Chủ nhật, 30/06/2024 21:59 (GMT+7)
Thứ sáu, 28/06/2024 11:00 (GMT+7)

Tổ chức diễn đàn Kinh tế xanh – trách nhiệm của nhà sản xuất

Theo dõi KTMT trên

Ngày 27/6, tại Hà Nội, Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức Diễn đàn “Kinh tế xanh - Trách nhiệm của nhà sản xuất” với sự tham dự của các chuyên gia kinh tế, cùng các DN quan tâm đến phát triển xanh...

Báo cáo đề dẫn tại Diễn đàn nhấn mạnh, kinh tế xanh (Green economy) là nền kinh tế ít carbon, giảm thiểu mối nguy hại đến môi trường cũng như tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên. Từ đó, tạo nên sự phát triển kinh tế bền vững, ổn định nguồn lao động, duy trì hệ sinh thái, giảm thiểu rủi ro môi trường cũng như sự khan hiếm về tài nguyên.

Tổ chức diễn đàn Kinh tế xanh – trách nhiệm của nhà sản xuất - Ảnh 1
Diễn đàn Kinh tế xanh - Trách nhiệm của nhà sản xuất.

Theo Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050 được Chính phủ ban hành với các mục tiêu tham vọng nhằm đưa Việt Nam đi tắt đón đầu, bắt kịp, tiến cùng, vượt lên, hướng tới khát vọng thịnh vượng về kinh tế, bền vững về môi trường và công bằng về xã hội là minh chứng rõ nét nhất về việc Việt Nam đã quyết tâm lựa chọn cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo định hướng tăng trưởng xanh làm định hướng cho tương lai đất nước hướng tới các mốc quan trọng vào năm 2030, năm 2045 và những năm tiếp theo, tạo ra cơ hội lớn để Việt Nam có thể tiên phong trong khu vực về tăng trưởng xanh, phục hồi xanh, bắt kịp xu thế phát triển của thế giới.

Mục tiêu đặt ra là cường độ phát thải trên GDP so với năm 2014 giảm ít nhất 15% đến năm 2030, 30% đến năm 2050. Tỉ lệ chất thải rắn sinh hoạt đô thị được thu gom xử lý bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn theo quy định đạt 95% đến năm 2030. Tỉ lệ nước thải đô thị được thu gom và xử lý bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn theo quy định trên 50% đối với đô thị loại II trở lên và 20% đối với các loại đô thị còn lại.

Cùng với đó, Luật Bảo vệ môi trường 2020 quy định nhà sản xuất, nhập khẩu có 02 trách nhiệm: (1) Trách nhiệm tái chế sản phẩm, bao bì - áp dụng đối với sản phẩm, bao bì có giá trị tái chế (Điều 54) và (2) Trách nhiệm thu gom, xử lý chất thải - áp dụng đối với sản phẩm, bao bì chứa chất độc hại, khó có khả năng tái chế, gây khó khăn cho thu gom, xử lý chất thải (Điều 55). Theo đó, các ngành kinh tế, sản xuất xanh sẽ từng bước hạn chế phát sinh chất thải lớn, gây ô nhiễm, suy thoái môi trường; phát triển công nghệ xanh, hệ thống quản lý, kiểm soát hoạt động sản xuất theo kinh nghiệm thực hành tốt để tiết kiệm tài nguyên, giảm phát thải, cải thiện môi trường sinh thái.

Với các cam kết mạnh mẽ và hành động của Chính phủ, có thể thấy kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn - giảm phát thải, trung hòa carbon tới đây sẽ không chỉ là xu hướng, mà đang dần trở thành con đường tất yếu của các DN. Đặc biệt, việc EU áp dụng CBAM thử nghiệm từ 01/10/2023 và chính thức áp dụng từ 01/01/2026 buộc các DN phải thực hành giảm phát thải carbon và xây dựng tín chỉ carbon để tăng khả năng cạnh tranh khi xuất khẩu.

Tổ chức diễn đàn Kinh tế xanh – trách nhiệm của nhà sản xuất - Ảnh 2
Quang cảnh buổi Diễn đàn.

Thực tế trong những năm qua, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu về chuyển đổi xanh, phát triển kinh tế xanh. Điển hình như chuyển dịch năng lượng tích cực, trong đó năng lượng tái tạo chiếm khoảng 27,1% trong tổng công suất và 13,7% về sản lượng trong hệ thống điện toàn quốc. Nếu so với mục tiêu đề ra đến năm 2030 đạt khoảng 15-20% và năm 2045 đạt khoảng 25-30% trong Nghị quyết số 55-NQ/TW, công suất các nguồn năng lượng tái tạo có thể đạt được. Tỷ trọng kinh tế số trong GDP của Việt Nam đến cuối năm 2023 đạt 16,5%. Tín dụng xanh tăng trưởng 20%/năm từ năm 2017 đến nay và chiếm gần 4,5% dư nợ của nền kinh tế năm 2023. Giai đoạn 2019 - 2023, Việt Nam đã phát hành khoảng 1,16 tỷ USD trái phiếu xanh.

Đáng chú ý, năm 2023, Việt Nam đã bán thành công 10,3 triệu tín chỉ các-bon thông qua Ngân hàng Thế giới (WB) thu về 51,5 triệu USD; năm 2022, cả nước có khoảng 240.000 hecta canh tác hữu cơ (trong khi năm 2016 chỉ là 77.000 ha); có 59/63 tỉnh, TP trên cả nước triển khai nông nghiệp hữu cơ…

Những kết quả trên cho thấy, dù là nước đang phát triển, nhưng Việt Nam đã chủ động hội nhập xu thế phát triển thời đại. Thúc đẩy để chuyển nhanh sang mô hình kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế dựa vào tri thức, kinh tế tuần hoàn và luôn nhất quán quan điểm xuyên suốt là phát triển bền vững và không chấp nhận tăng trưởng bằng mọi giá.

Chia sẻ thêm thông tin tại Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành cho rằng, thời gian gần đây, sự hiểu biết của cộng đồng DN về kinh doanh bền vững, giảm phát thải ra môi trường đã được nâng cao rõ rệt. Nhiều DN đã và đang lấy kinh doanh xanh là chiến lược và là lợi thế cạnh tranh. Nhiều Tập đoàn kinh tế và các DN lớn cũng đã nhanh chóng vào cuộc, đẩy mạnh chuyển đổi xanh phục vụ ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển kinh tế các-bon thấp, hướng tới mục tiêu Net Zero.

Tuy nhiên, sự thay đổi này chủ yếu diễn ra ở khối các DN lớn, DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), trong khi đó số lượng doanh nghiệp vừa và nhỏ chiếm khá nhiều nhưng chưa quan tâm thích đáng và chưa có chuyển biến rõ nét. Do vậy, trong thời gian tới các DN cần quyết tâm chuyển đổi mạnh mẽ, đặc biệt nâng cao hiểu biết, nhận thức về trách nhiệm của mình trong việc bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, nắm bắt các quy định liên quan của cả trong nước và quốc tế.

Tổ chức diễn đàn Kinh tế xanh – trách nhiệm của nhà sản xuất - Ảnh 3
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành phát biểu tại buổi Tọa đàm.

“Từ thực tiễn đó cho thấy, trong thời gian tới chúng ta cần phải có quyết sách đủ mạnh để cụ thể hóa quan điểm “Đầu tư cho môi trường là đầu tư cho phát triển bền vững”. Đồng thời, huy động được nguồn lực xã hội hóa và sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế. Theo đó, sẽ đề xuất hệ thống quan điểm mới, tư duy mới đáp ứng bối cảnh tầm nhìn đến 2050. Quan điểm xuyên suốt là Nhà nước đóng vai trò kiến tạo, dẫn dắt, DN và người dân là trung tâm và chủ thể thực hiện, cùng với sự tham gia của các tổ chức chính trị - xã hội...” - Thứ trưởng Lê Công Thành nhấn mạnh.

PGS.TS. Nguyễn Đình Thọ, Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường; Ông Trần Quang Dũng, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (Petrovietnam); Bà Chu Thị Kim Thanh, Giám đốc vận hành Liên minh tái chế bao bì Việt Nam – PROVIETNAM trình bày tham luận. Tại phiên tham luận các diễn giả đã đưa ra một bức tranh tổng thể về phát triển kinh tế xanh tại Việt Nam từ thực tế đến chính sách cũng như vai trò của các DN, các nhà sản xuất trong việc xây dựng một nền kinh tế giảm phát thải, phù hợp với luật chơi “biến đổi khí hậu” của toàn cầu.

Đáng chú ý tại Diễn đàn năm nay, lần đầu tiên Câu lạc bộ Báo chí Phát triển Xanh - Green Media Hub thuộc Hội Nhà báo Việt Nam đã kêu gọi và truyền cảm hứng đến những người làm báo tham gia mạnh mẽ Giải thưởng Báo chí Phát triển Xanh lần thứ Nhất (2023-2025)... Đây cũng là một hành động thiết thực của giới báo chí đồng hành cùng thúc đẩy toàn xã hội với vai trò nòng cốt là các DN cùng đến đích Xanh của nền kinh tế trong tương lai...

PV

Bạn đang đọc bài viết Tổ chức diễn đàn Kinh tế xanh – trách nhiệm của nhà sản xuất. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới