng báo cáo tài chính của Tôn Đông Á cũng thể hiện khoản nợ phải trả đang chiếm tới 73,6% tổng tài sản. Trong đó, nợ phải trả ngắn hạn tăng nhanh, chỉ trong quý 1/2022 nợ phải trả của Tôn Đông Á gấp 10 lần lợi nhuận mà doanh nghiệp đạt được.
Cụ thể, tính đến ngày 31/3/2022, nợ phải trả của Tôn Đông Á ở mức 11.350 tỉ đồng (tăng 2.153 tỉ đồng so với hồi đầu năm). Số nợ phải trả này gấp gần 3 lần vốn chủ sở hữu (4.050 tỉ đồng).
Trong cơ cấu nợ phải trả của Tôn Đông Á cũng cho thấy, nợ phải trả ngắn hạn tăng 2.459 tỉ đồng (đạt mức 11.294 tỉ đồng, chiếm 99,5% trong cơ cấu nợ phải trả của doanh nghiệp). Hiện Tôn Đông Á đang vay ngắn hạn Ngân hàng Vietinbank - Chi nhánh Đông Sài Gòn gần 2.196 tỉ đồng; Ngân hàng BIDV - Chi nhánh Tân Bình gần 1.225 tỉ đồng; Ngân hàng Vietcombank - Chi nhánh Nam Bình Dương hơn 499 tỉ đồng.... tổng số tiền vay và nợ thuê tài chính ngắn hạng của Tông Đông Á đến hết ngày 31/3/2022 là hơn 4.258 tỉ đồng.
Bên cạnh đó, nợ phải trả người bán ngắn hạn của doanh nghiệp cũng tăng thêm 1.321 tỉ đồng so với hồi đầu năm, đạt mức 3.674 tỉ đồng; Phải trả ngắn hạn khác hơn 2.970 tỉ đồng...
Ngoài ra, hàng tồn kho của Tông Đông Á sau 3 tháng đầu năm 2022 cũng tăng thêm 2.037 tỉ đồng, đạt mức 6.464 tỉ đồng (chiếm 42% tổng tài sản). Con số này được nhiều chuyên gia nhận định là mức tồn kho kỷ lục của một doanh nghiệp thép nếu tính theo tổng giá trị tài sản.
Theo nhìn nhận của nhiều chuyên gia, việc tồn kho ngành thép sẽ đưa doanh nghiệp đứng trước 2 bối cảnh, nếu giá thép đi lên, các doanh nghiệp sẽ lãi lớn, nhưng nếu giá thép đi xuống, doanh nghiệp sẽ chịu rủi ro. Từng có bài học về hàng tồn kho của Công ty Cổ phần Tập đoàn Tôn Hoa Sen (mã chứng khoán: HSG) vào quý 4/2017 và quý 2/2018, khi đó tồn kho của HSG cũng ở mức 42%. Sau đó, giá thép cuộn (HRC) giảm từ 673 USD/tấn xuống còn 536 USD/tấn đã khiến biên lợi nhuận gộp của doanh nghiệp này giảm về 0% trong quý 4/2018 và quý 1/2019.
Tại cùng thời điểm đó, Công ty Cổ phần Thép Nam Kim (mã chứng khoán: NKG) cũng có tỉ trọng hàng tồn kho trên tổng tài sản đạt mức đỉnh 40% và cũng gặp phải kịch bản tương tự như HSG.
Từ nói về lượng hàng tồn kho của ngành thép trong năm 2021, ông Nguyễn Đăng Thiện - Công ty Chứng khoán Mirae Asset nhận xét, việc gia tăng quá nhanh tỉ lệ đầu cơ hàng tồn kho là rủi ro lớn trong quý 4/2021 và quý 1/2022 trong bối cảnh Trung Quốc có các biện pháp tác động giảm giá quặng sắt.
Tại thị trường trong nước, với việc giá nguyên vật liệu xây dựng tăng mạnh trong thời gian qua, nhiều doanh nghiệp đã phải tạm hoãn thi công để chờ quyết định bù trừ giá vật tư, khiến cho tiến độ có thể chậm hơn 6 - 18 tháng. Điều này sẽ ảnh hưởng lớn tới sức tiêu thụ thép ở thị trường trong nước. Còn nguồn cung thép trên thế giới đã bắt đầu hồi phục trở lại. Do đó, dự báo giá thép sẽ dần trở về mức trung bình trong dài hạn.
Ngành thép sẽ đối mặt nhiều rủi ro trong năm 2022
Theo báo cáo triển vọng ngành thép năm 2022 của Công ty chứng khoán Mirae Asset – MASVN, các doanh nghiệp của Việt Nam cần thận trọng trong sản xuất, xuất khẩu do dự báo giá thép có sự điều chỉnh giảm khi cung-cầu trên thế giới trở nên cân bằng hơn. Ngành thép cũng phải đối diện ngày càng nhiều với rủi ro bị kiện phòng vệ thương mại do xu thế bảo hộ đang gia tăng trên thế giới.
MASVN nhận định ngành thép trong nước đang đối diện với ba rủi ro lớn. Đó là rủi ro về biến động giá nguyên vật liệu; Rủi ro về thuế chống bán phá giá thị trường xuất khẩu; Rủi ro về hạn chế xuất khẩu. Theo đó, ngành thép và tôn mạ có rủi ro lớn về biến động giá nguyên vật liệu khi chi phí nguyên liệu chiếm 65 - 75% giá thành sản xuất. Đặc biệt trong ngành tôn mạ, giá HRC chiếm hơn 80% chi phí nguyên liệu đầu vào, khiến lợi nhuận của cả ngành biến động rất lớn theo HRC.
Đại diện một doanh nghiệp ngành thép có tiếng trong nước cũng cho rằng, thị trường thép năm 2022 dự báo sẽ có nhiều thách thức và nhận định vẫn khó khăn và có thể biến động tăng/giảm nhẹ theo giá thế giới. Các nhà phân phối thận trọng tích trữ hàng tồn kho, do nhu cầu yếu, cạnh tranh mạnh giữa các thương hiệu về giá để giành thị phần, do vậy tiêu thụ thép thành phẩm sẽ gặp khó khăn.
Chưa kể, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 cộng thêm thị trường bất động sản vẫn còn khá trầm lắng, thanh khoản thấp, tỷ giá ngoại tệ biến động mạnh… cũng ảnh hưởng đến đầu ra cho thép xây dựng.
Trong báo cáo triển vọng ngành thép mới đây, Công ty TNHH Chứng khoán Vietcombank (VCBS) nhận định, hiện EU vẫn áp thuế nhập khẩu thép dựa trên quota xuất khẩu cho nên tăng trưởng về sản lượng xuất khẩu của Việt Nam trong 2022 sẽ không còn cao như 2021.
Bên cạnh đó, chi phí nhiên liệu tăng cũng có thể góp phần làm tăng chi phí đầu vào của các nhà sản xuất thép, dẫn đến tỷ suất lợi nhuận gộp của các nhà sản xuất thép giảm. Đây có thể là những lý do chính khiến nhiều doanh nghiệp thép vẫn lên kế hoạch lợi nhuận khá thận trọng trong năm nay.
Tôn Đông Á đăng ký niêm yết cổ phiếu TDA sau khi IPO
Sở giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE) cho biết đã nhận được hồ sơ đăng ký niêm yết 114,69 triệu cổ phiếu của Công ty cổ phần Tôn Đông Á vào ngày 22/4. Công ty Chứng khoán SSI là đơn vị tư vấn.
Trước khi đăng ký niêm yết, Tôn Đông Á đã IPO và hoàn tất trong tháng 3/2022. Hồi tháng 1/2022, Tôn Đông Á thông báo sẽ chào bán gần 12,37 triệu cổ phiếu trong đợt IPO, các cổ đông hiện hữu chào bán 2,98 triệu cổ phiếu, tổng cộng là 15,35 triệu đơn vị. Giá chào bán tối thiểu là 58.000 đồng/cổ phiếu.
Đến tháng 2/2022, trong bối cảnh giá các cổ phiếu thép trên thị trường chứng khoán giảm sâu, công ty đã giảm giá chào bán tối thiểu xuống còn 40.000 đồng/cổ phiếu. Tất cả 15,35 triệu cổ phiếu trong đợt IPO đều được bán hết với mức giá 40.000 đồng/cổ phiếu.
Cổ đông lớn nhất của Tôn Đông Á hiện nay là Chủ tịch HĐQT Nguyễn Thanh Trung đang nắm giữ 32,6% vốn điều lệ công ty, tương đương gần 37,4 triệu cổ phiếu. Ông Trung đã cam kết nắm giữ ít nhất 20% vốn điều lệ công ty trong thời gian tối thiểu một năm kể từ ngày kết thúc đợt IPO.
Vợ ông Trung là bà Nguyễn Thị Ngọc Quỳnh cũng là cổ đông lớn và thành viên HĐQT của Tôn Đông Á. Vợ chồng ông Trung – bà Quỳnh sở hữu hơn 39% tổng số cổ phần Tôn Đông Á đang lưu hành. Một Thành viên HĐQT khác là bà Lê Thị Phương Loan đang nắm giữ 10,7%.
Phạm Danh